23h đêm, dù thời tiết Hà Nội thời điểm đó chỉ dưới 10 độ C, nhưng nhóm công nhân môi trường đô thị thuộc Xí nghiệm thi công cơ giới xây lắp (Công ty THHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn đi làm nhiệm vụ nạo hút cống thoát nước trên địa bàn được phân công quản lý.
Các xe chuyên dụng cùng 10 công nhân di chuyển đến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), tại đây các khâu chuẩn bị nhanh chóng được hoàn tất. Người nối ống, người điểu khiển bồn hút, người chuẩn bị quần áo bảo hộ để sẵn sàng cho công việc của mình.
Nhóm công nhân thông, hút ống cống chuẩn bị công việc lúc 23h đêm.
Anh Hoàng Văn Trọng - Tổ trưởng tổ cơ giới số 5, người trực tiếp phụ trách việc nạo, hút cống tại đường Nguyễn Tuân cho biết sở dĩ đội của anh phải làm đêm là vì ban ngày số lượng phương tiện giao thông di chuyển trên con phố này rất lớn. “Làm việc ban ngày có thể sẽ đỡ lạnh hơn, nhưng sẽ gây ách tắc giao thông. Vì thế, chúng tôi phải làm nhiệm vụ vào giờ này”, anh Trọng nói.
Trong khi nhóm công nhân đang lắp ráp các dụng cụ, anh Lê Hưng đứng riêng ra một góc, bỏ giầy dép đi chân trần để chuẩn bị thay bộ quần áo bảo hộ. “Tôi chuẩn bị xuống cống đây”, anh Hưng vừa nói, vừa nhờ đồng nghiệp mặc hộ chiếc áo chuyên dụng.
Trước khi làm nhiệm vụ, nam công nhân được trang bị những bộ đồ bảo hộ cần thiết.
Khi chiếc thang được đưa xuống ống cống, anh Hưng bình tĩnh bước xuống và hòa mình vào làn nước đen ngòm. Công việc đã quá quen thuộc, anh Hưng tay cầm đầu ống hút, tay vịn vào thành cống rồi dần mất hút vào phía trong, thi thoảng có câu hỏi vọng ra: “Chuẩn bị xả nhé”. Cùng với đó là ánh đèn đội đầu le lói từ phía trong hất ra miệng cống như để ra tín hiệu.
Gần 30 phút trôi qua, ống cống đầu tiên đã được anh Hưng xử lý xong, thời điểm bước ra ngoài miệng cống, dù nước vẫn một màu đen nhưng không còn bùn lầy như lúc trước.
Bước lên mặt đất, anh Hưng mặt lấm lem toàn bùn, bộ quần áo bốc mùi cống rãnh, anh hô: “Tránh ra nào, bẩn lắm”. Rồi từ từ tiến lại vòi nước lạnh xả lên người để gột rửa bùn đất.
Dù rét mướt nhưng những công nhân môi trường vẫn ngâm mình trong nước cống.
Trong giây phút giải lao ngắn ngủi, anh Hưng chỉ kịp uống tạm vào ngụm nước rồi lại tiến đến miệng cống thứ 2 cách đó vài chục mét, khi dụng cụ đã được chuẩn bị sẵn. “Thôi lại xuống đây, ở dưới đó ấm hơn trên này”, anh Hưng nói rồi lại chui tọt xuống cống.
Đứng chỉ đạo ở phía trên, anh Hoàng Văn Trọng chia sẻ, trời lạnh làm cực lắm nhưng vẫn phải làm vì kế hoạch đã lên từ trước, dù trời lạnh mấy cũng vẫn thực hiện. “Bình thường ấm áp, một công nhân có thể hút được 4 ống cống, nhưng thời tiết lạnh thế này chúng tôi phải thay nhau, anh em làm 2 ống cống rồi nghỉ, người khác lại xuống làm để đảm bảo sức khỏe”, anh Trọng tâm sự.
Nạo hút xong ống cống thứ 2 trên đường Nguyễn Tuân, anh Lê Hưng chia sẻ đây là công việc hàng ngày nên cũng đã quen, tuy nhiên do đợt này thời tiết lạnh lên khi thực hiện công việc có phần khó khăn hơn.
Sau khi ngâm mình trong nước cống, anh Hưng mặt mũi đầy bùn đen, găng tay ướt sũng và nhanh chóng gột rửa dưới vòi nước lạnh.
“Mọi người cứ tưởng tưởng, đang mặc quần áo ấm lại phải lội xuống nước trong thời tiết dưới 10 độ C thì chắc hẳn sẽ rùng mình, nhất là lại lội xuống cống nước đen ngòm.
Khi đã hòa mình vào làn nước, đi càng sâu vào trong cống do kín gió nên cơ thể ấm dần lên. Chỉ có điều ở đó bốc mùi và rất ngột ngạt. Quá trình làm việc cũng cần phải cẩn thận vì nếu để nước chảy vào người thì rất lạnh”, anh Hưng chia sẻ.
Điều anh Hưng cảm thấy ái ngại nhất đó là khi bước từ cống nước thải lên mặt đất, nhiệt độ thay đổi làm đôi môi run lên cầm cập. “Công việc nào cũng có đặc thù, khó khăn nhưng vì nhiệm vụ thì phải thực hiện”, anh Hưng nói.
Dù vất vả nhưng anh Hưng luôn nhận được sự động viên kịp thời của đồng nghiệp, người thân.
Công việc vất vả, làm đêm trong giá lạnh nhưng anh Hưng cảm thấy ấm lòng hơn khi nhận được sự động viên của vợ con. “Khi đến công trường vợ con gọi điện động viên và dặn dò nhớ giữ gìn sức khỏe. Sự động viên kịp thời đó giúp tôi vượt qua nghịch cảnh thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn”, người công nhân môi trường chia sẻ.
7 giờ sáng, chị Hoàng Thị Hằng - công nhân xí nghiệp thoát nước số 6 (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) đã có mặt tại phố Hạ Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội) để chuẩn bị công việc nạo vét kênh mương của mình.
Hôm nay thời tiết Hà Nội chỉ có 9 độ C, vì thế các nữ công nhân môi trường được ưu tiên đứng trên bờ vận chuyển chất thải. Còn các nam công nhân với quần áo bảo hộ kín mít lội xuống con kênh đầy bùn lầy để nạo vét.
Thời tiết lạnh, các nữ công nhân được ưu tiên ở trên bờ, còn nam công nhân ngâm mình dưới bùn lầy.
Chị Hằng cho biết khi thấy hành động “nghĩa hiệp” của các nam đồng nghiệp chị rất cảm động và gửi lời cảm ơn đến các anh. “Thật sự lạnh thế này ai chẳng muốn ở nhà, nhưng để môi trường xanh - sạch - đẹp hơn thì chúng tôi chẳng quản ngại thời tiết”, chị Hằng tâm sự.
Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, khi nạo vét kênh mương chị Hằng còn có đối mặt với các nguy hiểm khác như bị bị vật sắc nhọn đâm vào cơ thể, vì thế tại khu vực làm việc luôn trang bị sẵn dụng cụ y tế để sơ cứu khi cần thiết.
Xong công việc chị Hằng về với gia đình, nơi đang có chồng con đang chờ đợi.
Ngoài sự quan tâm của cơ quan, đồng nghiệp, chị Hằng còn hạnh phúc khi có những người thân luôn chia sẻ, động viên với công việc mình đang làm. “Khi tôi đang đi làm nhiệm vụ, ở nhà chồng và con đã chuẩn bị sẵn mâm cơm gia đình với nồi canh nóng hổi và đợi mẹ về ăn. Đó là điều vô cùng hạnh phúc với tôi, xua đi lạnh giá mùa đông”, chị Hằng chia sẻ.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ha-noi-ret-ky-luc-co-nhung-nguoi-van-ngam-minh-trong-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn