Là một người có niềm đam mê rất lớn với ẩm thực, nên cứ khi nào có dịp là chị Phạm Hà (Hải Phòng) lại trổ tài vào bếp. Có thể là nấu ăn cho chồng con, làm cơm đãi bạn bè của bản thân hoặc của chồng hay làm những mâm cơm cúng giỗ đầy ắp món hấp dẫn.
Chị Phạm Hà có niềm đam mê rất lớn với nấu ăn
Mới đây, chị Phạm Hà chia sẻ 3 mâm cơm cúng giỗ bà với đủ món đủ hương vị trên một hội nhóm khiến các chị em phụ nữ phải trầm trồ thán phục. Có lẽ vì tự ý thức là dâu trưởng trong gia đình nên chị đã cố gắng hết sức, làm trong 5 tiếng, thông cả trưa để mẹ chồng kịp là lễ cúng.
Các mâm cỗ chị làm gồm 8 món:
- Tôm sú ôm trái dừa xiêm - Chim bồ câu già tiềm mã thầy - Nộm hoa chuối hột - Cồi sò điệp xào cải chíp - Xôi lạc dừa bào - Gà luộc - Nem hải sản - Miến xào cua
3 mâm cỗ toàn món cầu kì, hấp dẫn của chị Hà
Chị Hà bật mí, để có thể làm được như vậy, trước khi làm cỗ, bản thân chị thường định hình trước trong đầu mình sẽ nấu món gì, gia vị gì, kết hợp các nguyên liệu như thế nào, đi chợ ra sao. Sau khi đi chợ về, chị Hà sẽ sơ chế trước những nguyên liệu có thể để được qua đêm.
Có lẽ vì tự ý thức là dâu trưởng trong gia đình nên chị đã cố gắng hết sức, làm trong 5 tiếng, thông cả trưa để mẹ chồng kịp là lễ cúng.
Như 3 mâm cỗ chị làm, có món nem hải sản chị sẽ gói nem từ hôm trước rồi bảo quản tủ lạnh, hôm sau chỉ việc đem lên rán. Còn món xôi thì sẽ ngâm gạo từ hôm trước, hôm sau chỉ cần đồ lên là xong... Những nguyên liệu như rau gia vị... chị cũng sơ chế trước, sắp xếp gọn gàng, món nào đi với món đó... đợi đến khi chế biến, sẽ không bị rối... Và thế là chỉ cần 2 bếp ga gia đình là chị có thể làm được tối đa 6 mâm cỗ, còn thông thường như lần giỗ này, chị sẽ làm được 3 mâm cỗ.
Trong quá trình nấu, những món nào chế biến mất thời gian, chị sẽ làm trước như món hầm. Trong khi chờ món hầm chín, chị sẽ chuẩn bị các món khác. Với các món cần ăn nóng, chị sẽ nấu sơ qua, khi nào chuẩn bị lên mâm, chị sẽ đảo lại lần nữa... Với những bí quyết này, chị Phạm Hà đã làm được nhiều mâm cỗ mà không phải chị em nào cũng làm được.
Với chị Hà, khi làm việc hết công suất như vậy, chị luôn cảm thấy trong bản thân có một nguồn năng lượng rất dồi dào. "Có thể sau đó hơi mệt một chút, nhưng ngày hôm sau mình lại thấy tinh thần thoải mái. Mỗi lần ra đến chợ, mình cảm thấy phấn khích vô cùng, mọi mệt mỏi hay suy nghĩ về giá cả dường như tan biến", chị tâm sự. Có lẽ, niềm đam mê được vào bếp chính là năng lượng giúp chị có sức mạnh, chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn để mọi người thưởng thức.
Dưới đây là công thức những món ăn trong mâm cỗ của chị Phạm Hà, chị em có thể tham khảo:
1. Tôm sú ôm trái dừa xiêm:
Tôm loại ngon, tươi, cắt râu, buộc dây quặp mình tôm (để khi luộc tôm không đuỗm ra). Dừa xiêm bổ nắp, lấy nước cho vào âu. Tôm rửa sạch, cho vào nước dừa ngâm ướp gia vị, sả đập dập, lát gừng, chút xíu đường. Ngâm tôm khoảng 1 tiếng, cho lên luộc, tới khi tôm sôi kĩ, ngấm nước dừa và gia vị... thì tắt bếp, cắt dây... Nước luộc múc vào trái dừa, tôm cho quặp trái dừa... bày biện rau lộc cho đẹp mắt.
Món này chấm sốt mayonnaise và tương ớt, vị tôm thơm ngon ngọt, thịt tôm mềm dù được luộc kĩ vì có nước dừa.
2. Chim bồ câu già tiềm mã thầy:
Chim câu già, làm sạch, rửa bằng chanh tươi với gừng tươi. Chặt chim theo miếng to nhỏ tuỳ miếng ăn theo gia đình. Ướp thịt chim với gia vị. Mã thầy gọt vỏ, rửa sạch. Phi hành khô xào thịt chim ngấm gia vị và cho vào hầm nước trắng, khi nước sôi nhẹ thì cho mã thầy vào hầm, nếu có váng bọt thì vớt hết sạch bọt. Hầm tới thịt hơi mềm thì tắt bếp, múc ra bát, cho thêm hàng hoa. Không nên hầm chim kĩ quá, sẽ ngán... khi ăn vị canh ngọt thanh của mã thầy, ngậy của chim câu già, ăn thịt chim rất thơm.
3. Nộm hoa chuối hột:
Hoa chuối thái bản dày, ngâm chút nước chanh tươi. Rồi vớt ra vắt khô nước. Tôm nõn luộc kĩ, bóc vỏ, cắt dọc tôm thành 2 phần. Rau thơm thái gồm: kinh giới, húng rũi, mùi, răng cưa... rửa sạch, thái cắt bằng đốt ngón tay. Lạc rang vàng, giã nhỏ. Khi ăn trộn nộm với lượng đường, gia vị, cốt chanh sao cho nêm đủ chua, đủ mặn, ngọt hơn chút thì ngấm vào hoa chuối là thơm. Cho ra đĩa, rắc lạc.
4. Cồi sò điệp xào cải chíp
Sò điệp cạy lấy ruột, lột chỉ bẩn dọc cồi sò, rửa sạch. Ngâm nấm khô, rửa sạch, rau cải chíp rửa sạch, cắt dọc đôi. Phi tỏi xào cồi sò và nêm gia vị, cho ra đĩa. Phi tỏi xào nấm khô cho ra đĩa. Cải chíp cho luộc qua với chút dầu ăn và xíu muối, sao cho cải vừa xanh vừa bóng. Cho tất cả cồi sò đã xào, nấm đã xào, cải đã luộc vào đảo qua tới khi được. Lưu ý không làm xào kỹ quá làm nát rau. Bày ra đĩa và rắc hạt tiêu. Vị rất thơm của nấm, ngọt của sò, mát ruột của cải.
5. Xôi lạc dừa bào
Gạo nếp vo sạch, ngâm với muối qua đêm, đem ngâm lạc cho sạch màu lạc. Đun nước sôi chần gạo, cho xíu muối rồi đổ ra rá, để khô. Luộc lạc tới mềm thì đổ nước, cho thêm nước và đường và luộc tiếp cho ngấm đường, tới độ ngấm đường thì đổ ra rá cho lạc khô. Bào dừa sợi. Sau khoảng 3 tiếng, cho gạo với lạc trộn đều, cho đồ cách thuỷ. Khi xôi chín, cho dừa bào xới đều nhanh tay, rồi bày ra đĩa. Vị xôi thơm ngậy của lạc, dừa, có chút mặn thoảng qua của xôi ngấm muối và ngọt của lạc đã ngấm đường thôi ra. Để thoải mái vẫn dẻo.
6. Gà luộc
Gà làm sạch, đặt vào nồi, cho nước, thả lát gừng và hành khô, luộc lửa nhỏ, sôi nhẹ, không to tránh làm nứt gà. Gà chín, vớt ra, để khô, chặt miếng, rắc lá chanh, chấm mắm hoặc muối tiêu chanh.
7. Nem hải sản
Gỡ cua, luộc ít tôm, thịt nạc vai băm, giá đỗ, nấm hương, trứng gà, hành hoa, gia vị, hạt tiêu. Cho tất cả hỗn hợp vào đánh, để cho ngấm gia vị chút. Bánh đa nem muốn giòn, trước khi cuốn, chấm nhẹ tay vào bia, thoa vào bánh đa nem và múc hỗn hợp vào rồi cuốn lại và cho vào dầu nguội rán...
Nước mắm chấm: pha đường với nước đun sôi để nguội, ngoáy tan đường thì chế nước mắm, chế nước cốt chanh, sao cho vừa chua, mặn, ngọt vừa miệng... cho thêm tỏi băm, ớt băm, hành tây và cà rốt thái mỏng... ăn kèm bún và rau diếp kèm rau thơm nhé!
8. Miến xào cua
Miến ngâm nước tới mềm, cắt nhỏ, để khô. Nhân là cua bóc thịt để sẵn, nấm khô ngâm mềm thái chỉ, giá đỗ rửa sạch, hành hoa và rau răm rửa thái bằng đốt ngón tay. Cho hành phi thơm, cho cua vào xào khô với gia vị đến ngon, cho ra đĩa. Phi hành xào nấm và cho cua vào xào lại sao cho quyện. Phi hành cho miến vào xào tơi, rồi cho giá vào xào xới nhanh tay là miến tự tơi ra...nêm nếm nhạt nhạt thì cho tiếp, cho cua xào vào đảo cùng, tắt bếp tránh để giá bị nhũn... Cho rau thơm vào, xới ra đĩa, rắc hành khô đã phi và rắc hạt tiêu. Ăn cùng rau diếp rau thơm và nước chấm như mắm chấm nem.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn