Nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi, chuyên gia chỉ cách phòng bệnh từ trong bụng mẹ
- Thứ tư - 20/02/2019 18:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những tháng đầu năm 2019, tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố lớn.
Riêng tại Hà Nội, số lượng ca sởi tăng đột biến với 192 ca bệnh sởi từ đầu năm đến nay. Trong khi hai tháng đầu năm ngoái chỉ ghi nhận 22 ca. Thậm chí có thời điểm, chưa đầy 1 tuần Hà Nội ghi nhận có tới 78 trường hợp bị sởi.
Ngoài Hà Nội, Bộ Y tế cũng cảnh báo, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.
Một vấn đề cũng khiến nhiều người có con nhỏ lo lắng đó là số bệnh nhi phải nhập viện điều trị sởi dưới 9 tháng tuổi, độ tuổi chưa được thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi đang có xu hướng gia tăng.
Bệnh nhi 7 tháng tuổi mắc sởi đang được điều trị tại BV Đa khoa Hùng Vương.
Điển hình như trường hợp bệnh nhi T.M.C (7 tháng tuổi, có địa chỉ tại Đoan Hùng – Phú Thọ) phải nhập viện đa khoa Hùng Vương điều trị sởi với biểu hiện sốt cao (38 độ 5), kèm theo chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân, nhiều nhất vùng mặt, ngực, bụng, lưng. Hiện tại bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Nội – Nhi – Đông y bệnh viện.
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với những trẻ dưới 9 tháng tuổi thường có miễn dịch phòng bệnh truyền từ mẹ sang con (truyền từ sữa mẹ). Tuy nhiên, với người mẹ chưa có miễn dịch (chưa tiêm phòng, chưa từng mắc sởi) thì trẻ sinh ra sẽ rất dễ mắc bệnh.
Ở độ tuổi này, nếu trẻ bị sởi rất dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hơn nữa, việc điều trị và chăm sóc trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Để phòng bệnh, PGS Kính khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vắc xin phòng bệnh Sởi – quai bị - rubella; Thủy đậu; Cúm để tạo miễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.
Ngoài ra, người dân chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ...
Với các cơ sở y tế, cần đề phòng lây nhiễm chéo. Theo đó, cần phải kiểm soát chặt trẻ, thành lập khu điều trị cách ly riêng khi có bệnh nhân mắc sởi vào điều trị.
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện sốt; phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viếm kết mạc mắt; viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi, khò khè, khó thở,…) thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi. Khi đó cần cách ly ở nhà, chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng thật tốt, hạ sốt và cho trẻ nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa.
Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để tránh biến chứng.