Thói quen cứ tắm xong lại ngoáy tai cho sạch tưởng tốt nhưng lại là một sai lầm tai hại
- Thứ năm - 08/04/2021 22:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Em chào bác sĩ, con em nay nay 14 tuổi, nhưng mới đây cháu bị đau đầu, sốt nhưng không viêm họng, em lo lắng quá đi chụp chiếu cho con những không phát hiện bất thường gì ở não, vùng sọ. Sau đó, đi khám tai thì bác sĩ chẩn đoán con em bị viêm tai giữa.
Nghe bác sĩ nói em rất bất ngờ vì tưởng rằng viêm tai giữa chỉ mắc ở trẻ nhỏ, chứ con em lớn rồi sao vẫn mắc bệnh này. Bác sĩ tư vấn giúp em triệu chứng trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc viêm tai giữa có gì khác nhau?
Viêm tai giữa (VTG) là bệnh lý gặp ở nhiều lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Con bạn 14 tuổi, là lứa tuổi ít bị VTG hơn nhưng vẫn có thể bị mắc bệnh này.
Ở trẻ nhỏ, VTG thường gặp viêm mũi họng, viêm V.A kèm theo, bị viêm cả 2 tai với các triệu chứng: sốt, chảy mũi, ngạt mũi, ho… Trong khi đó, trẻ lớn bị VTG thường bị ở 1 bên tai với các triệu chứng hay gặp là: đau tai, ù tai, nghe giảm.
Thưa bác sĩ, em sinh được hai cháu mỗi cháu cách nhau 3 tuổi, đều sinh thường. Tuy nhiên, cháu đầu thì không có vấn đề gì, cháu thứ 2 thì thường xuyên bị viêm tai giữa, có lúc nặng phải đi bệnh viện.
Qua chăm sóc em thấy một cháu là ráy dầu, còn 1 cháu là ráy khô vón cục. Cháu bị ráy dầu thì hay bị viêm tai giữa, còn cháu đầu thì không. Liệu có phải ráy tai ảnh hưởng đến việc viêm tai giữa không ạ? Nếu ráy dầu hay bị viêm tai giữa thì phải làm sao để xử lý ạ?
Ráy tai là thành phần tiết ra từ da của ống tai. Tùy thành phần dịch tiết mà có người ráy tai khô, và có người ráy tai mềm (ráy tai ướt, ráy tai dầu). Tuy nhiên, dù là ráy tai khô hay ướt thì chỉ là những biểu hiện của ống tai, không gây viêm tai giữa được.
Bệnh VTG ở trẻ là do nguyên nhân viêm mũi họng, viêm V.A. Nếu con bạn bị VTG nặng, thường xuyên, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ tai mũi họng để xử lý các nguyên nhân gây viêm mũi họng, V.A để tránh những đợt VTG tái phát sau này.
Cháu chào bác sĩ, cháu xem trên mạng xã hội thấy nhiều người nói rằng ngoáy tai bằng tăm bông là không tốt vì không lấy được chất bẩn ra ngoài. Vậy cháu dùng cây sắt chuyên dụng để ngoáy tai được không ạ?
Thông tin ngoáy tai bằng tăm bông không lấy được chất bẩn ra ngoài là đúng. Tuy nhiên, cháu không nên dùng vật bằng sắt để ngoáy tai. Vì khi ngoáy tai bằng vật sắt, có thể gây xây xát, chảy máu, viêm ống tai.
Ngoài ra, do không nhìn thấy trực tiếp nên dễ đẩy ráy tai hoặc chất bẩn vào sâu hơn trong tai, thậm chí có thể gây thủng màng nhĩ nếu có ai chạm vào tay trong khi đang ngoáy tai. Cháu nên đến khám bác sĩ tai mũi họng để được khám, vệ sinh tai và tư vấn hợp lý nhé.
Bác sĩ cho em hỏi, sao ngày trước hoặc các trẻ ở nông thôn thường xuyên tắm sông, tắm ngòi ngụp lặn dưới nước mà chẳng bao giờ bịt tai. Thế nhưng chẳng thấy cách cháu bị viêm tai bao giờ?
Trong khi trẻ em ở thành thị thì rất hay bị. Liệu có phải môi trường sống, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn cũng dẫn tới viêm tai giữa không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.
Trước đây, trẻ em ở nông thôn vẫn bị viêm tai. Tuy nhiên, do điều kiện hạn chế, không được khám đầy đủ nên chỉ những trường hợp trẻ bị chảy mủ tai mới được coi là VTG.
Hiện nay, tỉ lệ trẻ ở thành thị bị VTG cao hơn do nhiều nguyên nhân: không khí ô nhiễm do khí thải công nghiệp, thói quen sinh hoạt… dễ gây các bệnh viêm mũi họng, viêm V.A ở trẻ, dẫn tới VTG. Cùng với đó, trẻ đi mẫu giáo có lớp học nhỏ, chật chội dễ lây viêm mũi họng từ các bạn cùng lớp, từ đó dễ bị VTG hơn. Việc bố mẹ đưa các con đi khám khi có các triệu chứng sẽ giúp chẩn đoán sớm VTG ở trẻ.
Em chào bác sĩ. Bác sĩ cho em hỏi ráy tai có tác dụng có lợi gì cho cơ thể không ạ? Vì cách đây vài ngày con em bị 1 con côn trùng (bọ cánh cứng nhỏ) bò vào tai, em soi đèn tìm cách gắp cho con em nhưng không được, đang định đưa đến bệnh viện thì bọ tự bò ra. Khi ra ngoài trên thân dính nhiều ráy tai, bạn em bảo do có ráy tai bảo vệ nên bọ ko chui được vào sâu.
Nhiều người cho rằng ráy tai không có chức năng gì. Tuy nhiên, ráy tai của chúng ta có nhiều chức năng sau: Ráy tai giúp bảo vệ ống tai, màng nhĩ không bị kích thích, không bị viêm; Giúp tai luôn khô ráo, chống thấm cho tai; Ngăn ngừa vật thể lạ: vi khuẩn, côn trùng nhỏ xâm nhập vào tai; “Chống sốc” cho tai khi nghe âm thanh lớn.
Với trường hợp của bạn em, rất may mắn khi ráy tai đã ngăn ngừa không cho côn trùng chui sâu vào trong tai.
Xin bác sĩ giải đáp cho em thắc mắc này với ạ. Con gái em 5 tuổi, hôm nào tắm xong con em cũng yêu cầu phải ngoáy tai ngay. Trong khi trước đó em đã dùng khăn bông lau khô rồi và tắm không để nước vào tai.
Vậy, nếu ngày nào cũng dùng bông tăm ngoáy tai thì có ảnh hưởng gì không ạ. Em chỉ sợ ngoáy liên tục như thế sẽ thành thói quen và gây tác động đến ống tai, màng nhĩ và không tốt cho thính lực của con.
Ống tai có các tuyến tiết ra chất nhờn, ráy tai để bảo vệ ống tai, màng nhĩ. Việc ngoáy tai thường xuyên sẽ làm mất lớp bảo vệ này nên dễ gây viêm ống tai, có thể ảnh hưởng đến cả màng nhĩ. Do vậy, việc bạn không ngoáy tai cho con là đúng, và nên giải thích với con không nên có thói quen không tốt này.
Thưa bác sĩ, trong một lần tự ngoáy tai con em làm xước có chảy máu ở trong ống tai. Dù vẫn vệ sinh cẩn thận nhưng nước vàng ở trong đó vẫn chảy ra, bạn em khuyên nên dùng kháng sinh tán nhỏ rồi rắc bột vào vết thương trong tai sẽ khỏi.
Em phân vân không biết có nên thực hiện không, bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. Với trường hợp của con em thì cần phải xử lý như thế nào ạ?
Chào bác sĩ, con em năm nay 12 tuổi, cháu có thói quen nghe nhạc bằng tai nghe, có lần em thử nghe thì cháu mở nhạc rất to. Thời gian gần đây em có cảm giác tai cháu nghễnh ngãng, lại hay kêu đau đầu.
Bác sĩ cho em hỏi việc cháu nghe nhạc to có ảnh hưởng gì đến tai không và có gây đau đầu không ạ? Em phải tư vấn gì cho con để cháu bỏ thói quen này ạ?
Nghe nhạc bằng tai nghe trong thời gian dài với âm lượng lớn là một dạng chấn thương âm thanh cho tai, tương tự đối với những người làm việc trong môi trường tiếng ồn cao như công nhân khoan đá… có thể gây giảm khả năng nghe vĩnh viễn.
Con bạn có biểu hiện nghe kém (nghễnh ngãng) nên bạn cần đưa con bạn đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được khám, đo sức nghe, tư vấn nhé. Để bỏ thói quen xấu này, bạn có thể khuyên con dùng loa ngoài thay vì nghe nhạc bằng tai nghe để đảm bảo an toàn cho tai.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/cu-tam-xong-lai-ngoay-tai-cho-sach-thoi-quen-tuong-to...