La Liga trong nhiều năm là sân chơi riêng của Real Madrid và Barcelona, và thế song quyền ấy càng được củng cố bởi cách chia tiền bản quyền truyền hình thiếu cân bằng. Real và Barca chiếm tới 34% số doanh thu mỗi mùa giải từ bản quyền phát sóng, trong khi các CLB khác đều phải vất vả xoay được đồng nào hay đồng ấy.
Cuộc cạnh tranh Real - Barca vẫn là thứ hấp dẫn nhất ở La Liga
Gần đây La Liga bắt đầu thay đổi vấn đề này khi muốn tạo dựng hình ảnh của một giải đấu có tính cạnh tranh hơn, bởi La Liga vẫn thua kém Premier League về mặt doanh thu truyền hình bất chấp rất nhiều nỗ lực thu hút người xem (như xếp trận đấu đá vào buổi trưa để tiện giờ cho khán giả châu Á). Chính phủ Tây Ban Nha gần đây cũng bắt đầu dừng hậu thuẫn tài chính cho Real và Barca.
Chính phủ TBN trong năm 2015 đã thông qua đạo luật cấm Real Madrid và Barca được sở hữu hợp đồng phát sóng riêng với các đài truyền hình, mà thay vào đó phải chịu phụ thuộc vào hợp đồng phát sóng của cả giải La Liga. Đạo luật này bảo đảm rằng Real và Barca sẽ bị cắt giảm tỷ lệ phần trăm tiền bản quyền truyền hình được hưởng, tạo điều kiện cho các đội bóng hạng trung được cải thiện tài chính.
Khi đạo luật này được thông qua vào tháng 9/2015, Real Madrid là đội bóng duy nhất bỏ phiếu phản đối và theo tờ Marca, Real đã đưa vấn đề ra tòa án để phủ quyết đạo luật này lần thứ 3, hai lần trước đều bị bác bỏ.
Có một thực tế là trong khi ở TBN Real Madrid vẫn là đội bóng có số lượng người xem đông nhất (chiếm 25,5%), Barcelona lại đang là đội bóng có lượng fan nước ngoài xem nhiều nhất (chiếm 25,6%). Thị trường nước ngoài là thị trường mà La Liga đang nhắm đến và Barcelona đang là đầu tàu mang lại doanh thu lớn hơn của giải đấu.
Real Madrid có lẽ là đội bóng duy nhất ở TBN đang cản trở sự tiến bộ của La Liga về mặt tài chính với hy vọng giữ vững cơ hội cạnh tranh danh hiệu của mình. Kể từ sau năm 2008 đến nay, Real mới chỉ một lần vô địch La Liga trong khi sự thống trị của Barcelona đã được xây chắc, và bây giờ Real đang quay sang tìm cách chặn không cho các CLB nhỏ ngóc đầu lên để giữ vị trí của mình.
Tỷ phú người Singapore Peter Lim cứu Valencia khỏi phá sản vào năm 2014, 10 năm sau chức vô địch La Liga gần nhất của đội bóng này
Cách chia bản quyền truyền hình mới của La Liga là một bước đi đúng đắn bởi tính cạnh tranh càng cao càng khiến khán giả chú ý theo dõi hơn, mà La Liga đang thiếu điều đó khi so sánh với Premier League mặc dù chất lượng bóng đá lẫn phong độ ở cúp châu Âu của nhiều đội bóng TBN đang hơn hẳn những người Anh. Một giải đấu cạnh tranh hơn thì tiền sẽ nhiều hơn và mọi người sẽ càng giàu hơn.
Một số CLB ở TBN đã phải gánh chịu cảnh nợ nần trong nhiều năm qua, hay thậm chí văng khỏi La Liga tới chỗ gần như bị xóa sổ. Real Sociedad, Deportivo La Coruna, Atletico Madrid, Alaves, Real Zaragoza hay Villarreal đều có lúc cạnh tranh chức vô địch La Liga nhưng rồi kinh tế sa sút, và chỉ Atletico là đang có vị thế của một ứng viên vô địch. Valencia thì cách đây 6 năm có tình cảnh tồi tệ tới mức suýt thành tài sản của nhà nước.
Barcelona đã và đang điều hành tổ chức của mình một cách rất thành công để có được giai đoạn thành công kéo dài một thập kỷ qua. Họ cũng là người được hưởng lợi ích từ cách chia bản quyền truyền hình cũ, nhưng Barca không ngại mời gọi sự cạnh tranh từ các đội bóng khác để giữ động lực tiến bộ của chính mình. Họ cũng chẳng thiệt gì nhiều với cách ăn chia mới, khi Barca vẫn sẽ là đội bóng được theo dõi nhiều nhất ngoài lãnh thổ TBN.
Điều ngược lại phải chăng đang diễn ra ở Real Madrid? Họ là một đội bóng làm ăn kiếm tiền rất giỏi nhưng dường như đang áp dụng tư duy ấy để tạo sự độc quyền cho mình, triệt bỏ bớt đối thủ mà gây hại cho cả La Liga. Nhưng bóng đá là một ngành kinh doanh khác hẳn các ngành khác ở chỗ, tính cạnh tranh của nó mới là thứ thu hút khán giả theo dõi.
Chủ tịch La Liga ông Javier Tebas chỉ trích Real Madrid "tư duy theo lối cũ", tìm cách triệt hạ sự sinh tồn của đối thủ
Muhammad Ali không phải tay đấm ăn khách, Joe Frazier cũng không phải tay đấm ăn khách, mà Ali đấu Frazier mới chính là thứ ăn khách. Bóng đá cũng vậy, Real đối đầu Barca là thứ ăn khách, nhưng La Liga chỉ có mỗi cái đó, và giải đấu đang cố gắng tạo ra nhiều cuộc cạnh tranh như thế để hút khán giả.
Real sẽ được lợi ích tài chính to lớn từ một La Liga cạnh tranh hơn, nhưng họ là đội bóng duy nhất sợ điều đó xảy ra. Cách giải thích duy nhất là bởi vì Real đang bí lối trong việc giật sự thống trị La Liga từ tay Barca, và họ chỉ còn cách đấm thụt đầu các CLB nhỏ hơn để không tụt lại sau.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn