Bà Kim Reilly, hiện 60 tuổi, sống tại thành phố York, nước Anh, đã ngã gục xuống đất sau khi nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng đứa con gái chết lưu 21 năm trước của bà thực tế không hề được bệnh viện chôn cất cẩn thận mà lại được chôn trong một ngôi mộ tập thể cùng với 53 đứa trẻ khác. Giờ đây, bà Kim cùng hàng chục người mẹ khác đang chiến đấu để đòi lại công lý cho gia đình mình.
Theo đó, vào năm 1979, bà Kim đã hạ sinh cô con gái Nicole tại Bệnh viện Preston Royal Infirmary. Đáng tiếc là bà đã bị bong nhau thai, tức là nhau thai tách khỏi thành trong của tử cung trước khi em bé được sinh ra. Do đó, bé gái Nicole đã bị chết lưu. Tuy nhiên, việc làm sau đó của bệnh viện đã khiến ai cũng phẫn nộ.
Bà Kim và cô cháu gái 6 tuổi.
Đứa trẻ được đưa đi ngay sau khi sinh ra, nhanh đến nỗi bà Kim chưa bao giờ được nhìn thấy mặt con gái. Đó cũng là một trong những điều khiến bà đau đớn và hối hận nhất. Dù gần 10 năm sau, bà Kim đã có thêm một người con khác nhưng vẫn vô cùng đau lòng khi chưa từng được bế đứa con đầu lòng. Trước những năm 1980, việc một bà mẹ có con chết lưu không được coi là một sự mất mát lớn, vì vậy người mẹ không được phép ở bên con. Bà Kim từng có một thời gian dài rơi vào trạng thái trầm cảm.
6 tuần sau khi sinh con, bà Kim trở lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Bà đã hỏi về đứa con Nicole vì nghĩ rằng mình đã có thể chấp nhận cái chết của bé gái. Bác sĩ nói rằng bé gái đã được chôn cất cẩn thận dưới chân của một người trưởng thành khác vì đó là cách rẻ nhất mà bệnh viện có thể làm.
Bệnh viện Preston Royal Infirmary đã đóng cửa vào năm 1990.
Thế nhưng đến năm 2000, tức là 21 năm sau khi đứa con Nicole chào đời, bà Kim nhận ra rằng không có hồ sơ thể chất nào về ca sinh được lưu giữ. Thông qua điều tra y tế, bà Kim sốc nặng khi phát hiện con gái mình thực tế không được chôn cất dưới chân một người trưởng thành như từng biết mà được chôn trong một ngôi mộ tập thể cùng 53 đứa trẻ khác.
"Tôi đã quay trở lại Preston và cuối cùng tìm thấy nơi chôn cất con gái. Không có thông tin nhận dạng nào khác và tôi nghĩ, có thể những bậc cha mẹ khác cũng không biết nơi chôn cất của con cái họ", bà Kim nói. Không lâu sau đó, một người phụ nữ khác đã liên lạc với bà Kim, nói rằng con họ cũng rơi vào tình trạng tương tự. 6 tháng sau, họ cùng nhau tổ chức một buổi lễ tưởng niệm tại nghĩa trang Preston. Những người bố người mẹ này không biết chính xác hài cốt con mình đặt ở đâu, cũng không được phép đặt bia mộ.
Lễ tưởng niệm của một gia đình có con chết lưu bị chôn cất tập thể.
Vấn đề về việc chôn cất thai chết lưu đã được đưa ra tranh luận tại Quốc hội Anh vào tháng 3/2020 để quyết định xem chính phủ có thể làm gì để giúp đỡ các bậc cha mẹ có con chết lưu. Bà Nadine Dorries, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh, cho biết bằng chứng về những ngôi mộ tập thể giống như ngôi mộ mà bé gái Nicole được chôn cất được tìm thấy ở nhiều nơi như Lancashire, Devon, Middlesbrough và Huddersfield trong suốt 20 năm qua.
Nghị sĩ đảng Lao động Anh Carolyn Harris kể về việc mẹ mình đã sinh một cô con gái chết lưu vào năm 1958: "Cho đến ngày qua đời, mẹ tôi vẫn tin rằng chị tôi đã được chôn cất tử tế cùng với một người phụ nữ lớn tuổi. Thực lòng tôi không biết đó là sự thật hay chỉ là câu chuyện mà mẹ tôi tự bịa ra để an ủi chính mình trong nhiều năm qua. Chắc chắn phải có một cách chia sẻ thông tin về nơi những đứa trẻ được chôn cất, từ chính quyền địa phương, các nhà tang lễ, nghĩa trang, đơn bị phụ sản bệnh viện...".
Bà Kim cùng con gái và cháu gái.
Về phần bà Kim, sau khi đã tìm được nơi chôn cất con gái, bà vẫn cố gắng giúp đỡ những người bố mẹ khác tìm được nơi chôn cất con mình. Giờ đây, dù đã hơn 40 năm trôi qua, bà Kim vẫn chưa nguôi nỗi đau và muốn cùng những người khác chiến đấu để đòi lại công bằng, tìm người chịu trách nhiệm cho những mất mát lớn lao này.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/con-gai-chet-luu-duoc-benh-vien-chon-cat-21-nam-sau-n...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn