Ngày 22-9, Bác sĩ Hà Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện phòng nghiệp vụ thuộc đơn vị này đã phối hợp với Cơ quan CSĐT làm rõ những nghi vấn có liên quan đến gói thầu cung ứng dược liệu trị giá hơn 20 tỉ đồng cho Bệnh viện Y học Cổ truyền của tỉnh này.
Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Kiên Giang đang lao đao vì thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Trong thông báo mới đây, Cục Quản lý Y dược Cổ truyền thuộc Bộ Y tế cho rằng: công văn số 15502 ngày 19/09/2014 của Cục Quản lý dược cho phép Công ty TNHH Thiên Ân Dược nhập khẩu 372 danh mục dược liệu từ Tổng Công ty Mậu dịch XNK huyện Ninh Minh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) mà Công ty Hoà Phú cung cấp dự thầu có thể là giấy tờ giả mạo đã bị chỉnh sửa từ công văn số 15502 ngày 19/9/2013 của Cục Quản lý Dược cấp cho Công ty TNHH Thiên Ân Dược. Ngoài ra, đoàn cũng nghi ngờ Công ty Hoà Phú giả mạo một số giấy tờ chứng minh tính hợp lệ của mặt hàng dược liệu có nguồn gốc thuốc Bắc trong hồ sơ dự thầu. Đồng thời, đoàn cũng nghi ngờ kết quả của một số phiếu kiểm nghiệm chất lượng dược liệu trong hồ sơ dự thẩu của Công ty Hoà Phú có các chỉ tiêu kiểm tra trùng với phiếu kiểm nghiệm chất lượng dược liệu do Công ty Hoà Phú cung cấp cho bệnh viện (phiếu kiểm nghiệm năm 2015). Ngoài ra, đoàn còn đề nghị niêm phong toàn bộ các lô dược liệu số 122015 mà đoàn đã lấy mẫu kiểm nghiệm.
Trong quá trình thực hiện cung ứng dược liệu, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang đã làm công văn đề nghị Công ty Hòa Phú cung cấp bổ sung các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc “Trung Quốc” nhưng đến nay công ty vẫn không thực hiện được nên phía bệnh viện không đồng ý nhập thuốc do Công ty Hoà Phú cung ứng. Điều này khiến cho bệnh viện thiếu dược liệu nghiêm trọng.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Dung, cách nay hơn tháng, khi còn là Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Kiên Giang thì bà Dung đã ký công văn khẩn gởi Sở Y tế tỉnh Kiên Giang để báo cáo tình hình thiếu thuốc nghiêm trọng tại bệnh viện này. Trong đó có đến 92 loại dược liệu trong kho thuốc đã hết nên gây khó khăn trong công tác điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã tạm ngưng cung cấp dịch vụ kỹ thuật “ngâm thuốc nước y học cổ truyền” do thiếu 5/8 vị thuốc điều chế thuốc ngâm y học cổ truyền khiến cho người bệnh bức xúc.
Để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu dược liệu, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo giao cho các bệnh viện y học cổ truyền trong toàn tỉnh lựa chọn nhà thầu và thông báo cho các bệnh viện biết mua sắm trực tiếp theo giá thống nhất của tỉnh.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn