Derby nóng NHA: Khi MU ăn 3, Man City đá giải hạng 3

Thứ năm - 08/09/2016 08:31

Derby nóng NHA: Khi MU ăn 3, Man City đá giải hạng 3

Tháng 5 năm 1999, khi MU tưng bừng ăn mừng chức vô địch Champions League và hoàn tất cú ăn ba thần thánh thì bên phía Đông thành phố, Man City lại ăn mừng chiếc tích... giành vé thăng hạng Nhì.

Đỉnh & vực

Đêm 26/5/1999 trên sân Nou Camp, màn ngược dòng lịch sử với 2 bàn thắng trong 132 giây cuối trận đã giúp MU giành chức vô địch châu Âu sau 31 năm chờ đợi. Chiến thắng ấy đã đưa “Quỷ đỏ” đến vinh quang tột đỉnh bởi trước đó họ đã vô địch FA Cup và giải Ngoại hạng Anh.

Khi Man đỏ ăn mừng vô địch châu Âu...

4 ngày sau đó, Man City bước vào trận chung kết tranh vé play-off lên hạng Nhì với đối thủ Gillingham ở Wembley. Đội bóng áo xanh cũng có một màn ngược dòng khá ấn tượng, bị dẫn 2-0 nhưng cân bằng tỷ số trong 2 phút cuối rồi thắng trong loạt luân lưu 11m.

Mùa giải ấy chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự chênh lệch một trời một vực giữa 2 đội bóng cùng thành phố. Man đỏ vô địch Anh và châu Âu, trong khi Man xanh xếp thứ 3 giải hạng 3. Nó là cái cớ để các cổ động viên khoác áo đỏ chế giễu những người hàng xóm của mình.

8 năm sau, Man City được tỷ phú Thaksin Shinawatra - Thủ tướng Thái Lan mới bị bãi nhiệm thời ấy mua lại. Một năm sau đó, Man City lại sang tên người Ả-rập với mức giá 150 triệu bảng. Và kể từ đây lịch sử thay đổi mãi mãi.

Với một đội bóng ngập trong nợ nần và luôn đứng dưới cái bóng của gã khổng lồ cùng thành phố thì được Sheikh Mansour mua lại là một vận may lớn (CĐV Man City tiếp nhận ông chủ mới rất vui vẻ, khác hẳn cái cách CĐV Man United phản đối nhà Glazer).

Man xanh lại ăn mừng thăng hạng Nhì

Nhưng vận may ấy không đến một cách ngẫu nhiên, người Ả-rập đã nhìn thấy tiềm năng từ đó. Khi Man City chơi ở hạng 3 thì họ vẫn có 3 vạn CĐV đều đặn đến sân hát vang ca khúc “City till I die” (fan Man City cho đến chết). Man City có một sân bóng tầm vóc quốc tế mới được chính quyền thành phố xây dựng để phục vụ đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 2002 (Man City thuê lại với giá 2 triệu bảng/mùa).

Một đội bóng đông fan, có sân bóng chứa gần 5 vạn chỗ, có hạ tầng giao thông chất lượng và chơi ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh sẽ luôn thu hút các ông chủ ngoại, giống như tỷ phú Roman Abramovich đã không lấn cấn gì khi đầu tư vào Chelsea .

Thế lưỡng cực ở Manchester

Khi các ông chủ ở Abu Dhabi đầu tư vào Man City, cánh báo chí đồn rằng họ sẽ nhân cơ hội để lấn sân vào các lĩnh vực khác như là xây dựng nhà hàng, khách sạn, quán bar, trung tâm thương mại... Nhưng sau 8 năm, người Abu Dhabi vẫn chưa xây một nhà hàng nào.

Thay vào đó, họ đầu tư 140 triệu bảng cho một khu thể thao phức hợp rộng 32 hecta để nâng cấp hệ thống đào tạo trẻ, trong đó có bể bơi, sân tập cho nhiều lứa tuổi và sân bóng 7.000 chỗ ngồi cho đội trẻ thi đấu... Tất cả nhằm phục vụ tham vọng đưa Man City đến tầm vóc ông lớn của châu lục, ngang hàng MU, Barcelona ...

Nhờ các HLV tài năng, nổi tiếng như Mourinho và Guardiola, derby Manchester trở nên vô cùng hấp dẫn

Thành phố Manchester từng là cái nôi của cách mạng công nghiệp và là điểm tựa biến Anh thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới trong thế kỷ 19. Nơi đây từng phát triển rất mạnh công nghiệp bông, than đá, luyện thép, đóng và sửa chữa tàu biển... 

Công nghiệp phát triển kéo theo bóng đá phát triển. Bóng đá được truyền bá và được giới thợ thuyền, công nhân đón nhận nồng nhiệt (hình ảnh con tàu trên logo Man City xuất phát từ ngành công nghiệp đóng tàu).

Sự suy thoái của các ngành công nghiệp nặng ở nước Anh trong thập niên 1970, 1980 đã kéo 2 đội bóng thành Manchester đi xuống. Chỉ riêng giai đoạn 1979 - 1984 với chính sách kinh tế của “bà đầm thép” Thatcher, đã có tới 150.000 công nhân ở Manchester mất việc, hàng ngàn công xưởng phải đóng cửa, hàng trăm nghìn người rời bỏ thành phố và không bao giờ trở lại. Mất đi lượng CĐV hùng hậu, cả Man United và Man City cùng rớt hạng.

Man United trở lại sớm hơn, từ thập niên 1990, nhờ một cơ may của họ: HLV thiên tài Alex Ferguson, người đã giúp đội bóng tìm lại con đường chiến thắng. Thế mới có chuyện khi Man đỏ lên đến đỉnh cao thế giới thì Man xanh vẫn còn đá ở hạng 3.

Man City không có được vận may như Man United - sở hữu một con người kiệt xuất, nhưng họ có một cơ may khác: tiền đầu tư từ Abu Dhabi - những ông chủ muốn phát triển bóng đá thực sự bền vững.

Từng là biểu tượng của công nghiệp nặng thế giới, thành phố Manchester đã chuyển hướng sang các lĩnh vực kinh tế khác: thương mại, dịch vụ, ngân hàng, chứng khoán. Cả bóng đá nữa. Với 2 đội bóng ở Top đầu, 2 HLV “đỉnh” nhất thế giới và dàn ngôi sao thượng hạng, trận derby thành Manchester ở vòng 4 Premier League hứa hẹn vô cùng hấp dẫn!

Man City chi hơn 1 tỷ bảng cho chuyển nhượng

Kể từ mùa Hè năm 1999 khi được thăng hạng Nhì đến nay, Man City đã chi tới 1,098 tỷ bảng cho chuyển nhượng, trong đó có 150 triệu bảng trong mùa Hè 2016 này.Từ những bản hợp đồng kém danh tiếng như Carlo Nash, giá 94.000 bảng (năm 1999), Man City đã vươn xa với những thương vụ lớn như Robinho, người phá kỷ lục chuyển nhượng của Premier League với giá 32 triệu bảng (năm 2008). Bản hợp đồng đắt nhất của Man City là Kevin De Bruyne, mua từ Wolfsburg với giá 55 triệu bảng (năm 2005).

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây