Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới
- Thứ ba - 13/09/2016 10:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo nghiên cứu, số lượng bệnh nhân ước tính mắc UTP đến năm 2020 tại Việt Nam có thể lên đến 34.000. Trong khi đó, căn bệnh này lại mang thêm một lắt léo khá lớn, đó là đa số phát hiện bệnh khi đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, được chẩn đoán khá muộn và khối u đã bắt đầu di căn nhiều bộ phận khác của cơ thể.
Theo phân tích của TS-BS Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp BV ĐH Y Dược TP.HCM, UTP giai đoạn sớm rất mơ hồ. Bệnh nhân thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng như ho húng hắng, thỉnh thoảng đau tức ngực, mệt mỏi, ăn uống kém. Chỉ đến khi rõ ràng thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, di căn nhiều nơi và thời gian sống của bệnh nhân không nhiều.
Mỗi năm cả nước có 19.500 bệnh nhân tử vong do ung thư phổi. (Ảnh minh họa)
Theo TS-BS Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết tỉ lệ sống thêm năm năm của các bệnh nhân được chẩn đoán UTP giai đoạn cuối thường rất thấp, chỉ khoảng 5%. Tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn đầu, đáp ứng điều trị tốt, tỉ lệ sống của bệnh nhân vẫn có thể đạt hơn 70%.
Ở giai đoạn đầu ung thư mới phát thường không có bất cứ triệu chứng gì. Nhiều người nghĩ rằng khi nào ho, đau ngực, ho ra máu, nổi hạch mới khám. Ở giai đoạn bệnh đã có biểu hiện lâm sàng thì đã muộn.
Nhắc đến UTP, người ta thường gắn nó với nam giới và thói quen hút thuốc lá. BS Dũng cho biết người hút thuốc có nguy cơ UTP gấp 10 lần người không hút thuốc. Ngoài thuốc lá còn có một số nguyên nhân gây UTP như tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ, yếu tố di truyền.
Để ngăn ngừa UTP ngay từ giai đoạn đầu, BS Dũng khuyến cáo. Đối với người có yếu tố nguy cơ cao như nam trên 40 tuổi có hút thuốc lá, người thường xuyên làm việc ở các môi trường bị ô nhiễm, có các chất phóng xạ, thủy ngân. Đối tượng trong gia đình có người đã từng mắc UTP thì nên đến các cơ sở y tế thực hiện tầm soát UTP định kỳ sáu tháng hoặc 12 tháng/lần.
“Trên thế giới hiện nay có bốn phương pháp điều trị UTP bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và miễn dịch liệu pháp. Việt Nam đã có đầy đủ bốn phương pháp và phương tiện điều trị cho bệnh nhân UTP. Vì thế, điều quan trọng bây giờ là trách nhiệm của người bệnh, phải ngăn ngừa ngay từ đầu, hợp tác điều trị phát hiện sớm UTP để việc điều trị được thuận lợi” - BS Dũng nói.
Tại Việt Nam hiện nay, UTP là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở nữ giới. Ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 bệnh nhân tử vong.