Máy bay ném bom của Nga lần đầu xuất kích từ Iran để tiêu diệt khủng bố tại Syria

Thứ ba - 16/08/2016 19:44

Máy bay ném bom của Nga lần đầu xuất kích từ Iran để tiêu diệt khủng bố tại Syria

Các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga hoạt động từ một căn cứ không quân tại Iran đã lần đầu thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu khủng bố tại Syria, truyền thông Nga ngày 16/8 đưa tin.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga (Ảnh: Sputnik)

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho hay các máy bay ném bom tầm xa của Nga đóng tại Iran đã tấn công một loạt các mục tiêu khủng bố bên trong Syria. Theo RT, Moscow và Tehran đã ký kết một thỏa thuận cho phép các máy bay Nga đồn trú tại sân bay Hamadan ở phía tây Iran.

Kênh truyền hình nhà nước Rossiya 24 trước đó đưa tin, Kremlin đã triển khai các máy bay ném bom Tu-22M3 tại một căn cứ không quân gần thành phố Hamadan của Iran để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận Al-Nusra tại các tỉnh Aleppo, Deir-ez-Zor và Idlib của Syria.

Bản đồ cho thấy vị trí căn cứ không quân Hamadan tại Iran (Ảnh: Google)

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, các cuộc không kích đã xóa sổ 5 kho vũ khí lớn và địa điểm huấn luyện của các phần tử khủng bố trong khu vực, cũng như 3 cơ sở chỉ huy và nhiều phần tử khủng bố.

Các máy bay ném bom tầm xa được các máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-35 cất cánh từ căn cứ không quân Khmeimim của Nga tại Syria bảo vệ.

Số lượng các máy bay quân sự Nga được triển khai tại căn cứ không quân Hamadan không được tiết lộ.

Các máy bay quân sự Nga tại Iran (Ảnh: Al-Masdar)

Rút ngắn gần 2/3 chặng đường bay

Al-Masdar là trang web đầu tiên đăng tải các bức ảnh chụp ít nhất 3 máy bay ném bom Tu-22M3 và máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga tại Iran.

Theo RT, lợi ích chính của việc xuất kích tại Iran là giúp không quân Nga giảm đáng kể thời gian bay nhằm tấn công các mục tiêu tại Syria.

Các máy bay ném bom tầm xa trước đó đã tiến hành các cuộc không kích tại Syria từ một căn cứ tại Mozdok, Nga và đã vượt qua quãng đường gần 2.000 km để tới không phận Syria. Giờ đây, khoảng cách đã được giảm xuống còn 700 km, vì vậy các cuộc không kích nhạy cảm về thời gian có thể được tiến hành tức thời và đỡ tốn kém hơn.

(Ảnh: Al-Masdar)

Đối với căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia của Syria, được quân đội Nga sử dụng kể từ tháng 9/2015 để tiến hành các cuộc không kích chống lại nhóm phiến quân IS, đường băng của căn cứ hay không phù hợp với máy bay ném bom hạng nặng Tu-22M3.

Nhưng tình hình trên sẽ thay đổi, khi Damascus đã cho phép Moscow đồn trú một căn cứ quân sự lâu dài tại Khmeimim và không quân quân Nga đang chuẩn bị tiến hành việc sửa sang tổng thể và hiện đại hóa căn cứ. Khi hoàn thiện, căn cứ sẽ có thể đón tiếp tất cả các loại máy bay quân sự trong tương lai gần.

(Ảnh: Al-Masdar)

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hợp tác quân sự giữa Iran và Nga đang phát triển nhanh chóng.

Hồi tháng 1 năm nay, Moscow và Tehran đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự nhằm cho phép 2 bên phối hợp rộng hơn trong các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện quân nhân.

Ngày 15/8, báo chí Nga đưa tin rằng Moscow từng một lần đề nghị Iran và Iraq cho phép các tên lửa hành trình bay qua không phận các nước này để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu khủng bố tại Syria.

Vào tháng 10/2015, bốn tàu chiến của hải quân Nga tại biển Caspi đã bắn tổng cộng 26 quả tên lửa nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria. Các tên lửa đã bay xa khoảng 1.500 km, thay đổi lộ trình vài lần và xóa sổ 11 mục tiêu.

Đến tháng 11/2015, các tàu chiến thuộc hạm đội Caspi của Nga đã phóng 18 tên lửa hành trình nhằm vào 7 mục tiêu tại các tỉnh Raqqa, Idlib và Aleppo của Syria. Tất cả các mục tiêu đã bị xóa sổ thành công.

Máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga tại Iran. (Ảnh: Al-Masdar)

An Bình

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây