Bác sỹ Mai Trang và bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đào Nguyên.
Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới, cứ 30 giây trên thế giới lại có một bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chân, do biến chứng loét bàn chân. Người mắc đái tháo đường càng ngày càng tăng. Tuổi thọ của bệnh nhân đái tháo đường cũng càng ngày càng cải thiện, do chất lượng điều trị được nâng lên. Tuy nhiên khi tuổi thọ bệnh nhân đái tháo đường dài ra cũng kéo theo nguy cơ bị biến chứng bàn chân cao lên.
Không kể những người bình thường, ngay cả không ít bệnh nhân đái tháo đường cũng không biết đến sự tồn tại của một khoa hiếm thấy ở Việt Nam: Khoa Chăm sóc Bàn chân, nằm trong Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Khoa Chăm sóc Bàn chân cho biết: “Khoa thành lập từ năm 2002, đến nay đã được 15 năm, chuyên điều trị những vết thương cấp và mãn tính ở người đái tháo đường”. Bác sỹ Thiện tiết lộ, những bệnh nhân đến đây thường đã tổn thương rất nặng, từng điều trị ở tuyến dưới hoặc các bệnh viện khác không thành công.
Sống với mùi tử thi, chi thể hoại tử
Theo bác sỹ Mai Trang, Phó khoa, phụ trách Khoa Chăm sóc Bàn chân, hiện nay khoa có 6 bác sỹ, 10 điều dưỡng. Bác sỹ Mai Trang công nhận Khoa Chăm sóc Bàn chân không hấp dẫn với các bác sỹ: “Bệnh nhân bàn chân có mùi rất đặc trưng, mùi tử thi, mùi xác thối rữa…”. Có những vết thương ở chân đã có giòi làm ổ. Ngay chính những người trong nghề, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân có khi vẫn nôn tại trận trước những ca hiểm.
Hiện nay, Bệnh viện Nội tiết đã chuyển đến địa điểm mới, khang trang, rộng rãi nên các y, bác sỹ và bệnh nhân bàn chân cũng được nhờ: “Từ năm 2011 chúng tôi chuyển về đây, thoáng đãng hơn, trước đây không gian chật hẹp, rất khổ sở”.
Bác sỹ Mai Trang là nữ bác sỹ duy nhất trụ với Khoa Chăm sóc Bàn chân từ thuở khoa mới manh nha: “Hồi đó, khoa chưa qui mô như bây giờ, chỉ là một đơn vị rất nhỏ, có một bác sỹ, hai y tá, một buồng bệnh nhỏ, mang tên đơn vị bàn chân đái tháo đường. Chúng tôi phát triển qui mô thành đội chăm sóc bàn chân bài bản vào khoảng những năm 2009, 2010. Bây giờ chúng tôi đã có “ngoại” trong “nội”, bác sỹ Mai Trang hào hứng.
Trước đây, tất cả những phẫu thuật, thủ thuật cho bệnh nhân như cắt xương, cắt cụt, trích dẫn áp- xe lớn, cắt lọc hoại tử… đều phải gửi sang Khoa Ngoại để thực hiện. Sau đó Khoa Ngoại gửi bệnh nhân trở lại Khoa Chăm sóc Bàn chân để chăm.
Nhưng năm 2010, bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện với chuyên môn lâu năm về chỉnh hình chấn thương chuyển về công tác ở khoa, đã giúp khoa trở thành một đội bài bản và khép kín trong chăm sóc bàn chân: hầu hết các thủ thuật ngoại khoa được thực hiện tại khoa với người trực tiếp thực hiện là bác sỹ phiên chế của khoa nên bệnh nhân được xử lí kịp thời. Ngoài ra, đội chăm sóc bàn chân còn có bác sỹ tim mạch, bác sỹ nội tiết chuyên về đái tháo đường, có điều dưỡng viên được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ quốc tế, đào tạo ở Nhật về chăm sóc bàn chân….
Lượng bệnh nhân đái tháo đường cần chăm sóc bàn chân hiện nay khá lớn. Các bác sỹ cho biết: Bệnh nhân đông nhất thường vào thời điểm cận và sau tết, bởi thời điểm này mọi người hay “thả phanh” trong ăn uống. Mùa hè cũng là mùa đông bệnh nhân, bởi thời tiết dễ gây nhiễm trùng cho người bệnh.
Đội chăm sóc bàn chân phải hoạt động liên tục, thường họ làm thông trưa: “Ở đây bệnh nhân truyền suốt ngày, có khi truyền đến chục tiếng đồng hồ một lần, ngoài ra còn phải dùng thuốc, có những điều dưỡng viên xong ca trực đi cà nhắc luôn”, bác sỹ Mai Trang kể.
Ai đã từng đến thăm Khoa Chăm sóc Bàn chân đều cảm nhận được sự thân thiện giữa y, bác sỹ với bệnh nhân. Bệnh nhân nắm tay bác sỹ cảm ơn, chào ra viện, bác sỹ dặn dò tỉ mỉ, cẩn thận như dặn người thân. Nếu ở nhiều môi trường y khoa khác đang diễn ra vấn nạn “phong bì” thì ở Khoa Chăm sóc Bàn chân, bệnh nhân tỏ ra vô cùng bối rối khi muốn cảm ơn bác sỹ nhưng bác sỹ từ chối.
Bệnh nhân Nguyễn Khắc Chiến chuyên nghề làm kính, đã mang bệnh hiểm nghèo lại gánh thêm căn bệnh đái tháo đường, ảnh hưởng tới bàn chân. Anh đã đi khắp nơi để chữa trị nhưng không đạt kết quả. Cuối cùng, có người mách bảo, anh đã tới Khoa Chăm sóc Bàn chân của Bệnh viện Nội tiết. Chỉ sau một tháng, anh Chiến đã được “trả lại” bàn chân, bước đi tương đối thoải mái.
Anh xúc động muốn được cảm ơn bác sỹ tài hoa đã thực hiện phẫu thuật cho mình. “Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện kiên quyết không nhận phong bì. Tôi chưa từng thấy một bác sỹ nào như ông”, anh Chiến vẫn chưa hết ngạc nhiên.
Trao đổi với người phụ trách Khoa Chăm sóc Bàn chân, bác sỹ Mai Trang cười: “Bệnh nhân ở đây toàn người nghèo, họ đi khắp nơi rồi, đến chỗ tôi gần như là cuối cùng. Bệnh nhân có điều kiện đếm trên đầu ngón tay, mình nhận của người ta cũng không đành, thêm nữa không tạo ra sự chuyên nghiệp trong công việc”.
Bệnh nhân Khoa Chăm sóc Bàn chân đang hồi phục.
Chăm sóc bàn chân như… gương mặt
Chỉ khi bệnh nhân đái tháo đường có ý thức chăm sóc sức khỏe cho mình mới giúp đội chăm sóc bàn chân đỡ vất vả. Bác sỹ Mai Trang cảm ơn truyền thông đã khá mạnh mẽ truyền tải thông tin về bệnh đái tháo đường, bản thân các bác sỹ cũng thường xuyên giáo dục cho bệnh nhân nhưng ý thức của người bệnh về chăm sóc bàn chân vẫn chưa tốt: “Khi được bác sỹ cảnh báo có nguy cơ bị nhiễm trùng chân, loét chân do biến dạng thì bệnh nhân phải kiểm tra chân hằng ngày”.
Cách chăm sóc bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường được bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện ví von như chăm sóc khuôn mặt của mình: “Cũng được xoa kem, cũng được rửa ráy, tỉa tót…”. Bệnh nhân cần dùng gương để soi gót chân, soi từng kẽ ngón chân, mở từng kẽ ngón để kiểm tra, vì kẽ ngón là nơi bắt đầu của nhiễm trùng. Lưu ý khi bệnh nhân rửa chân hàng ngày: Chỉ dùng nước mát hoặc nước ấm, do người nhà trực tiếp kiểm tra.
Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng thần kinh ngoại vi bàn chân bị tê bì hoặc mất cảm giác. Khi bị tê bì nhiều bệnh nhân thường học dân gian ngâm chân bằng nước nóng. Các bác sỹ khuyên không nên ngâm vì người bệnh không kiểm soát được cảm giác của mình. Đã từng có những bệnh nhân dội cả phích nước sôi vào chân, bỏng tuột da từ đầu gối trở xuống, khiến các bác sỹ phải mất nhiều tháng chăm sóc, điều trị chống nhiễm trùng, vá da, cắt lọc hoại tử…
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện tâm sự: Hầu hết các bệnh nhân tới Khoa Chăm sóc Bàn chân đều trong tình trạng bị stress, có người không muốn sống nữa. Người phẫu thuật viên này đã trải qua nhiều ca đặc biệt, để lại ấn tượng khó phai: “Có một giáo viên khá nổi tiếng ở Hà Nội, ông đến với chúng tôi khi đang bị trầm cảm, gia đình chăm ông khá tốt nhưng ông giấu bệnh.
Khi nhìn chân ông, tôi đã tính tới khả năng phải cắt cụt để cứu tính mạng. Gia đình tha thiết xin bác sỹ cố cứu bàn chân. Sau đúng một tháng tôi đã “trả lại” bàn chân cho ông khiến ông và gia đình cảm động”. Mỗi chiến thắng trong giải cứu những bàn chân tổn thương nặng là một niềm vui vô giá đối với các chiến sỹ áo trắng, khiến họ quên đi công việc vất vả trong môi trường sực mùi tử thi.
Vài cảnh báo với bệnh nhân bàn chân Khi có bệnh đái tháo đường, bệnh nhân phải đến những nơi chuyên ngành về bệnh đái tháo đường để được tư vấn, điều trị. Khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì phải đi khám ngay. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân, tiền đề cho loét chân sau đó. Với những vết thương dù rất nhỏ, người đái tháo đường cũng cần đến chuyên khoa để xử lí. Vì chi phí cho việc chăm sóc bàn chân khá tốn kém nên bệnh nhân cần thiết phải mua bảo hiểm y tế. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn