Những thói quen sai lầm trong việc bảo quản thực phẩm
- Thứ bảy - 17/12/2016 00:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại đa số chúng ta đều không biết rằng một vài thói quen bảo quản thực phẩm hằng ngày tưởng chừng như bình thường lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ bản thân. Nếu bạn đang bảo quản thực phẩm bằng những cách sau, hãy thay đổi ngay từ bây giờ.
Có những cách bảo quản thực phẩm mà nếu không chú ý, bạn vô tình làm hại sức khỏe của chính mình.
1. Dùng lồng bàn che, đậy thức ăn
Bạn cho rằng việc dùng lồng bàn che, đậy thức ăn đã đủ giữ thức ăn luôn được vệ sinh và sạch sẽ? Trên thực tế, điều này có thể giữ thức ăn không bị các con vật bò lên, nhưng vẫn có những mối nguy hại khác. Lồng bàn có những rãnh thưa, ruồi có thể đậu lên và đẻ trứng. Qua những rãnh thưa đó, trứng ruồi rơi vào thức ăn. Ăn phải thức ăn như vậy, bạn dễ bị các bệnh về tiêu hoá, nhiễm trùng đường ruột và một số bệnh giun sáng. Thay vì dùng lồng bàn, bạn có thể bọc đồ ăn và cất trong tủ lạnh.
Bạn cho rằng việc dùng lồng bàn che, đậy thức ăn đã đủ giữ thức ăn luôn được vệ sinh và sạch sẽ?
2. Không đậy nắp thức ăn thừa
Nhiều người vẫn có thói quen để thức ăn trong dĩa rồi cho vào tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu không đậy nắp thức ăn còn dư trước khi để vào tủ lạnh, bạn đã vô tình khiến tủ lạnh có mùi khó chịu. Từ đó tạo môi trường cho vi khuẩn dễ phát triển và xâm hại trực tiếp vào thức ăn của bạn. Vì vậy, nếu muốn giữ lại thức ăn thừa, hãy đặt chúng vào hộp nhựa có nắp đậy hoặc dùng màng bọc thực phẩm.
Nhiều người vẫn có thói quen để thức ăn trong dĩa rồi cho vào tủ lạnh.
3. Trữ thức ăn nấu chín trong tủ lạnh quá lâu
Hầu hết mọi người đều cất thức ăn cũ trong tủ lạnh, để lâu rồi dùng dần. Tuy nhiên, việc làm này là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nhiều người cho rằng họ đã ngửi và nếm thức ăn lấy từ tủ lạnh ra trước khi sử dụng. Trên thực tế, sự tồn tại của vi khuẩn gây ngộ độc không hề làm biến đổi mùi vị hay tính chất của thức ăn. Nếu bạn muốn lưu trữ thức ăn còn dư, hãy đặt chúng vào ngăn đá và cố gắng sử dụng trong khoảng 3 - 4 ngày đó. Sau khoảng thời gian này, nếu bạn vẫn tiếp tục sử dụng thức ăn, chúng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.
Hầu hết mọi người đều có thói quen cất thức ăn cũ trong tủ lạnh, để lâu rồi dùng dần.
4. Cất, giữ khoai lang, khoai tây và hành tây trong tủ lạnh
Chúng ta vẫn có thói quen cất khoai lang, khoai tây và hành tây trong ngăn mát tủ lạnh. Và bạn cần ngưng ngay hành động này, đặc biệt là đối với khoai tây. Khi được bảo quản trong tủ lạnh, tinh bột khoai tây sẽ bị chuyển hoá thành đường. Trong quá tình chế biến, đường từ khoai tây kết hợp với axit amin asparagin tạo thành hợp chất hóa học Acrylamide, một trong những nguyên nhân gây ra ung thư.
Việc lưu trữ khoai lang, khoai tây và hành tây trong ngăn mát tủ lạnh là thói quen của không ít người.
Không nghiêm trọng như khoai tây, nhưng cất, giữ khoai lang và hành tây trong tủ lạnh sẽ khiến sự lưu thông khí bị giảm chất lượng, chúng sẽ nhanh hỏng và nhanh thối hơn. Bạn có thể để 3 loại củ này ở nơi thoáng mát, khô ráo và không bọc kín trong túi nilon.
5. Tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh
Không chỉ cất, giữ đồ ăn nấu chín quá lâu mà tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh cũng khiến không khí bên trong không thể lưu thông, dẫn đến tình trạng nóng lên tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Nếu không thể giảm bớt số lượng thực phẩm cần lưu trữ, bạn hãy nhớ chỉnh nhiệt độ thấp xuống để đảm bảo không khí bên trong luôn giữ cho thực phẩm tươi xanh.
Bạn hãy nhớ chỉnh nhiệt độ thấp xuống để đảm bảo không khí bên trong luôn giữ cho thực phẩm tươi xanh.
Hầu hết chúng ta đều mắc phải những thói quen bảo quản thực phẩm sai lầm trên. Hãy tập thay đổi những thói quen này ngay bây giờ để bảo vệ sức khoẻ bản thân cũng như gia đình.