Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Khởi tố nguyên Giám đốc Trương Quý Dương
- Thứ sáu - 24/08/2018 14:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cũng theo thông tin từ cơ quan Công an tỉnh Hòa Bình, ông Trương Quý Dương bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, vào chiều nay (28/5), luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình trong vụ án liên quan đến sự cố y khoa tại bệnh viện) đã đưa ra một loạt kiến nghị với HĐXX.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, khi làm việc với luật sư, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã rất thẳng thắn, không che giấu, với tinh thần cầu thị.
Theo luật sư, ngày 25/5/2017, ngay sau khi ký Hợp đồng số 315 với BVĐK tỉnh Hòa Bình về sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2, Công ty Thiên Sơn đã bán thầu trái phép cho Công ty Trâm Anh, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu. Do đó, Công ty Thiên Sơn phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc gây ra sự cố y khoa làm 9 người tử vong.
Ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấm Công ty Thiên Sơn tham gia bất kỳ các hoạt động đấu thầu nào trong thời hạn 3 năm, là thời hạn tối đa theo quy định của Luật Đấu thầu”, luật sư Huế nói.
Thay mặt BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Huế cũng đề nghị HĐXX kiến nghị khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn để răn đe và cũng là để an ủi gia đình các nạn nhân.
Đối với cá nhân nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình là ông Trương Quý Dương, luật sư Huế cho rằng vụ án này có lỗi rất lớn của ông Dương.
"Làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong sự việc này cũng là bảo vệ uy tín cho bệnh viện. Đâu là lỗi của Bệnh viện thì Bệnh viện sẵn sàng chấp nhận, nhưng đâu là lỗi của cá nhân thì đề nghị HĐXX xem xét...
Để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này, ông Dương hoàn toàn phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu theo Luật Công chức. Tại sao vụ án xảy ra từ rất lâu nhưng VKS không hề đề cập đến trách nhiệm cá nhân người đứng đầu? Đề nghị VKS trả lời về vấn đề này", luật sư Nguyễn Danh Huế nói.
Về Thông tư 15 của Bộ Y tế trong việc xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập, luật sư Huế cho rằng có rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật đặt ra ở đây. Chẳng hạn như tại sao bệnh viện không mời các đối tác có năng lực mà chỉ có một mình Công ty Thiên Sơn.
Đáng chú ý, tỉnh Hòa Bình là tỉnh rất khó khăn, đời sống của hầu hết nhân dân còn khó khăn, nhưng giá mỗi ca chạy thận lại cao gấp đôi so với mức giá tại Bệnh viện Bạch Mai. Mức giá trung bình trong chạy thận hiện nay chỉ 3,5-4 USD/1 ca chạy thận, nhưng ở BVĐK tỉnh Hòa Bình là 7,7 USD.
“Chúng tôi không dám nói đây là vi phạm pháp luật nhưng đề nghị HĐXX xem xét. Báo cáo tài chính của Bệnh viện là luôn luôn lỗ ở đơn nguyên Thận nhân tạo. Hiệu quả với bệnh viện là không có, bệnh nhân phải chi trả cao, còn Thiên Sơn được thu tiền với giá cao. Trong việc này trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn”.
Luật sư Huế cũng đề nghị HĐXX buộc ông Dương phải bồi thường thay cho bệnh viện trong trường hợp bệnh viện bị tuyên phải bồi thường, vì lỗi này hoàn toàn là lỗi của người đứng đầu, tức là ông Trương Quý Dương.
Cuối cùng, thay mặt BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Huế đề nghị HĐXX tuyên bác sỹ Hoàng Công Lương vô tội và xem xét giảm nhẹ mức án thấp nhất cho hai bị cáo Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn.
“Lịch sử đã vô tình trao cho quý vị ngồi đây cơ hội thực thi công lý, mong rằng HĐXX sẽ có những phán quyết công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, góp tay xây dựng nền y tế Việt Nam minh bạch, hiệu quả, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân”, luật sư Nguyễn Danh Huế nói.
Được biết, trong ngày hôm qua (28/5), nhân ngày giỗ đầu các nạn nhân, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã đến thắp hương cho các nạn nhân tử vong. Người nhà nạn nhân cũng tố ông Trương Quý Dương chưa từng đứng ra chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân. Thâm chí, họ cho biết đến nay vẫn chưa biết “mặt ngang, mũi dọc” ông Dương ra sao.