Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Từ vụ 2 anh em bị tan máu nguy kịch khi ăn xôi, lưu ý điều này khi nấu ăn?

Từ vụ 2 anh em bị tan máu nguy kịch khi ăn xôi, lưu ý điều này khi nấu ăn?
Việc dùng phẩm màu không rõ nguồn gốc khi chế biến thực phẩm là cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là những loại phẩm màu có nguồn gốc hóa học.

Mới đây, thông tin về trường hợp 2 anh em ở Lạng Sơn ăn xôi nhuộm phẩm màu bị tan máu cấp khiến không ít người hoang mang. Theo đó, trước khi vào viện khoảng 5 ngày hai anh em được gia đình cho ăn xôi tự làm có trộn phẩm màu.

Sau khi ăn, cả hai anh em bị đau bụng và nôn, mệt mỏi kéo dài, nước tiểu màu đỏ sẫm, tình trạng ngày càng nặng hơn nên được gia đình đưa vào viện. Khi vào viện, qua thăm khám và làm các xét nghiệm cả 2 anh em được chẩn đoán tan máu cấp. Nguyên nhân nghi do thức ăn chứa phẩm màu.

Thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên nhập viện do ăn thực phẩm có nhuộm phẩm màu. Cũng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cách đây không lâu cũng xảy ra trường hợp tử vong do ăn xôi nhuộm phẩm màu gây tan máu nặng.

Trường hợp bị tan máu sau khi ăn xôi ở Lạng Sơn.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ bệnh viện đa khoa Lạng Sơn cho biết, việc sử dụng phẩm màu thực phẩm khá phổ biến nhưng cần phải là phẩm màu dùng trong thực phẩm. Một số người còn tùy tiện sử dụng phẩm màu cho công nghiệp (không dùng trong thực phẩm) để chế biến thực phẩm (xôi, các loại thịt, bánh kẹo, đồ uống,...) là rất nguy hiểm.

Thậm chí, nếu thường xuyên lạm dụng phẩm màu (kể cả phẩm màu trong thực phẩm) cũng dẫn tới nguy cơ tan máu cấp, mức nặng thậm chí là tử vong. Về lâu dài hóa chất có trong phẩm màu tích lũy trong cơ thể dẫn tới nhiều nguy hại (suy gan, suy thận, ung thư...).

Cũng cảnh báo về vấn đề này, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết xuất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá...

Tuy nhiên, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì rất khó để phân biệt được đồ ăn được trộn loại phẩm màu nào. “Theo tôi loại thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng”, PGS Thịnh nhận định.

Phân tích về những nguy hại đối với sức khỏe khi sử dụng thực phẩm có nhiều phẩm màu, PGS Thịnh cho biết nó có thể xảy ra ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, thậm chí bị suy gan, suy thận, nặng hơn có thể tử vong.

Để tránh những tác hại không mong muốn gây nên, PGS Thịnh cho rằng tốt nhất không nên dùng phẩm màu trong thực phẩm. Trong trường hợp bắt buộc thì tiết đối không dùng phẩm màu hóa học, mà nên dùng các loại phẩm màu theo danh mục Bộ Y tế cho phép. Theo đó, Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người dân cần lưu ý:

- Hạn chế sử dụng phẩm màu để chế biến thức ăn.

- Nên dùng chất tạo màu từ thực vật thay cho phẩm màu.

- Không dùng các loại phẩm màu trôi nổi, không có nguồn gốc và không được cấp phép để chế biến thực phẩm tại gia đình.

- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nhiều màu sắc không tự nhiên, nhất là đối với trẻ em. Đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt.

- Nên xét nghiệm sàng lọc để phát hiện bệnh thiếu men G6PD để tránh dùng một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm có thể gây tan máu ở những bệnh nhân này.

Hà Nội: Bé trai 8 tuổi bị tan máu nguy kịch do ăn thịt bò khô gia đình tự làm
Sau khi ăn thịt bò khô do gia đình tự làm, có nhuộm phẩm màu không nguồn gốc, bé trai 8 tuổi xuất hiện nhiều triệu chứng lạ dồn dập cùng lúc, phải...
Bấm xem >>
Theo Lê Phương (Khám phá)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây