Đánh giá camera Oppo F7: 1 tuần lang thang ở Seoul

Thứ sáu - 25/05/2018 14:07
Nhân dịp công tác tại Seoul, Hàn Quốc để tham gia sự kiện LG Innofest 2018 Asia, tôi mang theo chiếc Oppo F7 để kiểm tra chất lượng camera của mẫu máy này bên cạnh 2 sản phẩm khác là Xperia XZ2 và Huawei Nova 3e.

Nhân dịp công tác tại Seoul, Hàn Quốc để tham gia sự kiện LG Innofest 2018 Asia , tôi mang theo chiếc Oppo F7 để kiểm tra chất lượng camera của mẫu máy này bên cạnh 2 sản phẩm khác là Xperia XZ2 và Huawei Nova 3e.

Từ trước đến nay, nhắc đến Oppo, hầu hết mọi người đều nghĩ đến những chiếc smartphone chuyên để "sống ảo" nhờ camera selfie với khả năng "tự sướng" rất "ảo diệu". Bản thân hãng điện thoại Trung Quốc này cũng luôn tập trung quảng bá rầm rộ về những tính năng trên camera trước mà ít khi nói đến camera sau.

Dù vậy, với Oppo F7, trong suốt quá trình gần 1 tuần trải nghiệm camera của chiếc máy này tại Seoul, tôi khá bất ngờ với chất lượng camera sau, đặc biệt là ở tốc độ chụp và tính năng Auto HDR.

Lưu ý là toàn bộ các bức ảnh dưới đây đều là ảnh gốc chụp từ Oppo F7, chỉ resize lại để giảm kích thước, không chỉnh sửa, hậu kỳ, can thiệp bất cứ thông số nào.

Địa điểm đầu tiên mà tôi thử sức Oppo F7 là cung điện Gyeongbokgung (tên Hán Việt: Cảnh Phúc Cung). Đây là cung điện bề thế nhất trong năm cung điện của triều đại Triều Tiên và là cung điện chính của các vị vua trong suốt hơn 500 năm tồn tại của triều đại Joseon. Chính vì thế, Gyeongbokgung trở thành một trong lựa chọn hàng đầu của khách du lịch mỗi khi tới Seoul.

Với các khung cảnh thuận sáng và chênh sáng nhẹ khi chụp phần cổng chính Gwanghwamun (Quang Hóa Môn) dẫn vào cung điện Gyeongbokgung, Oppo F7 cho ra những bức ảnh khá ấn tượng với độ nét cao, nổi khối. Máy tái tạo tốt cả những chi tiết nhỏ như lớp mái hai tầng, 3 cửa tò vò hay phần trạm trổ ở mái vòm. Khi so trực tiếp với ảnh từ chiếc Xperia XZ2, tuy độ nét và chi tiết của F7 không bằng nhưng dải sáng lại nhỉnh hơn. Rõ rệt nhất khi nhìn vào phần chi tiết ở dưới mái vòm. Thuật toán Auto HDR trên F7 đã xử lý tốt vùng tối (shadow) để ảnh trở nên sáng rõ hơn hẳn.

Tuy nhiên, cân bằng trắng trong ảnh của F7 chưa tốt, vẫn hơi thiên tông vàng nên khiến ảnh kém trong trẻo, dù màu sắc tái tạo tương đối tươi tắn, nịnh mắt.

Cổng chính Gwanghwamun (Quang Hóa Môn) dẫn vào cung điện Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung)

Ảnh chụp từ Sony Xperia XZ2

Lối kiến trúc Á Đông đặc trưng với lớp mái 2 tầng nối chồng lên nhau theo kiểu "chồng diêm"

Ảnh chụp từ Sony Xperia XZ2

Khác với kiểu phối màu sơn son thiếp vàng thường thấy của các cung điện Trung Quốc, Việt Nam, Gyeongbokgung sử dụng tông màu xanh lá cây làm chủ đạo

Cửa Heungnyemun (Hưng Lễ Môn) nối giữa Gwanghwamun (Quang Hóa Môn) và chính điện Geunjeongjeon (Cần Chính Điện)

Chính điện Geunjeongjeon (Cần Chính Điện), nơi thiết triều và diễn ra các hoạt động chính thức của triều đình. Đây cũng là nơi vua đón tiếp các sứ thần ngoại bang. Cần Chính Điện là điện lớn nhất và cao nhất trong quần thể kiến trúc của cung điện Gyeongbokgung

Một góc khác của chính điện Geunjeongjeon khi nhìn từ bên mặt hông

Thiết kế sắc sảo với nhiều chi tiết trạm trổ kỳ công trên cả hai tầng mái.

 

Bên trong cung điện là dạng bài trí truyền thống giống như các cung điện ở Trung Hoa nhưng có phần giản dị hơn.

Trời nắng khá gắt và tôi quyết định thử những bài test khó hơn khi chụp khu vực Geunjeongjeon (Cần Chính Điện) trong Gyeongbokgung ở các góc ngược sáng, chênh sáng mạnh, hướng thẳng vào mặt trời. Oppo F7 tiếp tục gây bất ngờ với các bức ảnh Auto HDR với dải sáng ấn tượng. So với ảnh HDR từ 2 chiếc Xperia XZ2 và Huawei Nova 3e, ảnh HDR của Oppo F7 trội hơn hẳn khi tái tạo rõ ràng cả ở phần shadow (vùng tối) nhưng vẫn giữ được phần highlight (vùng sáng) không hề bị cháy hay lốp sáng.

Phần mái vòm và cả mặt trời đều được tái tạo rõ ràng.

Ảnh HDR chụp từ Sony Xperia XZ2

Nắng rất gắt chiếu thẳng vào ống kính nhưng ảnh thu được không hề bị tối hay cháy sáng.

Ảnh HDR chụp từ Sony Xperia XZ2

Ảnh HDR chụp từ Huawei Nova 3e

Dải sáng rất rộng là một trong những điểm mạnh nổi bật trên ảnh Auto HDR của Oppo F7.

Ảnh HDR chụp từ Sony Xperia XZ2

Ảnh HDR chụp từ Huawei Nova 3e

Điểm đáng chú ý khác là tốc độ chụp HDR của Oppo F7 thực sự nhanh, gần như không có độ trễ và tiệm cận rất sát với tốc độ camera của các máy cao cấp. Song, chế độ Auto HDR hoạt động đôi khi không ổn định. Cùng một tình huống chụp, lấy nét, đo sáng như nhau nhưng chỉ cách nhau vài giây bấm máy, kết quả cho ra có thể khác nhau hoàn toàn.

Cùng thiết lập các chế độ như nhau, bấm máy cách nhau vài giây nhưng ảnh Auto HDR có thể cho ra các kết quả hoàn khác nhau

Tại Gyeongbokgung, có thể dễ dàng bắt gặp các du khách trong những bộ trang phục Hanbok truyền thống của Hàn Quốc, và đây quả là cơ hội tốt để tôi thử khả năng chụp chân dung của các smartphone mang theo. Hầu hết các chàng trai cô gái ở đây đều rất thân thiện, khá thông thạo tiếng Anh nên chỉ cần hỏi xin chụp ảnh một cách lịch sự, họ đều vui vẻ tạo dáng cho bạn thoải mái thử máy, selfie.

Hầu hết các du khách ghé thăm Gyeongbokgung đều rất thích thú với việc khoác lên mình những bộ trang phục Hanbok truyền thống của Hàn Quốc.

Các bạn teen xứ Hàn hết sức thân thiện và khá thông thạo tiếng Anh.

Nhiệt tình tạo dáng với "thần thái" tựa như các công chúa, hoàng tử thời xưa.

Trái với những bức ảnh phong cảnh, kiến trúc phía trên, ảnh chân dung từ camera sau của Oppo F7 lại không mấy ấn tượng. Độ nét của ảnh không cao, làn da của các bạn nữ Hàn Quốc đã rất mịn màng nhưng có vẻ thuật toán AI vẫn tỏ ra "hăng hái" quá đà, áp thêm một lớp làm mịn nữa nên khiến các chi tiết, độ nét trên gương mặt bị giảm mạnh. Cân bằng trắng tiếp tục thiên tông vàng nên cũng không tái tạo được làn da trắng hồng đặc trưng của các bạn gái xứ Hàn.

Tôi cũng thử cả chế độ xóa phông trên F7 để xem nó có giúp cho ảnh chân dung ấn tượng hơn không, dù vẫn biết rằng máy chỉ có 1 camera duy nhất, và hiệu ứng xóa phông đơn thuần bằng phần mềm. Kết quả là thực sự chế độ này chỉ để cho vui khi tạo ra các bức ảnh xóa phông kém tự nhiên và còn nhiều lỗi. Máy cũng không cho phép tinh chỉnh mức xóa phông trước hay sau khi chụp nên không thể can thiệp gì thêm để cải thiện chất lượng ảnh.

Chế độ xóa phông trên Oppo F7 đơn thuần chỉ là thuật toán phần mềm, ảnh kém tự nhiên và còn nhiều lỗi

Máy không cho phép chỉnh sửa mức xóa phông trước hay sau khi chụp để cải thiện tình hình.

Thế mạnh của các máy Oppo là camera trước độ phân giải cao, được trang bị khá nhiều tính năng làm đẹp và F7 tiếp tục truyền thống đó. Oppo còn tuyên bố F7 được trang bị cả cảm biến HDR ở mức phần cứng, và quả thực ảnh selfie từ chiếc máy có dải sáng khá ấn tượng. Dù đang selfie với ánh nắng gắt chiếu ngang mặt nhưng ảnh thu được vẫn rõ ràng, không bị cháy sáng. Màu sắc lên tươi tắn, cân bằng trắng có phần còn chuẩn xác hơn camera chính.

Oppo vẫn thường bị chỉ trích vì các bức ảnh selfie quá ảo nhưng nếu tắt hết các chế độ làm đẹp đi, kể cả làm đẹp AI, F7 có thể cho ra những bức ảnh selfie hoàn toàn trung thực, sắc nét, chi tiết, tái tạo toàn bộ các khuyết điểm trên gương mặt, kể cả những nốt mụn nhỏ.

Ảnh selfie không bật làm đẹp, tắt HDR (bên trái) và bật HDR (bên phải)

Dải sáng của ảnh selfie khi bật HDR thực sự ấn tượng, dù nắng rất gắt nhưng mặt vẫn không bị cháy sáng

Oppo không công bố kích thước cảm biến của camera trước trên F7 nhưng với khẩu độ không quá lớn f/2.0 máy vẫn có thể tạo ra các bức ảnh selfie xóa phông nhẹ giúp gương mặt nổi bật hơn. Nhưng cũng chính vì điều này mà khi selfie nhóm đông người, chỉ có khuôn mặt người bấm máy là nét nhất còn những người còn lại hầu hết sẽ bị mờ nhòe, mất nét. Camera trước của F7 có cả chế độ màu siêu rực rỡ và xóa phông bằng phần mềm mang tên hiệu ứng độ sâu. Sử dụng cả 2 chế độ này trong một số tình huống thích hợp, có thể tạo ra các bức ảnh selfie khá ấn tượng với màu sắc sống động, phông nền xóa mạnh khiến gương mặt nổi bật hẳn. 

Một lưu ý là khi sử dụng chế độ hiệu ứng độ sâu để xóa phông, ảnh sẽ bị giảm độ phân giải xuống còn 8 MP kể cả khi sử dụng camera sau hay trước khiến chi tiết, độ nét, giảm đi đáng kể.

Ảnh selfie thông thường (bên trái), selfie xóa phông (ở giữa) và selfie xóa phông kết hợp cùng chế độ siêu rực rỡ (bên phải)

 

Tắt toàn bộ các tính năng làm đẹp và camera selfie của Oppo F7 hoàn toàn có thể cho ra ảnh trung thực, tuy nhiên khi selfie nhóm đông người, những gương mặt ở xa có thể sẽ không sắc nét.

Khi bật tính năng selfie AI, không chỉ mụn, nếp nhăn mà toàn bộ phần râu của tác giá cũng gần như...biến mất

Do xuất phát khá muộn, tôi đã không kịp thời gian khám phá hết những quần thể kiến trúc nổi tiếng khác trong cung điện Gyeongbokgung như Khánh Hội Lâu (Gyeonghoeru), Khang Ninh Điện (Gangnyeongjeon)...Tôi cùng người bạn đồng hành quyết định di chuyển sang địa điểm tiếp theo khá gần đó là suối Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên), vốn là một dòng suối cổ chảy qua thủ đô Seoul nhưng từng bị lấp đi để làm đường cao tốc trên cao vào những năm 1960. Sau đó, lại được hồi sinh vào năm 2005 với kinh phí lên tới 900 triệu USD để cải tạo cảnh quan môi trường cũng như thu hút khách du lịch.

Trước khi đến suối Cheonggyecheon, chúng tôi ghi lại được một vài hình ảnh ở tượng đài tướng Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thần) được đặt ngay tại quảng trường phía trước cung điện Gyeongbokgung. Đây là viên tướng thủy quân nổi tiếng, từng lập nhiều chiến công trong trong Chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên (1592-1598). Phần tượng đài không quá nổi bật nhưng hệ thống đài phun nước phía dưới lại gây ấn tượng nhờ hiệu ứng ánh sáng bắt mắt, cho phép khách tham quan thoải mái đi sâu vào trong để chụp ảnh lưu niệm.

Camera của Oppo F7 thể hiện khá tốt khi trong điều kiện ánh sáng bắt đầu yếu đi, trời nhá nhem tối nhưng máy vẫn cho ra ảnh sáng rõ, chi tiết khá, màu sắc sinh động. Dải sáng tiếp tục là điểm mạnh khi thu được trọn vẹn cả vùng nền trời phía sau và tái tạo được tương đối rõ ràng các chi tiết trên bức tượng hay vùng tối ở dọc 2 bên quảng trường.

Tượng đài tướng Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thần) trong điều kiện nhá nhem tối được tái tạo khá tốt, nhất là phần dải sáng, màu sắc 

Đài phun nước thu hút sự chú ý nhờ hiệu ứng ánh sáng bắt mắt

Sau ít phút đi bộ, suối Cheonggyecheon đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Khó có thể tưởng tượng nổi đây từng là đường cao tốc trên cao, một trong những tuyến giao thông huyết mạch của Seoul trong gần 30 năm. Giờ đây, nó đã trở thành địa điểm thư giãn, bách bộ ưa thích của cả người dân địa phương cũng như khách du lịch nhờ hệ thống cây xanh phủ kín và làn nước trong lành, tươi mát.

Đáng tiếc, trong điều kiện rất thiếu sáng này, camera của Oppo F7 không còn giữ được chất lượng tốt. Tốc độ chụp vẫn nhanh nhưng ảnh cho ra xuất hiện nhiều nhiễu hạt, chi tiết trung bình, màu sắc cũng không còn tươi tắn. Khá bất ngờ khi sử dụng chế độ siêu rực rỡ, ảnh thiếu sáng của F7 được cải thiện đáng kể, nhất là về màu sắc, giúp ảnh sống động, bắt mắt hơn hẳn, không còn nhợt nhạt như khi chụp thông thường. 

Khó có thể tưởng tượng, suối Cheonggyecheon, biểu tượng xanh của Seoul trước đây từng là một con đường cao tốc trên cao.

Bật chế độ siêu rực rỡ và Oppo F7 đã có thể ghi lại con suối nhân tạo với chất lượng cải thiện đáng kể, nhất là về màu sắc.

 2 bên bờ suối là những con đường rợp bóng cây xanh để người dân, du khách có thể bách bộ ngắm cảnh, thư giãn

 

Dưới lòng suối, cứ cách vài chục mét lại có những tảng đá lớn được xếp cạnh nhau tựa như chiếc cầu nhỏ để mọi người băng sang bờ bên kia

Việc đi trên các tảng đá không mấy khó khăn nhưng du khách vẫn được khuyến cáo phải hết sức cẩn thận trong những ngày trời mưa trơn, ẩm ướt.

Để hồi sinh dòng suối, thành phố Seoul đã phải tốn kinh phí tới 900 triệu USD (khoảng 20,5 nghìn tỷ VNĐ)

 

Lòng suối không quá sâu nhưng luôn có sẵn phao cứu sinh để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra.

Suối Cheonggyecheon dài khoảng 5,8 Km, chảy qua khu trung tâm Thành phố Seoul, đổ vào sông Jungnangcheon, cuối cùng hợp lưu với sông Hán.

Trong khi đó, với camera selfie, dù trong điều kiện thiếu sáng, F7 vẫn cho khả năng bắt sáng tốt, ảnh khá trong với độ nét, chi tiết ổn, màu sắc tự nhiên, trung thực. 

Không trang bị đèn flash cho camera selfie mà thay vào đó, Oppo sử dụng giải pháp tương tự một số smartphone khác trên thị trường hiện nay là dùng chính màn hình làm đèn trợ sáng để hỗ trợ chụp selfie trong đêm tối. Tính năng này trên F7 hoạt động tương đối hiệu quả, giúp ảnh selfie rõ nét hơn hẳn. Nhưng người dùng cần lưu ý là khi sử dụng màn hình là đèn trợ sáng, tốc độ chụp sẽ có độ trễ nên phải cầm máy chắc tay, giữ máy lâu hơn thông thường 

Ảnh selfie thông thường (bên trái) và ảnh selfie bật flash màn hình (bên phải)

Ảnh selfie xóa phông bật flash màn hình, tắt chế độ siêu rực rỡ (bên trái) và bật chế độ siêu rực rỡ (bên phải)

Trời đã khá tối và thời gian cũng không cho phép chúng tôi ở lại suối Cheonggyecheon lâu hơn. Tôi và người bạn thống nhất quay trở về khách sạn và sẽ khám phá thêm Cheonggyecheon vào ngày hôm sau, trong điều kiện thuận sáng và ngược sáng.

Trên đường trở về, chúng tôi ghé qua Myeongdong, một trong những khu phố sầm uất nhất Seoul với diện tích chưa tới 1 Km2 nhưng tập trung hàng trăm cửa hàng, trung tâm thương mại lớn nhỏ, tới từ khắp các thương hiệu danh tiếng trên thế giới.

Vẫn là điều kiện thiếu sáng nhưng đã đỡ khó nhằn hơn như ở Cheonggyecheon và lúc này, Oppo F7 đã lấy lại được phong độ với các bức ảnh chi tiết, sắc nét, màu sắc tươi sáng.

Trung tâm thương mại Lotte Young Plaza, nơi tập trung nhiều nhãn hiệu thời trang trẻ em và tuổi teen.

Một trong những con phố ở Myeongdong với nhiều quán ăn đêm tấp nập.

Hầu hết các hàng hoa quả ở đây đều có bán dâu tây, một trong những loại hoa quả phổ biến ở Hàn Quốc và được nhiều du khách lựa chọn mang về làm quà.

Không thể thiếu các món ăn truyền thống như bánh gạo cay Tokbokki.

Các món ăn vặt đa dạng, mức giá dao động từ 2000 đến 3000 Won (khoảng 40 đến 60 nghìn đồng)

Tôm hùm baby nướng, một trong những món ăn vặt "xa xỉ" nhất tại Myeongdong với giá 15000 Won/con (khoảng 300 nghìn đồng)

Các món ăn vặt đều được phục vụ dưới dạng take away để du khách dễ dàng mang đi.

Nếu muốn ấm bụng hơn, bạn có thể lựa chọn các món ăn "chắc dạ" như canh kim chi hải sản với giá khoảng 10.000 Won/bát (khoảng 200 nghìn đồng) đã bao gồm các đồ ăn kèm như cơm nóng, kim chi, củ cải...

Ngày tiếp theo, địa điểm chúng tôi chọn để thử sức camera trên các smartphone mang theo là ngôi làng Ihwa, vốn nổi tiếng với các bức tranh tường theo nhiều phong cách, phủ kín khắp các bậc thang, lối đi, bờ tường. Nơi đây cũng nằm sát bên công viên Naksan với những ngọn đồi rợp bóng cây xanh cùng nhiều loài hoa thi nhau khoe sắc. Một địa điểm không thể thích hợp hơn để test khả năng tái tạo màu sắc của các camera di động.

Trong khung cảnh này, camera của Oppo F7 cho ra màu sắc khá trung thực, gần với mắt nhìn. Tôi có thử chuyển sang chế độ siêu rực rỡ nhưng nó làm ảnh trở nên lòe loẹt quá mức và thực sự không hợp với phong cảnh nơi đây.

Lối vào làng Ihwa băng qua một ngọn đồi nhỏ với nhiều cây xanh

Chế độ siêu rực rỡ sẽ làm màu sắc cây cỏ, hoa lá trở nên lòe loẹt thái quá.

Phần tường thành cổ kết hợp với nhà thờ phía xa trông rất giống cảnh tượng của một lâu đài ở Châu Âu.

Con đường rợp bóng cây xanh

Cây ở đây chủ yếu là các loại thông

Khả năng xóa phông của Oppo F7 khá tốt nhờ ống kính khẩu độ lớn f/1.8

Chế độ siêu rực rỡ tỏ ra thích hợp hơn với những khung cảnh mà màu sắc gốc không quá nổi bật. Ảnh bên trái là khi chụp thông thường còn ảnh phải là khi sử dụng chế độ siêu rực rỡ.

Thời tiết và khung cảnh khá thuận lợi để cho ra những bức ảnh "so deep".

Đứng trên đồi, có thể ngắm nhìn khung cảnh một góc khu vực Dongdaemun và cổng Heunginjimun, một trong 4 cổng thành lớn của Seoul xưa.

Đứng trước khung cảnh rộng lớn này, tôi chợt nhớ đến tính năng chụp ảnh siêu độ phân giải Ultra HD trên các điện thoại Oppo với khả năng tạo ra các bức ảnh tới 50MP bằng các thuật toán ghép ảnh, nội suy. Trên F7, tính năng này có thể truy cập khi bạn chuyển sang chế độ chụp ảnh chỉnh tay mang tên Chuyên Gia. Ảnh chụp được thực tế có độ phân giải tới 63,7 MP (9216 x 6912 pixel), dung lượng cỡ trên 10 MB, gấp đôi dung lượng của ảnh 16 MP thông thường. Tuy thế, đáng tiếc là độ phân giải cao không đi kèm với ảnh nét và chi tiết hơn. Thậm chí, độ nét khi chụp ở chế độ này còn kém cả chế độ 16 MP.

Ảnh chụp ở chế độ Ultra HD 63,7 MP trên Oppo F7

Phóng lớn ở cùng 1 tỷ lệ, có thể thấy ảnh 16 MP còn nét và chi tiết hơn ảnh chụp ở chế độ Ultra HD 63,7 MP.       

Toàn cảnh ngôi làng Ihwa, nơi đây trước kia từng là một khu ổ chuột nhưng với các nỗ lực cải tạo của thành phố đã trở thành một điểm đến ưa thích của đông đảo du khách gần xa.

Đặc trưng của các ngôi làng Hàn Quốc là xây dựng trên các ngọn đồi cao nên đường đi có độ dốc rất lớn.

Phương tiện di chuyển chủ yếu ở đây là các loại xe máy dạng Touring với khả năng leo dốc mạnh mẽ.

Những bậc cầu thang trải dài, độ dốc cao, rất thân quen nếu bạn là từng xem qua các bộ phim Hàn. Trước đây, các bậc cầu thang này đều được vẽ lên các bức tranh cực kỳ ấn tượng nhưng người dân ở đây cho biết, do quá đông du khách đến tham quan, mang theo rác, tiếng ồn, ô nhiễm nên họ đành phải xóa bớt.

Một góc của làng Ihwa.

Bức tường đôi cánh thiên thần nổi tiếng nhất làng, nơi du khách nào cũng muốn dừng chân ghi lại những bức ảnh kỷ niệm

Dễ dàng bắt gặp những chậu cây đáng yêu như thế này ở các hàng quán trong làng.

Một ý tưởng bảo vệ môi trường hết sức sáng tạo và ngộ nghĩnh.

Bất cứ khoảng trống nào cũng có thể trở thành những bức tranh sing động.

Hầu hết các tác phẩm ở đây được tạo nên bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một số trong đó do chính các học sinh, sinh viên của những trường đại học xung quanh đóng góp.

Nhiều tác phẩm mới vẫn đang được hình thành hàng ngày.

Có cả những bức tranh 3D khá ấn tượng với hiệu ứng thị giác sống động.

Điểm thú vị khác của làng Ihwa là việc nó nằm ngay cạnh công viên Naksan với những con đường lãng mạn đậm chất Hàn Quốc.

Khung cảnh tựa như từ trong phim ảnh với các đôi tình nhân tay trong tay sánh bước bên nhau.

Người dân trong làng rất nhạy bén khi cho thuê các bộ trang phục phong cách học sinh để du khách có thể một lần trải nghiệm cảm giác quay trở về thời thơ ấu.

Không chỉ thanh niên, ngay cả người lớn tuổi cũng rất thích thú khi được trở về thời học sinh tinh nghịch.

Ba bà cháu giờ đã...học chung một lớp.

Chế độ xóa phông không chỉ sử dụng để chụp ảnh chân dung mà còn có thể ứng dụng với ảnh thú cưng và ở trong tình huống này, Oppo F7 đã cho ra bức ảnh xóa phông ít lỗi hơn.

Chế độ siêu rực rỡ trong một số tình huống thích hợp sẽ làm bức ảnh thêm sống động, bắt mắt.

Tạm biệt làng Ihwa, chúng tôi ghé thăm quần thể kiến trúc Dongdaemun Design Plaza như đã dự định từ trước.

Nơi đây có lối thiết kế tựa như một chiếc tàu vũ trụ khổng lồ.

Quần thể kiến trúc này từng được bình chọn là một trong "52 Địa điểm du lịch thu hút" bởi tờ New York Times và đứng đầu trong danh sách địa điểm tại Hàn Quốc được ưa thích nhiều nhất trên Instagram trong cùng năm 2015.

Tòa nhà được thiết kế bởi nữ kiến trúc sư người Anh gốc Iraq từng nhận giải thưởng Pritzker, Zaha Hadid, với chi phí xây dựng tới 451 triệu USD.

Đây thường là nơi tổ chức các buổi hòa nhạc, hội nghị và những sự kiện lớn trong năm. Khu đất xây dựng lên Dongdaemun Design Plaza từng là sân vận động sân vận động Dongdaemun.

Nhiều bức tượng với lối thiết kế trừu tượng, lạ mắt được đặt ngoài khuôn viên của Dongdaemun Design Plaza.

Trở lại với con suối Cheonggyecheon vào lúc chiều ta để kiểm tra lại một lần nữa khả năng chụp ngược sáng Auto HDR của Oppo F7, chất lượng ảnh vẫn giữ được phong độ với dải sáng ấn tượng. Điểm đáng khen là thuật toán xử lý Auto HDR của Oppo F7 khá tự nhiên, không làm ảnh bị giả tạo thái quá.

Suối Cheonggyecheon hiện lên vẫn rõ ràng dù chụp ngược nắng rất gắt.

Bức ảnh này sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn về sự biến đổi thần kỳ từ một con đường cao tốc huyết mạch thành dòng suối mát lành giữa lòng thành phố. Nguồn ảnh: Internet.

Sau một thập kỷ, dòng suối đã trở thành một phần đời sống thường ngày tại trung tâm Seoul, thực hiện nhiều vai trò từ thu hút khách du lịch, công viên cho tới triển lãm nghệ thuật.

Trước khi bị san lấp làm đường vào những năm 1960, suối Cheonggyecheon từng ô nhiễm nặng, tựa như dòng sông Tô Lịch tại Hà Nội hiện nay.

Thời gian đầu để hồi sinh dòng suối, người ta phải bơm vào đây 120.000 tấn nước mỗi ngày.

Giờ đây, suối Cheonggyecheon được ví von như mạch máu của Seoul, đem lại nguồn năng lượng hứng khởi, thư thái cho người dân thủ đô sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng.

Cheonggyecheon cũng được xem như là linh hồn của thủ đô bởi nó đã cùng Seoul trải qua biết bao thăng trầm trong quá khứ và hiện tại, nó vẫn tồn tại mạnh mẽ như một nguồn sống vô tận.

Dòng suối nghiễm nhiên trở thành một khu sinh thái thu nhỏ giữa lòng thủ đô với đủ các loại cỏ cây, hoa lá, cá, lươn, trạch...

Hoàng hôn buông xuống trên dòng suối Cheonggyecheon.

Bên cạnh những tảng đá lớn dưới lòng suối, có tới 22 cây cầu bắc ngang qua 2 bên bờ suối với nhiều thiết kế độc đáo.

Mỗi cây cầu bắc qua suối lại có thiết kế riêng biệt.

Vào các dịp lễ hội, suối Cheonggyecheon sẽ được trang hoàng với hàng nghìn chiếc đèn lồng đủ màu sắc.

Dạo chơi xong ở bờ suối, du khách lại có thể quay lại khu quần thể Dongdaemun Design Plaza để thưởng thức lối kiến trúc độc đáo, có một không hai ở đây.

Cổng thành Heunginjimun về đêm được chiếu sáng rực rỡ giữa lòng đại lộ đông đúc, một nét giao thoa giữa xưa và nay, cổ kính và hiện đại.

Tổng kết lại, trong gần 1 tuần ở Seoul và trải nghiệm kỹ càng camera của Oppo F7 trong nhiều tình huống ánh sáng khác nhau, có thể nhận định đây là 1 chiếc smartphone có khả năng chụp ảnh tốt. Thế mạnh của Oppo F7 là tốc độ chụp nhanh, gần như không có độ trễ. Ảnh đủ sáng cho chi tiết, độ nét, màu sắc tốt, nhất là ảnh phong cảnh, kiến trúc. Ảnh ngược sáng, chênh sáng của F7 thực sự ấn tượng với cảm biến HDR chuyên dụng, cho ảnh với dải sáng rất rộng nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên.

Camera trước của Oppo giữ được ưu điểm vốn có, nếu không thích ảnh selfie quá "ảo", bạn hoàn toàn có thể tắt hết chế độ làm đẹp và máy sẽ cho ra những bức ảnh "tự sướng" chi tiết, sắc nét, trung thực với dải sáng, màu sắc trung thực.

Hạn chế của Oppo F7 là việc chụp thiếu sáng vẫn còn nhiễu hạt, chi tiết chưa cao, màu sắc nhợt nhạt (dù có thể cải thiện qua chế độ siêu rực rỡ). Khi chụp chân dung, AI trên F7 cũng tự động làm đẹp hơi quá đà, khiến khuôn mặt kém sắc nét. 

Với những gì thể hiện, Oppo cho thấy họ đang có những đầu tư nghiêm túc cho camera chính, bên cạnh những thế mạnh vốn có ở camera selfie.

Ưu điểm

+ Tốc độ chụp, bắt nét, lưu ảnh nhanh, gần như không có độ trễ.

+ Chế độ Auto HDR hoạt động hiệu quả, cho ảnh với dải sáng rộng, tự nhiên.

+ Ảnh có độ nét, chi tiết cao, màu sắc tươi tắn, nhất là ảnh kiến trúc, phong cảnh.

+ Camera selfie cho độ nét, chi tiết, dải sáng tốt kể cả khi chụp thiếu sáng, ảnh trung thực khi tắt hết chế độ làm đẹp.

Hạn chế

- Chế độ xóa phông kém tự nhiên, còn nhiều lỗi.

- Chế độ làm đẹp AI trên camera trước vẫn hơi ảo.

- Chụp chân dung vẫn tự động làm đẹp thái quá dù đã tắt hết hiệu ứng.

- Ảnh Ultra HD chất lượng chưa cao như mong đợi.

Thành Đạt

Nguồn tin: vnreview.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây