Vượt nghìn km đưa con đi can thiệp tự kỷ, mẹ bật khóc khi nghe được hai tiếng: Mẹ ơi!
- Thứ tư - 03/04/2019 18:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 9 giờ sáng là bé Hồ Gia Huy được mẹ chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng bước vào quá trình điều trị bằng phương pháp châm cứu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Đây là đợt thứ 4 bé Huy ra Hà Nội điều trị vì mắc chứng tự kỷ. Trong 4 đợt ấy không biết bao nhiêu cây kim đã châm vào người, nhưng bé Huy vẫn chẳng thể nào quen được.
Mỗi khi bác sĩ châm kim vào người, Huy lại khóc thét lên vang vọng cả một khoa trên tầng 3 bệnh viện. Dù trước đó, cả mẹ và các nhân viên y tế đã làm đủ mọi cách từ cho quà, đến nịnh nọt nhưng chẳng thể nào làm Huy mất đi cảm giác sợ hãi.
Mỗi khi châm cứu Huy thường khóc thét lên khiến người mẹ cũng phải khóc theo.
Mẹ bé Huy là chị Hồ Tố Như (quê ở Bình Định) chia sẻ, mỗi khi con châm cứu chị phải hỗ trợ bác sĩ bằng cách ôm ghì lấy đầu con, thậm chí có những lúc chân tay Huy phải buộc cả vào thang giường bệnh để không giãy giụa. “Nghe con khóc mà lòng tôi đau xót vô cùng, khi đó tôi chẳng dám nhìn mặt con, phải quay mặt ra phía sau và khóc cùng con”, chị Như nói.
Con trai chị Như sinh năm 2014, khi mới chào đời cháu Huy vô cùng bụ bẫm đáng yêu. Thậm chí khi con gần 1 tuổi đã bập bẹ được tiếng ba ba, ma ma… Vậy mà, đến khi được 22 tháng tuổi, thấy con có những dấu hiệu bất thường, chị Như đưa con đi khám các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc chứng tự kỷ.
“6 tháng tôi phải gửi con cho người thân chăm sóc để đi làm. Trong khoảng thời gian đó, Huy ở nhà được mọi người bật ti vi cho xem cả ngày vì mọi người cũng bận việc nhà.
Hàng chị Như luôn luyện con nói từng từ, kể cả khi gọi điện về cho những người thân ở nhà.
Thời gian đầu khi tôi mới đi làm, con vẫn ăn uống và cân nặng tăng đúng chuẩn. Khi được 15-16 tháng Huy có biểu hiện chậm nói chỉ ê a, ê a chứ không nói rõ được chữ nào. Rồi khi được 21-22 tháng, con trai tôi vẫn chưa biết nói, hàng ngày con nghịch luôn chân tay, lục lọi và đập phá đồ đạc.
Thấy vậy, tôi đưa con xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 khám. Sau một thời gian theo dõi, đánh giá các bác sĩ chẩn đoán con tôi mắc tự kỷ”, chị Như chia sẻ.
Khi nhận được thông báo của bác sĩ, chị Như ngã quỵ không tin đó là sự thật và ôm con về quê. Đây có lẽ là khoảng thời gian khủng hoảng trầm trọng với bà mẹ trẻ này. “Khi đó, mỗi khi nhìn thấy con cái của bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm chơi đùa, nũng nịu gọi bố mẹ, xong quay lại nhìn con mình tôi thấy buồn ghê lắm.
Vài đêm nằm suy nghĩ, trấn tĩnh lại bản thân tôi tự nhủ mình cố gắng chữa cho con. Biết đâu ngày nào đó con sẽ đỡ hơn và không phải như vậy nữa”, chị Như nghẹn ngào chia sẻ.
Hai mẹ con chị Như mỗi lần ra Hà Nội là phải xa nhà cả tháng.
Sau đó, chị Như có đưa con đi học lớp đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ nhưng kết quả không như mong muốn. Được sự giới thiệu của mọi người, chị Như vượt hàng nghìn cây số ra Hà Nội quyết tâm chữa trị cho con. Đến nay đã điều trị cho con được 4 đợt với nhiều phương pháp khác nhau như xoa bóp, bấm huyệt, điện châm, thủy châm, cấy chỉ…bé Gia Huy đã có những chuyển biến tích cực khiến chị Như mừng rơi nước mắt.
“Lần đầu ra Hà Nội con không biết gì cả. Lần thứ hai con bắt đầu kêu được hai từ: Mẹ ơi. Khi đó tôi khóc nức nở, mừng rơi nước mắt, tôi đợi con nói câu đó đã lâu lắm rồi. Những lần sau đó, tôi tập cho con nói từng từ một. Luyện con nói ngay cả lúc chữa bệnh, hoặc mỗi khi gọi đến về cho ba ở quê”, chị Như nhớ lại.
Những trẻ khi châm cứu thậm chí phải buộc cả chân vào thành giường bệnh để tránh giãy giụa.
Câu chuyện về hành trình chữa bệnh cho con đang dang dở, bỗng bé Gia Huy gọi mẹ ơi, đó cũng là lúc hết thời gian thực hiện châm cứu cho cậu bé 5 tuổi này. Nhưng chiếc kim châm được rút ra khỏi cơ thể, Gia Huy ngồi phắt dậy rồi lục chiếc điện thoại của mẹ. Không được mẹ đồng ý, Huy cau mày tỏ vẻ tức giận rồi chạy nhảy khắp phòng lục lọi đồ của những bệnh nhi khác.
Vừa chạy theo con, chị Như vừa nói: “Tôi chỉ mong con sớm bớt tăng động, biết nghe lời và ngồi 1 chỗ. Có như vậy con mới được đến trường”. Con mắc bệnh là điều không ai mong muốn, chị Như đã nhiều lần tự trách bản thân mình khi không quan tâm đúng mức với con ngay từ nhỏ.
Giờ đây chị chỉ biết tự an ủi mình rằng: “Nhìn lên dù con chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống con vẫn con hơn những hoàn cảnh khó khăn khác. Tôi lấy đó làm động lực để bước tiếp trong hành trình chữa bệnh cho con”.
Ths.BS Dương Văn Tâm, trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (BV Châm cứu Trung ương) cho biết, trường hợp bệnh nhi này rất đặc biệt. Dù điều trị đã có tiến triển tốt nhưng để có thể trở lại bình thường thì sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi khoảng cách địa lý là một vấn đề lớn. Theo BS Tâm, tự kỷ có xu hướng kéo dài. Do đó, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân theo từng đợt, mỗi đợt can thiệp là một tháng, sau đó nghỉ 15 ngày lại điều trị tiếp. Trẻ mắc tự kỷ có các tổn thương ở các tạng phù, kinh mạch với những mức độ khác nhau. Do đó, các bác sĩ sử dụng các kỹ thuật của y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, tác động vào huyệt vị để điều trị các chứng bệnh này. Để tránh trẻ sinh ra mắc tự kỷ, các cha mẹ có kế hoạch sinh con cần chú ý bồi dưỡng, giữ gìn sức khỏe, không tiếp xúc, làm nghề độc hại, hoặc các tác nhân có hại cho sức khỏe như hóa chất, nhiệt độ cao, sóng từ trường của các thiết bị điện tử,… để tránh gây nên sự rối loạn gen. Thai phụ nên duy trì khám thai đầy đủ, sinh con và nuôi dưỡng con theo phương pháp khoa học. |