Nam giới cũng cần khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường ở ngực. Ảnh minh họa
Không tin khi bác sĩ kết luận bị ung thư vú
Cách đây gần một năm, ông Nguyễn Văn Tính (ở Hải Dương) phát hiện ở ngay dưới đầu núm vú có khối hạch cứng nhỏ bằng ngón tay cái. Vì sờ không thấy đau, ông nghĩ không sao nên chủ quan không đi khám. Chỉ khi thấy cái u phát triển ngày càng lớn, núm vú thụt vào trong, ông Tính mới đi kiểm tra và được xác định bị ung thư vú. “Lúc bác sĩ kết luận tôi bị ung thư vú, tôi lại nghĩ bác sĩ ghi nhầm vì đàn ông ai lại mắc bệnh này bao giờ? Tôi đã không tin vào kết quả đó, rồi đi kiểm tra ở nhiều bệnh viện khác nhau nhưng mọi nơi đều chung một kết luận tôi bị ung thư vú và bệnh đã sang giai đoạn 2”, ông Tính cho biết.
Không chỉ ông Tính thấy hoài nghi khi được xác định mắc ung thư vú mà rất nhiều đàn ông khi được hỏi về căn bệnh này đều tỏ ra khá bất ngờ. Phần lớn họ đều nghĩ rằng, chỉ nữ giới mới bị ung thư vú, chứ nam giới không cho con bú sao bị ung thư vú được.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ung thư vú và tử vong vì căn bệnh này ở đàn ông ngày một tăng. Theo báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ, năm 2013 có 2.240 nam giới mắc ung thư vú và 410 người tử vong. Trong 25 năm qua, tỉ lệ ung thư vú nam giới trên thế giới tăng 26%. Còn ở Việt Nam, theo công bố trong một nghiên cứu về ung thư vú của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, ung thư vú ở nam giới là ung thư hiếm gặp, nhưng cũng đã xuất hiện rải rác hàng năm với 27 ca đến bệnh viện điều trị. Đồng thời cho thấy, 74% nam giới phát hiện mình bị ung thư vú ở giai đoạn muộn II, III.
Theo BS Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng khoa Ngoại vú (Bệnh viện K Trung ương) cho rằng, ung thư vú ở nam giới là tình trạng các tế bào ác tính tăng sinh không kiểm soát hình thành nên các khối u. Đây là một bệnh hiếm gặp trong các bệnh lý phát sinh trên cơ thể nam giới. Nam giới chỉ chiếm khoảng 1% trong các trường hợp ung thư vú nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn vì tổ chức tuyến vú ít nên thời gian ung thư lan ra cấu trúc lân cận như da, thành ngực... rất nhanh và vì thế họ cũng chuyển nặng nhanh hơn, tiên lượng xấu cao.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở nam giới có thể là chưa bao giờ kết hôn, có nguồn gốc Do thái, đã có bệnh tuyến vú lành tính, chứng vú to, tiền sử có bệnh tinh hoàn (viêm tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ và tổn thương tinh hoàn) hoặc bệnh gan, tiền sử gia đình bị ung thư vú hoặc đã chiếu xạ thành ngực trước đó.
Thứ 2 là, do nguyên nhân tăng estrogen hoặc thiếu androgen tương đối. Việc uống nhiều rượu gây ra các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan… sẽ làm thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể, khiến cho lượng kích thích tố nam androgen bị giảm xuống và làm tăng lượng kích thích tố nữ estrogen cao hơn.
Yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây ung thư vú ở nam giới là hội chứng Klinefelter, đây là một căn bệnh hiếm gặp khi có thừa một nhiễm sắc thể X. Những người đàn ông này có nguy cơ ung thư vú cao gấp 50 lần so với những người đàn ông mang kiểu gene bình thường. Hội chứng Klinefelter gây teo tinh hoàn, vú to, tăng nồng độ các chất hướng sinh dục huyết thanh và giảm nồng độ testosteron huyết thanh, từ đó dẫn đến tăng tỷ lệ estrogen/testosteron.
Dấu hiệu không nên bỏ qua
Các nhà chuyên môn cho rằng, nam giới thường có tâm lý chủ quan với nguy cơ mắc bệnh, khi nghi ngờ mắc bệnh thường có tâm lý e ngại không đi khám và điều trị. Bởi vậy khi phát hiện bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, các cục u vú đã xâm lấn ra các vùng xung quanh dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn.
Các dấu hiệu bệnh ung thư vú ở nam giới rất rõ ràng nhưng nam giới hay bỏ qua. Triệu chứng điển hình là có một cục cứng ở dưới quầng vú, có thể chỉ xuất hiện ở một bên vú, đôi khi nằm ở 1/4 trên ngoài của vú. Khối u của ung thư thường không đau. Các dấu hiệu khác gồm tụt đầu vú hoặc xuất tiết dịch ở đầu núm vú, loét đầu vú, loét da vú, dính da, cơ, sờ thấy hạch nách. Ngoài ra, ung thư vú còn có biểu hiện tấy đỏ bất thường xung quanh khu vực vú. Cánh mày râu thường chủ quan với triệu chứng này bởi cho rằng, sự tấy đỏ đó có thể là do va chạm, dị ứng. Thực tế tình trạng này kéo dài, kèm theo ngứa, đau nên khẩn trương đi khám.
GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khuyến cáo, mặc dù ung thư vú là căn bệnh ung thư có thể chữa khỏi nhiều nhất trong số các loại bệnh ung thư nhưng việc di căn tế bào ung thư vẫn không thể tránh khỏi. Kết quả điều trị hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn. Nếu phát hiện ở giai đoạn một thì cơ hội chữa khỏi lên tới 90%, phát hiện ở giai đoạn 2 thì cơ hội chữa khỏi bệnh là 80%; ở giai đoạn 3 là 60%. Khi ở giai đoạn muộn thì chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ.
Về nguyên lý điều trị cũng gần giống như ở nữ. Ở nữ giới, ung thư vú có thể được điều trị bảo tồn để giữ lại được tuyến vú, còn ở nam giới, phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và nạo vét hạch nách. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị kết hợp hóa trị và xạ trị. Ngoài ra, có thể điều trị nội tiết cho nam giới nếu như có đáp ứng tốt.
Để phòng ngừa bệnh, nam giới cần vệ sinh sạch sẽ vùng ngực, hình thành thói quen đi khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, cần để ý những bất thường xung quanh ngực, khi thấy các biểu hiện như trên cần lập tức đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Cách chẩn đoán ung thư vú nam Khi nghi ngờ có khối u ở vú, nam giới cần đi khám để được chẩn đoán mô học: - Chụp tuyến vú cho kết quả bất thường ở 80-90% bệnh nhân nam bị ung thư vú và thường có thể giúp phân biệt ung thư vú với chứng vú to. - Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. - Nếu chọc hút tế bào bằng kim nhỏ không lấy được đủ bệnh phẩm hoặc không thể thực hiện được, có thể sinh thiết kim hoặc sinh thiết mở để có đủ lượng bệnh phẩm cho chẩn đoán mô bệnh học và xét nghiệm thụ cảm nội tiết. BS Nguyễn Văn Định |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn