Thạch tín trong nước mắm có độc hại không?
- Thứ tư - 19/10/2016 14:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng asen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/L.
Kết quả khảo sát cho thấy, có khoảng 67,3% mẫu khảo sát không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, hàm lượng asen tổng của mẫu không đạt dao động từ trên 1.0mg/L đến 5mg/L.
Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L).
Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ các mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.
Gần 70% mẫu nước mắm chứa asen vượt quá ngưỡng quy định.
Về hàm lượng thạch tín trong nước mắm, bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản, giải thích bản chất nước mắm đã chứa hàm lượng asen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, asen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí châu Âu còn cho phép hàm lượng này trong nước chấm lên tới 30 mg/lít. Asen vô cơ mới độc hại, sử dụng liều lượng cao có thể gây tử vong.
Tại cuộc Công bố báo cáo kết quả khảo sát chất lượng nước mắm trên toàn quốc mới đây, ông Vương Ngọc Tuấn, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, không phải ai cũng hiểu rõ và hiểu đúng về thành phần dinh dưỡng, độ an toàn cần có của sản phẩm nước mắm khi sử dụng.
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, thông thường vẫn có quan niệm độ đạm (axit amin) càng cao, chất lượng nước mắm càng ngon và tốt.
Tuy nhiên, với nước mắm truyền thống độ đạm chỉ có thể đạt nhiều nhất 25-30 độ. Còn đối với nước mắm công nghiệp, các nhà sản xuất có rất nhiều cách tăng độ đạm bằng phương pháp thủy phân enzim công nghiệp và bổ sung một số chất để tăng độ đạm... Do vậy, theo ông Thịnh, không nên dựa vào độ đạm để đánh giá đó có phải nước mắm ngon hay không.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bộ này cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang kiểm tra nước mắm trên thị trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Qua kiểm tra ban đầu, không có sản phẩm nước mắm nào là nước cộng hóa chất như thông tin trên truyền thông gần đây. Sắp tới, các đoàn sẽ mở rộng khu vực kiểm tra nước mắm.