Vụ làm giả bệnh án tâm thần: Bác sĩ nhiều lúc bị động vì bệnh nhân "diễn như thật"
- Thứ bảy - 11/08/2018 14:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bên lề cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế với các bệnh viện chuyên khoa Tâm thần trên địa bàn Hà Nội chiều tối 10/8, ông Nguyễn Mạnh Phát – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) - nơi vừa có 2 cán bộ y tế bị khởi tố, bắt bị can tạm giam để phục vụ điều tra đã có cuộc trao đổi với PV Gia đình & Xã hội.
Quy trình đã chặt
Theo ông Phát, với người bệnh tâm thần, các biểu hiện triệu chứng đa phần do chủ quan, do bệnh nhân và người nhà "tự cảm thấy". Công tác khám chữa bệnh cho đối tượng bệnh tâm thần khá đặc biệt hơn các bệnh khác.
Đối với thủ tục khám bệnh, khi người bệnh đến viện sẽ được bộ phận tiếp đón, phát số để vào các buồng khám tại khoa Khám bệnh. Trong đây có những bệnh nhân phải vào điều trị ngay (cai nghiện ma tuý; điều trị theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan tố tụng như toà án hay viện kiểm sát..).
Ông Nguyễn Mạnh Phát – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1). Ảnh: V.Thu
Các trường hợp khác gia đình đưa đến đầy đủ các giấy tờ, giấy giới thiệu, giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, theo ông Phát, có những trường hợp cấp tính, bệnh nhân đến không có giấy tờ.
"Tất cả các trường hợp đó, bệnh viện đều có yêu cầu gia đình phải làm đơn cam kết với nhiều nội dung khác nhau. Trên thực tế, có những bệnh nhân ổn định rồi nhưng gia đình khó khăn không đưa về.
Nên chúng tôi lại có nội dung yêu cầu cam kết: Trường hợp bệnh nhân ổn định gia đình là phải đón về. Nội dung cam kết khá quan trọng, bệnh viện cũng lường trước là bệnh nhân không vi phạm pháp luật gì cho đến thời điểm khám" - ông Phát nói.
Cũng theo ông Phát, "có khi chỉ có Bệnh viện chuyên khoa tâm thần mới có đơn cam kết như thế"
Tuy nhiên, vị cán bộ BV Tâm thần Trung ương 1 cũng cho biết, có những trường hợp bác sĩ "biết thừa" bệnh nhân là người vi phạm pháp luật mà vẫn phải điều trị. Ví dụ: Các trường hợp cơ quan tố tụng có quyết định áp dụng bắt buộc chữa bệnh, có công an dẫn giải; Hoặc là tù nhân bị các triệu chứng kích động… trong đêm hôm được đưa đến vẫn phải tiếp nhận; Bệnh nhân ngáo đá, ma tuý đá, có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng xã hội mà được gia đình, cơ quan tổ chức đưa đến cũng đều phải điều trị...
Ngoài các triệu chứng người bệnh kể, hoặc do gia đình kể (khi bệnh nhân không hợp tác nếu kích động…), bệnh nhân được làm các xét nghiệm thăm dò thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi kết thúc ở khoa khám bệnh sẽ vào các khoa nội trú.
Các triệu chứng, chỉ định điều trị sẽ được thể hiện trong hồ sơ bệnh án nội trú theo quy định của Bộ Y tế. Diễn biến điều trị cũng được ghi chép trong đó. Với quá trình điều trị trong viện, các vấn đề về mặt triệu chứng vẫn là chủ quan.
"Sau kết thúc điều trị, bệnh nhân ra viện, chuyển hồ sơ lưu trú bệnh án về bộ phận lưu trú của Phòng kế hoạch Tổng hợp" - ông Phát thông tin.
Một cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng cho hay, quy trình để làm hồ sơ, giấy chứng nhận tâm thần cho bệnh nhân từ trước tới nay đã được quy định rõ ràng. Bệnh nhân có giấy tờ giới thiệu từ địa phương, sau đó qua phòng khám khám bệnh, chụp ảnh và dán lên giấy tờ liên quan trước khi đưa vào khoa phòng điều trị, làm hồ sơ bệnh án.
"Việc điều trị phải tiến hành trong vòng 30 ngày mới có chẩn đoán. Đa số bệnh nhân vào BV đều được chụp ảnh nhận dạng" - vị cán bộ này cho biết.
Cơ hội làm giả, giả bệnh là có thể có
Quy trình chặt chẽ là vậy, nhưng thực tế có rất nhiều khó khăn trong thực hiện. Đơn cử, Bệnh viện dù đã có quy định bệnh nhân vào viện phải có giấy giới thiệu từ tỉnh, xã. Tuy nhiên, theo quy định, xã không chuyển tuyến Trung ương ngay mà giới thiệu lên tuyến huyện, tỉnh. Nhiều gia đình không muốn mất thời gian hoặc bệnh nhân phát bệnh nặng nên phải đưa thẳng lên bệnh viện trung ương cấp cứu, thậm chí vào thời điểm đêm hôm, rạng sáng.
Đối với trường hợp thông tin “hồ sơ bệnh án giả”, theo ông Phát, các giấy tờ, hồ sơ nếu không được lưu hồ sơ gốc thì chắc chắn đấy là giấy tờ giả.
Còn các trường hợp hồ sơ bệnh án có hồ sơ lưu trữ, cũng đặt ra những tình huống. Đơn cử, đối với trường hợp giả thì có thể: Giả bệnh (không có bệnh giả vờ có bệnh); Mức độ này giả mức độ kia; Bệnh này giả thành bệnh kia.
"Lý do triệu chứng biểu hiện bệnh tâm thần thường chủ quan thì có cơ hội làm giả thì cũng có thể có" - ông Phát nói.
Ông Phát cho rằng, đối với các trường hợp "làm giả thông thường" thì có thể phát hiện được. Nhưng cũng có những ca, người bệnh nghiên cứu rất kỹ, rất tinh vi, "diễn như thật" đặt bác sĩ vào thế "bị động". Để phát hiện được, đòi hỏi bác sĩ phải rất có kinh nghiệm, nhìn nhận, mô tả triệu chứng, hội chẩn, xin ý kiến tập thể.
Ông Phát cũng bày tỏ quan điểm về hướng tiếp cận là phải tiếp cận hồ sơ bệnh án của các bệnh viện "là hồ sơ bệnh án điều trị", không phải mọi trường hợp đưa bệnh án tâm thần ra là miễn thủ tục tố tụng được theo quy định pháp luật.
"Kết luận anh tội phạm này có bị bệnh lý tâm thần trước, trong và sau khi phạm tội.. và với bệnh lý mắc phải như thế này, anh có được miễn hay không. Tôi nghĩ phải tiếp cận theo hướng đấy để tránh lạm dụng để giả mạo, giả bệnh, giả giấy tờ" - ông Phát nói.
Đối với sự việc 2 cán bộ BV này là BSCK 2 Thân Thanh Phong (phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi) và ông Nguyễn Tuấn Sơn (kỹ thuật viên trưởng khoa Dinh dưỡng) bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Phát khẳng định cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đang trong quá trình xác minh điều tra. Cụ thể kết luận điều tra hiện BV vẫn chưa nhận được thông báo. Tại BV Tâm thần Trung ương 1, việc nhắc nhở, chấn chỉnh cán bộ y tế là việc làm thường xuyên, liên tục. Sau vụ việc, nhân viên y tế trong BV thật sự mong muốn các vấn đề được điều tra, làm rõ, minh bạch để họ yên tâm công tác. Lãnh đạo BV trong các cuộc giao ban cũng động viên cán bộ. "Chuyên khoa Tâm thần rất đặc thù. Sức hấp dẫn thu hút nhân viên y tế về đây là không có. Bệnh nhân mắc bệnh, điều trị tại viện cũng chịu một số "thái độ" nhất định" - ông Phát nói. |