Các bệnh viện liên kết cứu người nguy kịch

Thứ sáu - 09/09/2016 08:26

Các bệnh viện liên kết cứu người nguy kịch

Việc huy động tối đa nguồn lực các bệnh viện trong thời gian ngắn nhất đã cứu sống nhiều bệnh nhân cận kề cái chết.

Thực tế cho thấy một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM còn gặp khó khăn trong công tác cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do ngoài khả năng chuyên môn. Do vậy, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai quy trình “báo động đỏ liên viện” nhằm huy động sự hỗ trợ giữa các BV để cùng phối hợp xử lý những trường hợp khẩn cấp.

Nhanh đến mức tối đa

Trưa 31-8, BV quận 2 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân NQT (18 tuổi, ở TP.HCM) trong tình trạng sốc mất máu nặng, nhịp tim không ổn định... Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị vỡ gan, rối loạn nhịp tim do điện giật. Người nhà cho biết anh T. đang làm việc thì bị điện giật và té xuống từ độ cao khoảng 3 m, bất tỉnh.

Bệnh nhân trong cơn nguy kịch, cần sự hỗ trợ chuyên môn từ BV tuyến trên. Tuy nhiên, người bệnh có thể tử vong trên đường chuyển viện nên BV quận 2 lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện. Thông tin bệnh nhân, tuổi, giới tính, chẩn đoán ban đầu… được BV quận 2 báo đến BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM). BV quận 2 cũng yêu cầu BV Nhân dân Gia Định cử bác sĩ khoa ngoại đến hỗ trợ khẩn cấp.

Nhận được tin báo, BV Nhân dân Gia Định đã cử ngay TS-BS Lê Bá Thảo - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng quát và BS Nguyễn Thành Tiến Dũng - khoa Ngoại tổng quát đến hỗ trợ. 20 phút sau, hai bác sĩ đã có mặt tại BV quận 2 và đi thẳng vào phòng mổ.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời, cộng với sự phối hợp ăn ý giữa các bác sĩ nên bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc. Hiện người bệnh được theo dõi hồi sức tích cực tại BV quận 2, còn BV Nhân dân Gia Định tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn chuyên môn từ xa.

Bác sĩ BV quận 2 và BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) phối hợp mổ cấp cứu bệnh nhân NQT thông qua quy trình báo động đỏ liên viện. Ảnh: VĂN KHANH

Một trường hợp khác, bệnh nhân đau bụng quằn quại được người nhà đưa vô BV quận Tân Phú (TP.HCM) cấp cứu. Kết quả chẩn đoán cho thấy ổ bụng của bệnh nhân đầy máu do vỡ vết mổ trước đó. Sau khi nhận được thông tin đề nghị ứng cứu, bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát của BV Nhân dân 115 có mặt tại phòng mổ trong vòng 15 phút. Ca phẫu thuật thành công sau 30 phút phối hợp và xử lý chính xác của các bác sĩ. Vết mổ cũ của bệnh nhân cũng không còn chảy máu.

“Bệnh nhân sau đó được chuyển đến BV Nhân dân 115 để được tiếp tục theo dõi và điều trị, nay đã xuất viện. Nếu không có quy trình báo động đỏ liên viện, có thể tính mạng bệnh nhân đã khó giữ được” - TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, nói.

Quy trình đầy tính nhân văn

Ngoài trường hợp trên, BV Nhân dân Gia Định cũng đã hỗ trợ BV Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) cấp cứu bệnh nhân bị thuyên tắc ối thông qua quy trình báo động đỏ liên viện cách đây không lâu.

BS Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Nhân dân Gia Định, cho biết sau khi nhận được tin báo khẩn cấp, lãnh đạo BV đã cử ngay BS Ngô Minh Hưng - Phó Trưởng khoa Sản và BS Đinh Hữu Hào - Trưởng khoa Gây mê hồi sức đi tiếp ứng BV Đa khoa khu vực Thủ Đức. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời nên sản phụ đã được cứu sống” - BS Hân nói.

Mới đây, một bé gái bị đa chấn thương nặng, nguy kịch cũng đã được cứu sống tại BV quận Thủ Đức nhờ báo động đỏ liên viện với BV Nhi đồng 1.

Theo TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, báo động đỏ liên viện nằm trong kế hoạch Hoạt động phản ứng nhanh cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao do Sở Y tế TP.HCM đề ra. Quy trình báo động đỏ liên viện là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các BV nhằm cấp cứu người bệnh nguy kịch cần sự phối hợp của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mục tiêu của quy trình này là khẩn trương vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho bệnh nhân. Quy trình yêu cầu toàn bộ êkíp hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất có thể. Ngoài ra, việc này còn nhằm mục đích khẩn trương hồi sức tích cực chuyên sâu đối với những trường hợp diễn tiến xấu đột ngột, đe dọa tính mạng người bệnh.

Quy trình được kích hoạt khi nào?

Quy trình được kích hoạt khi hội đủ hai điều kiện sau: 1. Người bệnh nhập viện trong điều kiện nguy kịch hoặc đang điều trị nội trú đột ngột rơi vào tình trạng nguy kịch; 2. Người bệnh cần can thiệp phẫu thuật/thủ thuật khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của BV và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện (hoặc) cần can thiệp chuyên khoa khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của BV.

Quy trình báo động đỏ liên viện của TP.HCM bao gồm danh sách 39 bác sĩ tham gia can thiệp hỗ trợ, là các bác sĩ chuyên khoa về hồi sức, ngoại khoa, sản khoa của các BV đầu ngành của TP như BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và BV Truyền máu-Huyết học. Tuy nhiên, khi cần chuyên gia của các chuyên khoa khác, Sở Y tế cũng yêu cầu các BV khác sẵn sàng hỗ trợ.

_____________________________

Quy trình báo động đỏ liên viện được Sở Y tế TP.HCM xây dựng và thí điểm từ nhiều năm trước. BV Nhi đồng 1 là nơi đầu tiên ở  TP.HCM thực hiện quy trình này. Nhờ “báo động đỏ”, nhiều em bé nhập viện cấp cứu trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đã được cứu sống. Từ 5-4-2016, Sở Y tế đã cho triển khai quy trình này đến tất cả BV trên địa bàn TP.HCM, đây được xem như một bước tiến mới trong ngành, đảm bảo được sự an toàn và hài lòng của người bệnh.

BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây