Nam thanh niên khỏe mạnh tử vong khi chạy bộ: dừng ngay nếu thấy dấu hiệu này khi vận động
- Thứ bảy - 19/01/2019 11:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, thông tin một vận động viên bất ngờ gục ngã sau đó tử vong tại giải chạy HCMC Marathon 2019 tại TP.HCM khiến không ít người hoang mang lo lắng. Theo thông tin ban đầu, VĐV tử vong là V.V.T. (23 tuổi) bất ngờ ngã ngục khi đang chạy. Dù sau đó, T. đã được các bác sĩ cấp cứu nhưng nam VĐV này đã không qua khỏi. Hiện nguyên nhân khiến T. tử vong vẫn đang phải chờ kết quả giám định pháp y.
Trước sự việc trên, trao đổi với chúng tôi TS Võ Tường Kha – GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, bất kể hoạt động thể thao nào, nhất là những giải thể thao chuyên nghiệp nếu VĐV không được kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu cũng đều tiềm ẩn nguy cơ tới sức khỏe. Thậm chí là tử vong.
Các vận động viên phải tham gia khám sức khỏe trước khi thi đấu.
Chính vì thế, việc lựa chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe và kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia hoạt động thể thao là điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt, những giải đấu chuyên nghiệp việc kiểm tra càng phải được thực hiện bởi các bệnh viện và bác sĩ chuyên ngành theo những tiêu chuẩn rất khắt khe.
“Với các vận động viên chuyên nghiệp, trước khi bước vào thi đấu nếu chưa được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng thì sẽ không được tham gia”, BS Kha nhấn mạnh.
Theo đó, khi kiểm tra sức khỏe các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực chuyên sâu. Trong kiểm tra chuyên sâu sẽ bao gồm các xét nghiệm sinh hoá, huyết học, các bài kiểm tra thể lực, đặc biệt là các bài kiểm tra gắng sức, đánh giá sự chịu đựng của hệ thống tim mạch, huyết áp, hô hấp, hệ thống vận động. Nếu các bài kiểm tra đánh giá tiệm cận ngưỡng tối đa của cơ thể mà VĐV qua được thì thi đấu mới an toàn.
“Những trường hợp VĐV có bệnh lý tiềm tàng về tim mạch, huyết áp, hô hấp có nguy cơ rất cao có thể bị đột quỵ ngay trên đường chạy”, TS Kha cho hay.
TS Võ Tường Kha -GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
Ngoài ra, GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng khuyến cáo các VĐV khi tham gia chạy đường dài sẽ mất nhiều năng lượng. Vì thế cần phải bổ sung bằng cách mang theo nước khoáng bù điện giải, nước đường, bánh ăn liền hoặc thực phẩm tiêu hoá nhanh để bổ sung ngay khi cần thiết, tránh bị mất nước, tụt đường huyết.
Đặc biệt, khi đăng ký chạy cũng phải lựa chọn cự ly phù hợp với thể trạng cơ thể, khởi động kỹ trước khi chạy và không nên cố gắng sức khi thấy cơ thể quá tải để tránh trụy tim, đột quỵ.
“Khi đang hoạt động thể thao nếu thấy các dấu hiệu như chóng mặt, đau ngực, đánh trống ngực, đau nhức cơ khớp... thì nên ngừng hoạt động ngày vì đó là các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang quá sức”, TS Kha cảnh báo.
Cuối cùng TS Kha chia sẻ, thể dục thể thao có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng tập sao cho đúng và phù hợp với cơ thể mới là điều quan trọng. Đối với những môn thể thao đòi hỏi nhiều thể lực, vận động mạnh thì các đối tượng mắc bệnh tim mạch, bệnh lý đường hô hấp, cơ xương khớp... không nên tham gia.