Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nước mắt phía sau phòng phá thai: Bé gái ôm gấu bông, mang sẵn hộp đưa hài nhi về nhà​​​​​​​

Nước mắt phía sau phòng phá thai: Bé gái ôm gấu bông, mang sẵn hộp đưa hài nhi về nhà​​​​​​​
Có những trẻ vị thành niên đi đến phòng phá thai vẫn còn ôm theo gấu bông, thậm chí có trường hợp còn mang theo cả hộp nhựa để đưa thai nhi sau khi phá bỏ về nhà.

Clip những chia sẻ của bác sĩ về tình trạng nạo phá thai hiện nay.

8 giờ sáng, tại khoa Kế hoạch hóa gia đình (BV Phụ sản Hà Nội), các hàng ghế chờ đã không còn chỗ trống. Khu vực nạo hút thai, tất cả bàn làm thủ thuật đều kín.

Trước cửa phòng thủ thuật, ngoài những bà bầu đang chờ đợi được gọi tên còn có những người đàn ông đeo khẩu trang, gục mặt xuống ghế như để trốn tránh ánh nhìn của người xung quanh.

Ngoài phòng phá thai là những hình ảnh thanh niên gục mặt xuống ngồi chờ, họ như muốn trốn tránh ánh nhìn của mọi người.

Đau xót hơn, trong số đó có cả những bà mẹ đưa con đang ở tuổi vị thành niên đi phá thai. Ở cái tuổi 14 – 15 các cháu còn quá nhỏ, không thể đến phòng phá thai một mình, vì theo quy định cần phải có người bảo lãnh.

Ôm túi đồ lỉnh kỉnh ngồi trước cửa phòng phá thai, gương mặt bà Mai thất thần, ánh mắt không rời khỏi căn phòng nơi con gái tên Lan chưa đầy 16 tuổi, mang thai 19 tuần, đang được các bác sĩ làm thủ thuật.

Cô gái sau khi phá thai cố gắng gượng ăn từng thìa cháo nhỏ để lấy lại sức.

Bên cạnh bà Mai là hai cô gái còn rất trẻ, họ là bạn thân của nhau. Một người với sắc mặt mệt mỏi, mặc bộ đồ dành cho sản phụ, đang cố ăn từng thìa cháo nóng. Bên cạnh, người bạn thân động viên bạn cố gắng ăn để nhanh lại sức.

Khi đến phòng phá thai, nhiều người mang sẵn cả những chiếc hộp để xin đưa thai nhi về nhà, họ không muốn đứa trẻ trở thành rác bệnh viện.

Sau gần 1 tiếng làm thủ thuật, cánh cửa căn phòng đầu tiên đã hé mở, chiếc xe đẩy một người phụ nữ có thân hình nhỏ bé, mặt tái mét ra ngoài. Nhận ra đó là con gái mình, bà Mai vội ôm túi đồ chạy theo xe đẩy vào phòng hậu phẫu.

Kể từ khi con gái được đưa vào phòng hậu phẫu, bà Mai liên tục ra vào, lúc lấy cốc nước, lúc lại mang vào hộp cháo. Khi con gái đủ điều kiện để xuất viện, bà Mai vội chạy ra nơi để đồ, lấy ra một chiếc hộp nhỏ đã chuẩn bị sẵn, xin ý kiến bác sĩ để đưa cái thai 19 tuần của con gái về cùng.

Hình ảnh người mẹ cầm chiếc hộp vào xin bác sĩ mang thai nhi về khiến nhiều người không khỏi xót xa

Tỷ lệ đến nạo phá thai, sau đó xin đem thai nhi về nhà không nhiều, chỉ chiếm khoảng 7%.

Khi rời bệnh viện, chúng tôi giúp bà xách túi đồ ra cổng. Vừa dìu con gái ra taxi, bà Mai vừa nói vội vàng: “Dù sao cháu cũng đã có hình hài, tôi không đành để cháu ở lại đó, nên làm thủ tục xin cháu mang về, rồi đưa lên một ngôi chùa nhờ an táng”.

Có mặt từ rất sớm tại khoa Kế hoạch hóa gia đình, một gia đình khác khoảng 5 người cùng nhau đến phòng phá thai, họ đến để chia sẻ động viện người thân của mình vượt qua nỗi đau khi mất đứa con 14 tuần, chết lưu trong bụng mẹ.

Vợ vào phá thai do chết lưu, chồng ngồi cầm tờ bệnh án chờ ngoài phòng thủ thuật.

Nhiều gia đình vì thai bị dị tật hoặc chết lưu, họ phải đau xót bỏ đi đứa con đang lớn dần trong bụng mẹ

Người phụ nữ mất con ấy năm nay ngoài 30 tuổi, hai vợ chồng lấy nhau đã hơn 5 năm, chạy chữa khắp nơi mới có thai. Dù gia đình dành mọi sự chăm sóc cho người phụ nữ và đứa con trong bụng, nhưng vẫn không hiểu vì sao đứa con lại chối bỏ sự yêu thương, ra đi từ trong bụng mẹ.

Giữa trưa, khi mọi thủ thuật và thủ tục đã xong xuôi, cả gia đình dìu nhau rời khỏi bệnh viện, người phụ nữ mất con khóc nấc chẳng nói nên lời. Những người thân đi bên cạnh dù đau buồn, nhưng họ phải cố nén lại cảm xúc và động viên nhau cố gắng vượt qua, nay mai niềm vui lại đến.

Giờ làm việc buổi sáng của bác sĩ Lương Tâm Phúc – Trưởng khoa Kế hoạc hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) kết lúc vào lúc 12h30 phút. Dành chút ít thời gian ngắn ngủi chia sẻ với chúng tôi, BS Phúc cho biết: “Chỉ một buổi sáng tôi đã thực hiện 60 ca phá thai nội khoa (phá thai to)”.

Bác sĩ cho biết, có những buổi sáng phải xử lý 60 trường hợp đến phá thai nội khoa

BS Phúc chia sẻ, những người đến phá thai mỗi người một hoàn cảnh, và hai trường hợp như ở trên không phải là hiếm gặp. Theo bác sĩ Phúc, tất cả những trường hợp đến đăng ký phá thai, các bác sĩ luôn động viên nên giữ lại.

Có những trường hợp họ nghe theo bác sĩ giữ lại thai, nhưng con số đó không nhiều. Đa số họ đều kiên quyết bỏ thai và mỗi người đều đưa ra những lý do của riêng mình.

Những người đến xin tư vấn phá thai, ai cũng có lý do của riêng mình.

Trong số những trường hợp đến phá thai, có lẽ câu chuyện đau lòng nhất đó chính là những bé gái tuổi vị thành niên được mẹ đưa đến để phá thai. BS Nguyễn Thị Bích Ngọc – người có thâm niên 3 năm tư vấn cho các trường hợp đến phá thai chia sẻ, bản thân chị đã gặp những trường hợp bé gái đến phá thai mang theo cả gấu bông, các cháu vẫn chưa hề biết gì về mang thai, chửa đẻ.

BS Ngọc ám ảnh với những bé gái tuổi vị thành niên đến xin được tư vấn phá thai.

Đó là một trường hợp bé gái 14 tuổi, trong 1 năm hai lần đến khoa Kế hoạch hóa gia đình để phá thai. Điều đáng nói, khi đến bệnh viện cháu bé đều không biết mình mang thai từ khi nào, lúc gia đình phát hiện ra thì thai đã quá to. Khi lên bàn phá thai, bé gái vẫn hồn nhiên như đi khám chữa bệnh bình thường.

Hay như một trường hợp khác, cũng là một bé gái 14 tuổi (Hà Nội), mang thai 26 tuần mẹ mới phát hiện ra và đưa đến bệnh viện nhờ các bác sĩ tư vấn bỏ thai.

“Hình ảnh tôi nhớ mãi, đó là khi đến phá thai, em bé ấy cứ ôm khư khư con gấu bông trong tay. Cháu còn quá hồn nhiên, ngây thơ và chưa có kiến thức gì về sức khỏe sinh sản”, BS Ngọc chia sẻ.

Hình ảnh BS Ngọc nhớ mãi đó là một bé gái 14 tuổi đến phá thai vẫn còn ôm theo con gấu bông

BS Lương Tâm Phúc cho rằng, việc phá thai dù là ở độ tuổi nào, dù là phá ở cơ sở công lập hay phòng khám tư đều không tốt đối với sức khỏe người phụ nữ.

Đặc biệt với trẻ vị thành niên, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, sức khỏe và sinh sản sau này. “Đã có nhiều trường hợp vô sinh hoặc bị trầm cảm vì nạo phá thai. Đây thật sự là vấn đề đáng cảnh báo”, BS Phúc chia sẻ.

Tuy nhiên, không thể giảm tỷ lệ nạo phá thai trong một sớm, một chiều mà cần phải có kế hoạch dài hơi. Đó là giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuyên truyền cộng đồng việc quan hệ tình dục an toàn, để tránh có thai ngoài ý muốn. “Chỉ khi nào nhận thức về tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản của người dân được nâng cao, khi có mới hy vọng giảm được tỷ lệ nạo phá thai”, BS Phúc kết luận.

Ngôi mộ chôn 30.000 thai nhi và câu hỏi đau lòng: Sao mẹ không cho con sống để làm người?
Hơn 10 năm qua, bà Nhiệm đã thu nhặt hàng trăm nghìn thai nhi bị nạo phá, bỏ rơi về an táng và cứu giúp nhiều cô gái mang thai ngoài ý muốn sinh con...
Bấm xem >>
Theo Lê Phương (Khám phá)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây