Mẹ mang thai tuần 32 bất ngờ ra máu, đi khám chết lặng khi nghe kết luận của bác sĩ
- Chủ nhật - 13/05/2018 23:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tưởng chỉ động thai, hóa ra ung thư
Mang thai ở tuần 32, chị Đ.T.L (ở Hà Nội) tự nhiên thấy máu ra. Lo sợ mình bị động thai, dọa sẩy nên chị đi khám. Gia đình đưa chị nhập viện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sỹ tìm các nguyên nhân nhưng không thấy chị có vấn đề gì về thai nghén.
Sau đó có khám đường âm đạo thì thấy cổ tử cung của chị có tổ chức sùi. Lúc đầu lo sợ gây sẩy thai, chị L rất ngại khám phụ khoa và càng không muốn làm sinh thiết, xét nghiệm. Khi được bác sỹ tư vấn kỹ, chị quyết định bấm sinh thiết và kết quả cho thấy chị bị ung thư cổ tử cung giai đoạn II và buộc phải lựa chọn hoặc là tính mạng của mình hoặc là thai nhi. Cuối cùng, chị đành phải đình chỉ thai nghén ở tuần thứ 34 và tiến hành cắt cổ tử cung.
Chị em cần khám định kỳ để tầm soát ung thư cổ tử cung. Ảnh: TL
Trường hợp của chị V.T.H (23 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) cũng thật đáng tiếc khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Sau một lần quan hệ, chị thấy có những vết máu chảy ra từ bộ phận sinh dục nhưng không để ý. Thế nhưng, hiện tượng đó lại xuất hiện thêm vài lần nữa, chị mới vào viện khám để tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi khám, các bác sỹ phát hiện chị bị nhiễm virus HPV tuýp 16 và đã có tổn thương biểu mô vảy mức độ cao.
Mắc bệnh ở giai đoạn đầu, khi đó chị chưa có con nên các bác sỹ đã cân nhắc rất kỹ và quyết định cắt hết tổn thương tại chỗ đi rồi tư vấn để chị vẫn có thể mang thai. Một thời gian sau, chị có thai, các bác sỹ phải khâu vòng cổ tử cung để giữ được thai vì đã cắt cổ tử cung. Khi chia sẻ, chị H đã rất tiếc vì đã không tiêm phòng HPV sớm.
ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thanh - Phó Trưởng khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung một khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục.
Ung thư cổ tử cung phát triển vô cùng chậm, ở giai đoạn đầu gần như bệnh nhân không có biểu hiện gì. Muộn hơn, có xuất hiện một vài triệu chứng nhưng rất mờ hồ như mệt mỏi, quan hệ tình dục ra máu, kém ăn, sụt cân nhưng nhiều người vẫn nghĩ do suy nhược cơ thể, áp lực công việc hàng ngày chứ không phải là do bệnh tật từ bên trong.
“Đa phần các trường hợp chỉ đến khi viêm nhiễm phụ khoa, ra khí hư, khó chịu mới đi khám. Sau khi khám, tư vấn làm sàng lọc… mới phát hiện ra bị ung thư cổ tử cung. Khi xuất hiện các biểu hiện như ra máu bất thường mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn 2 trở đi.
Chỉ tính riêng trong tháng 4 năm nay, Khoa khám chuyên sâu sản phụ khoa (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đã tiếp nhận gần 500 trường hợp sàng lọc virus HPV, trong đó có 29 ca dương tính với chủng HPV tuýp nguy cơ cao, ngoài ra là các bệnh phụ khoa khác”, BS Thanh cho hay.
Ai nên đi sàng lọc ung thư?
BS Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết, nguyên nhân chính gây ra bệnh là do nhiễm dai dẳng HPV (virus gây u nhú ở người). Có hơn 100 chủng HPV, trong đó chủng 16 và 18 dẫn đến 70% trường hợp ung thư cổ tử cung; chủng 6 và 11 dẫn đến 90% trường hợp mụn cóc sinh dục.
Ung thư cổ tử cung có thể ngăn ngừa nếu chúng ta phát hiện nguy cơ bệnh sớm. Nếu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, khu trú tại chỗ tỷ lệ điều trị thành công 93%. Tuy nhiên, khi ung thư phát hiện ở giai đoạn trễ thì tỷ lệ trị khỏi chỉ 15%.
Hiện có các phương pháp sàng lọc phát hiện bệnh gồm: Xét nghiệm tế bào cổ tử cung và Xét nghiệm cobas HPV - xét nghiệm chính ban đầu (xét nghiệm đầu tay) trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV giúp bác sỹ đánh giá xem người phụ nữ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung hay không, để từ đó có hướng theo dõi và xử lý thích hợp, kịp thời.
Bởi vậy, phụ nữ cần tạo thói quen đi khám sức khoẻ sản phụ khoa định kỳ hằng năm và làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Đây là xét nghiệm tìm kiếm những tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung, là những tế bào bắt đầu có những biến đối đầu tiên và chúng ta có thể bắt đầu tầm soát xét nghiệm này từ tuổi 21.
Ngoài xét nghiệm PAP, nên làm thêm xét nghiệm tìm virus HPV ở cổ tử cung (HPV test) vì đây là nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung. Nếu xét nghiệm PAP bình thường, nguy cơ biến đổi tế bào để xuất hiện ung thư cổ tử cung là rất thấp. Phụ nữ từ 30 tuổi hoặc hơn nên làm thêm HPV test song song với PAP test. Nếu cả hai xét nghiệm bình thường thì chỉ cần làm lại các xét nghiệm sau mỗi 3 năm.
Hiện nhiều phụ nữ có sai lầm rằng đã nhiễm virus HPV không cần tiêm vaccine nữa. Thực tế, virus HPV có nhiều chủng nên việc tiêm vaccine vẫn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi các chủng HPV khác. Tiêm vaccine phòng bệnh giúp tạo kháng thể đủ mạnh để phòng ngừa nhiễm và tái nhiễm HPV.
Ngoài ra, phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc đã lập gia đình vẫn nên tiêm vaccine phòng HPV để phòng tái nhiễm hoặc phòng các chủng HPV chưa bị nhiễm. Song song với việc tiêm vaccine, bạn cũng nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP để tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Các chuyên gia khuyến cáo, các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung gồm có nhiều con, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, mắc bệnh lây lan tình dục, hệ miễn dịch yếu (HIV, AIDS), hút thuốc…
Phụ nữ trên 30 tuổi đã có vài con hoặc nhiều con nên bắt đầu biết lo ung thư cổ tử cung. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp… Việc điều trị sẽ càng khó khăn và tốn kém ở giai đoạn muộn.
ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết: Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, đối với phụ nữ khi đã quan hệ tình dục, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Nên tiêm ngừa vaccine chống ung thư cổ tử cung trong độ tuổi quy định (9-26 tuổi) và nếu có các dấu hiệu bất thường thì phải đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm. |