TPHCM: Trời nắng nóng, hơn 10.000 trẻ nhập viện mỗi ngày, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?
- Thứ bảy - 30/03/2019 11:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trẻ ùn ùn nhập viện vì nắng nóng
Đang ngồi dỗ con trước cửa phòng khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trong lúc đợi chồng làm các thủ tục nhập viện cho bé, chị Mai Thị Mây (32 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) cho biết con chị có biểu hiện sốt, ho cách đây 3 ngày. Do chủ quan nên chị chỉ đến nhà thuốc gần nhà mua thuốc cho con. Đến khi bé có biểu hiện lừ đừ, ho sốt nhiều, chị mới đưa đến Bệnh viện thăm khám thì được biết con chị đã bị biến chứng viêm phổi, cần được nhập viện để theo dõi.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, các bác sĩ cho biết mỗi ngày có khoảng hơn 5000 bệnh nhi đến khám vì các bệnh lí liên quan đến đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi...), đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng…). Đây là những bệnh thường gặp do thời tiết nắng nóng.
Bệnh nhi thăm khám tại BV Nhi đồng 1 TPHCM.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, theo bác sĩ Lê Công Thiên, Phó trưởng khoa Khám bệnh, mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân đến khám, số lượng tăng từ 10-15% so với tháng trước.
Thông tin về những nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ vào mùa nắng nóng, các bác sĩ cho biết nhiệt độ tăng cao, cơ thể bé dễ bị rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, tim phổi hoạt động nhiều hơn nên trẻ dễ bị mệt kiệt sức. Bên cạnh đó, dưới tác động nắng nóng, tia UV, hệ miễn dịch của trẻ giảm, khả năng chống chọi với vi khuẩn giảm nên trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Ngoài ra những tổn thương da do nắng có thể dẫn đến nguy cơ ung thư da và việc mắt trẻ tiếp xúc với ánh nắng lâu dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể về sau.
Mỗi ngày có khoảng 10.000 bệnh nhi đến khám tại các Bệnh viện Nhi vì các bệnh lí liên quan đến thời tiết nắng nóng.
Bảo vệ trẻ trong mùa nắng nóng?
Theo Bác sĩ CK II Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tình trạng nắng nóng như hiện tại, thức ăn nếu để ở môi trường nhiệt độ thường khoảng 2-3 giờ thì vi khuẩn trong thức ăn có thể tăng từ 4-8 lần so với bình thường. Trẻ ăn vào rất dễ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Do đó, thức ăn cho trẻ cần được bảo quản vệ sinh, đúng cách. Bên cạnh đó cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng, năng lượng, điện giải để cơ thể bé khỏe mạnh, chống lại bệnh.
Bên cạnh đó, tia cực tím sẽ tập trung cao từ 10h sáng đến 2h chiều, vì thế cha mẹ cần tránh cho trẻ nhỏ ra ngoài trời vào thời điểm này. “Việc tiếp xúc trực tiếp với tia UV ở mức 10-11 chỉ trong 10 phút có thể bỏng da. Tổn thương trên hệ miễn dịch sẽ trước khi tổn thương da, do đó nên cho trẻ đội nón mũ rộng vành, đeo kính bảo vệ mắt, bận áo khoác, áo tay dài, điều này có giảm đến 60-70% tia cực tím ảnh hưởng lên cơ thể trẻ”, BS Hoàng nhấn mạnh.
Tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng thường xảy ra ở đối tượng trẻ em và người lớn. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, trên 20 phút thì cơ thể bị xáo trộn nhiều sẽ dẫn đến những biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, có thể ngất xỉu, nặng hơn là co giật, tổn thương não. Do đó, cha mẹ nếu thấy trẻ xuất hiện tình trạng này cần đưa bé vào chỗ mát, dùng khăn mát lau, cho bé uống nước, tránh chườm đá, dùng nước lạnh xối vào người vì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm nhịp tim tăng lên, dễ gây đột quỵ, tổn thương não ở trẻ.
Cha mẹ cần bảo vệ trẻ trước tác hại của nắng nóng.
Về vấn đề cho trẻ bơi trong mùa nắng nóng, bác sĩ Hoàng cho rằng bơi là bộ môn tốt nhưng lưu ý không cho trẻ bơi vào thời điểm từ 10 giờ trưa -2 giờ vì lúc này tia cực tím tập trung nhiều, gây hại đến trẻ. “Việc dùng máy lạnh cũng cần lưu ý không để nhiệt độ quá lạnh chỉ khoảng 27-28 độ C. Lưu ý tránh việc bước vào phòng lạnh ngay khi vừa ở ngoài nắng vào, dẫn đến tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Tuy nhiên, không phải tránh tác hại nắng nóng là chỉ ở trong nhà, không ra đường vì như thế cơ thể bé rất dễ bị thiếu vitamin D. Bé có thể được cho ngoài trời lúc nắng dịu, thời gian từ 7h-8h sáng, trong khoảng 20-30 phút, như thế sẽ an toàn hơn”, bác sĩ Hoàng thông tin.
Nếu trẻ đã bị tiêu chảy, ho sốt, Bác sĩ Hoàng khuyến cáo cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến Bệnh viện khám bệnh,không nên tự mua thuốc ở nhà để điều trị.