Pogba in tiền cho MU như thế nào?

Chủ nhật - 14/08/2016 15:33

Pogba in tiền cho MU như thế nào?

Ai cũng hiểu rằng Paul Pogba là một thương vụ đầu tư vừa mang tính chuyên môn, vừa đậm chất thương mại. Nhưng chính xác thì tiền vệ người Pháp sẽ làm giàu cho MU như thế nào?

3 năm về trước, khi Real Madrid một lần nữa phá kỷ lục chuyển nhượng, nhà báo nổi tiếng Simon Kuper đã viết rằng: “Tại sao phải mua tranh Picasso khi có thể mua Gareth Bale?”

Quý như tranh Picasso

Những tỷ phú hàng đầu đều thích sưu tầm những món đồ đắt đỏ cho xứng tầm đẳng cấp của mình. Roman Abramovich là một ông trùm dầu mỏ, một nhà tài phiệt sở hữu hàng loạt du thuyền nhưng danh tiếng chưa vươn khỏi nước Nga. Vụ đầu tư vào Chelsea đã giúp tên tuổi Abramovich lan khắp toàn cầu.

Như Abramovich nói, ông mua Chelsea không phải là để làm ăn, trong 8 năm đầu tiên tỷ phú người Nga lỗ tới 1 tỷ USD. Nếu muốn làm giàu, ông sẽ chọn hình thức kinh doanh khác: mua cổ phiếu, xây khách sạn, kinh doanh bất động sản...

Đó cũng là suy nghĩ của Florentino Perez. Nhiều người nói rằng Perez mua các “galactico” để biến Real Madrid thành cỗ máy in tiền khổng lồ nhưng sự thật là tiền ấy không chảy vào túi Perez. Perez không sở hữu Real. Quyền sở hữu thuộc về hàng trăm nghìn "socio" (hội viên), những người bỏ phiếu bầu Perez làm người điều hành CLB giống như người Mỹ bầu tổng thống vậy. Tổng thống Mỹ có nhiệm vụ giúp kinh tế tăng trưởng nhưng ông ta chỉ hưởng lương mà không được chia tiền từ GDP của đất nước. Florentino Perez cũng thế.

Bức ảnh làm phiền lòng chủ tịch Florentino Perez. Cả De Gea và Pogba đều đã yên vị tại MU.

Và hơn nữa, cần phải nhấn mạnh rằng Real Madrid không phải cỗ máy kiếm tiền mạnh nhất trong tay Perez. Tập đoàn xây dựng ACS của ông có doanh thu cao gấp 70 lần Real Madrid. Đó mới là nơi mà ngài tỷ phú kiếm tiền.

Nhưng có một điều chắc chắn, danh tiếng của Real và của các siêu sao Ronaldo, Bale… sẽ củng cố danh tiếng của Perez và cái danh ấy thúc đẩy công việc làm ăn của ông trùm này. Nó cũng giống như việc một doanh nhân sở hữu tranh Picasso sẽ gặp thuận lợi hơn khi đi đàm phán hợp đồng.

Đó cũng là suy tính của Man United khi mua Paul Pogba. Cái giá 110 triệu euro bị nhiều người cho là phi lý, là điên rồ, rằng tài năng của Pogba chưa cân xứng với giá ấy… Nhưng chẳng phải năm ngoái bức "Những phụ nữ Alger” của Picasso đã được bán với giá 179 triệu USD đó sao! Với những người không biết xem tranh, bức tranh với những nét vẽ nhì nhằng, khó hiểu ấy chỉ đáng ném vào sọt rác.

Tuyên ngôn của Man United

Bằng cách chiêu mộ Pogba, MU đã gửi một thông điệp rõ ràng đến toàn thế giới: chúng tôi là Manchester United, chúng tôi đang sở hữu cầu thủ đắt nhất hành tinh. Còn gì ý nghĩa hơn thế, khi mà MU đã có Pogba sau khi đánh bại Real Madrid, đối thủ đáng gờm nhất trong cuộc chiến thương hiệu.

Người ngoài nhìn vào sẽ thấy MU sở hữu cầu thủ đắt nhất thế giới có nghĩa là đội bóng này giàu tham vọng nhất thế giới. Khán giả sẽ thích thú với điều đó, và nhà tài trợ cũng thế.

MU mua Pogba khác hẳn Real mua Zidane, Kaka hay Ronaldo, những người đã giành QBV, trong khi Pogba mới ở mức tiềm năng và thương hiệu không thể sánh bằng các đàn anh kể trên. Nhưng nhà tài trợ sẽ không bận tâm đến điều đó. Họ thích MU không phải bởi MU có Pogba mà là bởi MU sở hữu cầu thủ đắt nhất thế giới, không cần biết anh ta tên gì.

Theo thống kê, MU có thể mua Pogba chỉ bằng tiền bán áo đấu của Ibrahimovic.

Một cách tổng quan, MU mua Pogba sẽ củng cố sức mạnh thương hiệu của mình nhưng không phải bởi Pogba có thương hiệu mạnh mà bởi MU tự làm mình mạnh.

Pogba chỉ là một hạng mục đầu tư của các ông chủ Mỹ và để đánh giá hiệu quả đầu tư phải nhìn dưới góc độ tổng quan. Bao nhiêu chiếc áo đấu của Pogba sẽ được bán? Bao nhiêu hợp đồng quảng cáo sẽ được ký kết? Đó không phải là yếu tố cốt lõi. Cái cốt lõi là MU có Pogba sẽ dịch chuyển thế nào.

MU sẽ mạnh hơn, MU sẽ chiến thắng, MU sẽ trình diễn thứ bóng đá cuốn hút như thời đỉnh cao của Sir Alex… Những yếu tố chuyên môn ấy cộng hợp với sức lôi cuốn của thương hiệu và tham vọng sẽ biến "Quỷ đỏ" thành cỗ máy in tiền lớn nhất thế giới thể thao.

Đó là bước 1 trong toan tính của các thành viên nhà Glazer. Ở bước 2, sức cuốn hút của Manchester United sẽ trợ giúp đắc lực cho việc kinh doanh của họ.

Nhà Glazer nắm First Allied Corporation, doanh nghiệp sở hữu chuỗi trung tâm mua sắm có tổng diện tích 600.000 mét vuông trải khắp 20 bang nước Mỹ. Rồi đây, chuỗi mua sắm ấy sẽ bày bán tràn lan áo đấu, khăn, quà lưu niệm và hàng trăm sản phẩm gắn với thương hiệu Manchester United.

Nước Mỹ luôn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Với bóng đá, thị trường ấy vẫn còn mới mẻ, bí hiểm và đầy cuốn hút như nụ cười của nàng Mona Lisa vậy.

Giờ thì bạn đọc đã biết giá trị chính xác mà Pogba mang lại cho MU rồi chứ!?

 



Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây