Sau cơn đau đầu tưởng bình thường, thanh niên đi khám sững sờ phát hiện bị đột quỵ
- Thứ hai - 14/12/2020 12:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đột quỵ người trẻ đang gia tăng, chớ coi thường cơn đau đầu bất chợt
Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện TƯQĐ 108) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận một nam thanh niên 28 tuổi, bị đột quỵ được chuyển lên từ tuyến dưới.
Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước đó nam thanh niên này đi làm về cảm thấy hơi đau đầu nên vào phòng nằm nghỉ. Tuy nhiên, cơn đau đầu ngày càng gia tăng khiến anh ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sau khoảng 2 tiếng không thấy con trai ra khỏi phòng, người mẹ vào đánh thức thì bất ngờ thấy con không phản xạ.
Ngay lập tức, gia đình đã đưa đến cơ sở cấp cứu, sau đó chuyển tuyến tới Bệnh viện TƯQĐ 108. Tại đây, sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ, hình ảnh chụp cho thấy mạch máu não của thanh niên này bị dị dạng. Các bác sĩ nhận định tình trạng nguy cấp, nếu để lâu, bệnh nhân có nguy cơ phù não, tăng áp lực của sọ, dẫn tới hôn mê, tử vong.
Bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Trước đó, tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận trường hợp một cô giáo còn rất trẻ đã tử vong vì đột quỵ. Điều đáng nói, dấu hiệu khởi phát của cô giáo trẻ này cũng chỉ là cơn đau đầu, sau đó ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, khi phát hiện đưa đến viện thì đã quá muộn, không thể cứu chữa được.
Hay như trường hợp của nghệ sĩ Chí Tài gần đây cũng bị đột quỵ, sau đó tử vong khiến không ít người thương xót. Qua các thống kê cho thấy, hiện số người bị đột quỵ và tử vong do đột quỵ đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Đặc biệt, thời điểm vào mùa lạnh, tỷ lệ người bị đột quỵ cũng có xu hướng gia tăng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện TƯQĐ 108) cho biết có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi, trong đó dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chảy máu não.
Dị dạng mạch máu não có thể bẩm sinh hoặc trải qua nhiều năm dị dạng mới hình thành. Hiện nay, chúng ta có 2 phương pháp khảo sát mạch não là chụp cộng hưởng mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não.
Khi chảy máu não do vỡ dị dạng mạch, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức, chỉ sau vài giây. Dấu hiệu thường gặp là đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, có thể rối loạn ý thức, tê, liệt nửa người tùy theo mức độ và vị trí chảy máu não. Tình trạng nặng, bệnh nhân có thể đột tử do phản xạ ngừng tim ngừng thở.
Ngoài dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, uống rượu bia,... cũng là nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi. Hiện mỗi năm gia tăng khoảng 2% người trẻ bị đột quỵ, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ gấp 4 lần.
Cẩn trọng khi trời chuyển lạnh
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 15/10 miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh với cường độ lớn nhất từ đầu mùa đông tới tay. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo những người mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, huyết áp,… cần hết sức đề phòng, nhất là người cao tuổi.
BS Anh Đào cho biết, thời tiết lạnh cần phải hết sức lưu ý để bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó trưởng khoa Nội (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, việc thay đổi thời tiết đột ngột khiến cơ thể không kịp thích ứng, từ đó gây nên nhiều hệ lỵ đối với sức khỏe. Theo đó, việc nhiệt độ giảm mạnh, khiến nguy cơ bị đột quỵ, các bệnh về hô hấp, hen suyễn có nguy cơ tái phát rất cao.
Riêng tại viện Bạch Mai, chỉ trong 20 ngày từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12/2020, trung tâm tiếp nhận 750 ca đột quỵ, trong đó nhiều ca nặng, tiên lượng xấu. Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng khoảng 15%-30%.
BS Anh Đào cảnh báo ngoài nguy cơ đột quỵ, một số bệnh về tim mạch ở người cao tuổi cũng gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó cần đặc biệt lưu ý bệnh tăng huyết áp kịch phát mỗi khi lạnh đột ngột do mặc không đủ ấm, phòng ngủ không kín gió, chăn, đệm không đủ chống rét, tắm nước lạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết chuyển lạnh, mọi người cần mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ nên có rèm hoặc kính che bớt gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều.
Mùa lạnh nếu có thể, nên lắp lò sưởi hoặc sử dụng bóng điện đỏ cho ấm. Chú ý không đưa bếp than tổ ong hoặc than củi vào sưởi rồi đóng kín cửa sẽ gây ngộ độc khí CO, một loại khí độc gây tử vong cao.
Với người cao tuổi cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh. Tuyệt đối không đi tập thể dục quá sớm vào buổi sáng, hoặc quá muộn vào buổi tối.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/sau-con-dau-dau-tuong-binh-thuong-thanh-nien-di-kham-...