Tâm sự của bác sĩ bị hành hung: Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cô đơn nhất!
- Chủ nhật - 22/04/2018 09:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra sự nhục nhã và xấu hổ đến như vậy. Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cô đơn nhất.
Ảnh minh hoạ.
Rõ ràng, tình trạng bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng là yếu tố gây tâm lý căng thẳng rất lớn đối với công tác khám chữa bệnh của nhân viên y tế.
Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân của Việt Nam cũng đã quy định "Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ".
Vụ việc của bác sĩ V. H. C. ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội càng khiến giới y khoa dậy sóng khi bác sĩ C. bị tấn công và sau đó theo cơ quan điều tra thì do bác sĩ quá nguyên tắc khiến người nhà cháu bé bức xúc và có hành vi đánh bác sĩ.
Điều này khiến giới y khoa “dậy sóng” họ cho rằng cần xuống đường để bảo vệ chính mình, cần môi trường làm việc an toàn cho bác sĩ cũng như mọi nhân viên y tế.
Tủi nhục, cô đơn
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã chia sẻ câu chuyện của anh gặp tại khoa cấp cứu của chính bệnh viện này vào năm 2001. Khi đó bệnh nhân rất đông, bác sĩ trực đến 23h đêm còn chưa được ăn cơm.
Lúc đó, có một ông bố đưa con 10 tuổi nhập viện vì bị rách da đầu chảy nhiều máu.
Bác sĩ Phúc kể: "Tôi đã khám và giải thích, rằng vết thương rách da đầu sẽ gây chảy rất nhiều máu ra bên ngoài, nhưng nó không nguy hiểm như những bệnh nhân bị tổn thương nội tạng, vì thế mà y tá sẽ tiến hành băng sơ cứu và chờ đợi chúng tôi có thời gian giải quyết. Nhưng bố cháu bé không đồng ý.
Người bố sau một hồi chất vấn, dọa nạt, rồi chửi bới; anh dang tay đấm thẳng vào mặt tôi, nhổ hẳn một bãi nước bọt vào chính giữa mặt tôi, rồi dọa sẽ giết chết cả nhà tôi nữa.
Lúc ấy lòng tôi nặng trĩu. Tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, hai cô y tá già và các em sinh viên trẻ, mọi người quay lại nhìn tôi đầy kinh hãi và không ai dám nói một lời nào. Tôi chưa bao giờ bị làm nhục trong cuộc đời. Ở khoảnh khắc đó, tôi chỉ có hai lựa chọn, hoặc là ngồi đó để tiếp tục bị đánh cùng những bãi nước bọt, hoặc là chạy trốn ra ngoài để tránh sự đe dọa và xấu hổ. Tôi muốn mình biến mất!
Và tôi bỏ chạy ra ngoài với những cảm xúc đã chết. Người bố đuổi theo tôi, túm cổ, dúi tôi vào thùng rác và đe dọa. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra sự nhục nhã và xấu hổ đến như vậy. Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cô đơn nhất. Nó để lại vết sẹo tình cảm sẽ không bao giờ có thể mất trong tôi. Nhân phẩm của tôi đã bị tước bỏ và giá trị bản thân bị hủy hoại. Mọi diễn biến tiếp theo mới thật là tồi tệ. Những ngày tháng sau đó, thỉnh thoảng tôi lại nhận được một tin nhắn đe dọa. Tôi cảm thấy bị bào mòn cả về thể chất, tâm lí và tình cảm”.
Cấp cứu trong căng thẳng
Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh – Khoa Tim mạch Bệnh viện Việt Đức chia sẻ về câu chuyện cấp cứu cho một dân “anh chị”. Với các nhân viên y tế, đây là việc làm họ gặp thường xuyên.
Điều dưỡng Vinh kể, trong buổi tối tua trực của anh tiếp nhập một băng nhóm đầu gấu xử nhau, một người trong nhóm đồng bọn của họ bị chém một nhát dao xẻ toác vai, đương nhiên nhân viên y tế nhìn hoàn cảnh biết mình sẽ sắp phải hứng bão thế nào, nhanh chóng họ đưa nạn nhân vào phòng hồi sức cấp cứu băng bó, truyền dịch, giảm đau.
Vài phút sau một nhóm đồng bọn trong đó có một gã nhìn bặm trợn vào chỉ huy bác sĩ bằng những lời lẽ kiểu như “chúng mày làm ăn tử tế, thằng em tao có mệnh hệ nào thì tụi mày chết hết dưới tay tao”. Vừa nói hắn không quên rút con dao bấm ra lệnh “khâu đi, nhanh lên".
Mọi người đều làm theo lệnh của hắn, không làm thì cũng chắc có chuyện xảy ra với một gã vỗ ngực xưng tên nhiều tiền án tiền sự. Khi gây tê cho bệnh nhân thì hắn quát thuốc giảm đau đâu không được để cho người đàn em của hắn đau.
Điều dưỡng Vinh tâm sự: “Chúng tôi cấp cứu bệnh nhân mà căng thẳng tột cùng mồ hôi trán mọi người lăn tròn, nhỏ giọt.. và phút giây đó cùng trôi qua từng khắc một, làm việc cấp cứu nạn nhân trong lo âu và tủi nhục... làm xong mà không dám hó hé câu yêu cầu đi đóng tiền”.