Tôi mắc bệnh sợ xã hội

Thứ hai - 12/06/2017 09:38

Tôi mắc bệnh sợ xã hội

Bước vào lớp tôi không dám quay sang nhìn ai. Tôi có thể ngồi trong nhà vệ sinh trường suốt giờ ra chơi chỉ để khóc. 

Có lẽ bài viết của tôi sẽ bị lạc lõng trong vô số những bài viết về tình yêu, gia đình. Nhưng tôi vẫn muốn tâm sự với mọi người về căn bệnh tâm lý mà tôi đang gặp phải, vì chẳng có ai để chia sẻ và lắng nghe tôi cả. Tôi phát hiện mình mắc căn bệnh này từ khi chuyển lên học cấp 3 tại một trường nổi tiếng của thành phố. Tôi ở nhà trọ một mình, vừa học vừa làm việc nhà. Tôi cứ ngỡ rằng cuộc sống ở thành phố sẽ mở ra một trang mới nhưng không, vừa bước vào lớp tôi đã không thể bắt chuyện được với ai, cảm thấy họ quá khác mình. Tôi chẳng biết nên nói những gì với họ. Mọi chuyện cứ kéo dài ngày này qua ngày khác, bước vào lớp tôi chỉ ngồi một mình, không dám quay sang nhìn ai cả. Tôi cũng rất sợ giờ ra chơi vì không có ai nói chuyện cùng. Tôi có thể ngồi trong nhà vệ sinh trường suốt giờ ra chơi chỉ để khóc. Tôi muốn tâm sự với bố mẹ ở quê nhưng họ cứ bảo tôi nhất thời chưa quen với cuộc sống mới nên vậy thôi, rồi họ lờ đi những gì tôi kể.

Tôi nhút nhát, sợ mọi thứ. Mỗi lần ra đường tôi lại lo lắng không biết mình trông có ngớ ngẩn không, mình béo quá có nên vào shop này mua quần áo không, tôi sợ mọi người đánh giá về mình. Mỗi khi ai đó nhìn, tôi lại nghĩ họ đang đánh giá mình về điều gì đó, kể cả ăn ở nơi công cộng tôi cũng rất ngại. Có thể mọi người nghĩ những nỗi sợ đó rất ngớ ngẩn nhưng với một người bị bệnh này nó là những nỗi ám ảnh nhỏ, chồng chất lên từng ngày và rồi trở nên thật đáng sợ. Với hầu hết mọi người, bị chỉ trích chỉ là một phần không vui vẻ, thỉnh thoảng xảy ra trong cuộc sống, nhưng những người mắc hội chứng ám ảnh, sợ xã hội, họ lại tin rằng bản thân sẽ bị phê phán và hắt hủi mỗi lần ở gần người khác. Họ cũng tin rằng sẽ có tổn thất cá nhân lớn khi bị chỉ trích.

Có một lần vào hè lớp 10 tôi đăng ký khóa học bơi, sau khi đã đấu tranh tư tưởng quyết liệt nhưng cũng phải bỏ ngang vì thầy bỏ bê không quan tâm tới, với lại tôi thấy rất ngại khi mặc đồ bơi (tôi béo, lùn). Hay có lần tôi liều đi tham gia một hoạt động ngoại khóa của trường, sau đó cũng bị cho ra rìa vì nói chuyện quá nhạt nhẽo. Còn rất nhiều những trải nghiệm xấu hổ khác mà tôi đã trải qua. Một thời gian dài tôi chỉ đi học rồi về nhà đặt thức ăn trên mạng, không gặp gỡ ai (mà có lẽ không ai nhớ tới tôi). Tôi chỉ biết khóc rồi hành hạ bản thân. Đã nhiều lần tôi tự nhủ phải mạnh mẽ, ra ngoài tiếp xúc với mọi người nhưng không lần nào làm được. Tôi cũng có một vài người bạn rất thân nhưng họ cũng bận, có công việc riêng, không ai có đủ kiên nhẫn để nghe tôi than vãn cả ngày. Bây giờ đã 2 năm trôi qua, tôi đang học lớp 11 nhưng tôi vẫn như một đứa con nít, mỗi khi cần mua gì đều nhờ cô hàng xóm mua hộ. Tôi cũng không tự sử dụng phương tiện giao thông được. Bố mẹ gửi một chị giúp việc lên chăm sóc nhưng tôi cũng không cảm thấy khá hơn, còn thấy khó chịu và chỉ muốn một mình.

Mấy tháng gần đây tôi lại thêm nhiều nỗi sợ khác, đặc biệt là nỗi sợ chết. Tôi cảm thấy mình thật vô dụng, thời gian sống có hạn mà tới giờ vẫn chưa làm được gì, còn làm gánh nặng cho bố mẹ. Tôi ước mình là một vật gì đó vô tri vô giác, không sống cũng không chết để không phải đối mặt với những nỗi sợ ấy. Tối nào tôi cũng suy nghĩ về cái chết rồi sợ hãi và tự hoảng loạn. Áp lực học tập năm cuối cấp cũng khiến tôi bị đau nửa đầu dữ dội nhưng đi khám nhiều bệnh viện lại bảo là bình thường, ngủ sớm là được. Giờ tôi rất buồn, không biết tâm sự cùng ai. Tôi chia sẻ với bạn đọc mong mọi người cho một lời khuyên để thoát khỏi căn bệnh này, để có thể lại hòa nhập cùng xã hội. Mong mọi người đừng có những lời chế giễu về bệnh của tôi và cho rằng đó là ngớ ngẩn. Cảm ơn các anh chị đã đọc tâm sự này.

Mai

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây