Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Sốt virus hoành hành, dấu hiệu nhận biết bệnh ai cũng cần biết tránh biến chứng nguy hiểm

Sốt virus hoành hành, dấu hiệu nhận biết bệnh ai cũng cần biết tránh biến chứng nguy hiểm
Khi bị sốt virus nếu chủ quan, điều trị không đúng cách sẽ rất nguy hiểm, gây biến chứng nặng nề.

Sốt virus lây lan nhanh chóng

Những ngày vừa qua thời tiết thay đổi khiến không chỉ trẻ nhỏ và cả người lớn cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, sốt virus là căn bệnh mọi người cần phải đặc biệt chú ý, bởi tốc độ lây lan của căn bệnh này khá nhanh.

Ths.BS Vũ Thị Thúy Lan (nguyên Trưởng khoa Hô hấp nhi Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, sốt virus không phải bệnh theo mùa, tuy nhiên, bệnh thường hay xuất hiện vào mùa hè, khi thời tiết thay đổi và hay gặp nhất ở đối tượng trẻ em.

Theo cảnh báo của BS Thúy Lan, sốt virus dễ lây lan trong quần thể tập trung, nhất là ở những nơi tụ tập đông người, hay ở các bể bơi…Đặc biệt, bệnh thường hay gặp hơn ở những trẻ có sức đề kháng yếu.

Nếu  chủ quan khi trẻ bị sốt sẽ rất dễ gây biến chứng nguy hiểm.

Khi trẻ bị sốt, các bậc phụ huynh cần phải chú ý một số dấu hiệu nhận biết để phân biệt giữa trẻ bị sốt virus và sốt do những nguyên nhân khác. Theo đó, trẻ bị sốt virus thường là sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C, đi kèm theo đó là một số các dấu hiệu khác như:

- Đau cơ bắp: Khi sốt virus, một số trẻ bị đau nhức khắp mình mẩy, cơ bắp; trẻ nhỏ hay quấy khóc, đau đầu. Tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch.

- Phát ban: Ở một số bé thường bị nổi ban sau 2-3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn).

- Mắt nhìn mờ: Trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có ghèn (dử) mắt khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.

- Nôn: Trẻ thường nôn nhiều lần, nhất là sau bữa ăn.

Ngoài những dấu hiệu trên, một số triệu chứng thường gặp khác khi trẻ bị sốt virus là ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đi ngoài. Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.

Còn đối với người lớn, dấu hiệu đầu tiên khi bị sốt virus cũng là sốt cao đột ngột, cùng với đó là biểu hiện mệt mỏi, đau người, đặc biệt là đau các cơ. Đây là một trong những triệu chứng đặc hiệu nhất của sốt virus ở người lớn.

Ngoài ra, cần phải chú ý một số dấu hiệu khác như ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, phát ban dưới da…

Hãy thường xuyên theo dõi nhiệt độ cho trẻ để có phương án điều trị kịp thời.

Phải làm gì khi bị sốt virus

BS Thúy Lan cho rằng, khi bị sốt virus trẻ có thể khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu chủ quan thì sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng, đó là những biến chứng mà bệnh gây ra.

Thực tế, bác sĩ Lan đã thường xuyên chứng kiến việc bố mẹ quá chủ quan, không đưa con đi gặp bác sĩ, tới khi bé bị ốm tới ngày thứ 4-5 mới đưa đi khám. Lúc này, chỉ số nhiễm trùng của bé đã ở mức rất nặng và nguy hiểm.

Một số biến chứng thường gặp của sốt virus đó là, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, viêm cơ tim… Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.

Trẻ em nói riêng và tất cả mọi người nói chung, khi bị sốt virus bước đầu tiên là phải hạ sốt, nếu bị ho thì phải uống thuốc ho, cần uống nhiều nước và phải được nghỉ ngơi.

Khi trẻ bị sốt virus tuyệt đối không cho trẻ ra ngoài đi chơi, đi học,... sau khi uống thuốc, như thế sẽ rất nguy hiểm bởi nó tạo điều kiện cho những biến chứng xảy ra.

Với những trường hợp khi trẻ sốt cao trên 39 độ C, nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt, kèm theo đó là trẻ li bì, xuất hiện đau đầu, co giật thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế được được thăm khám kịp thời.

Còn nếu cắt được cơn sốt tại nhà, thì có thể chăm sóc ở nhà. Tuy nhiên, cần theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Khi ở nhà, cần phải giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tuyệt đối không đóng kín cửa phòng, không mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn cho trẻ...

Sốt virus hoành hành, bác sĩ hướng dẫn những nguyên tắc vàng để không bị lây bệnh
Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo mọi người cần lưu ý những nguyên tắc này để không bị lây sốt virus.
Bấm xem >>
Theo Lê Phương (Khám phá)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây