Mẹ đơn thân xung phong vào tâm dịch COVID-19: “Tôi cố mạnh mẽ mỗi khi gọi về cho con gái”
- Chủ nhật - 06/06/2021 07:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Võ Thị Hoài Thương - là một trong 6 nữ điều dưỡng của BV Đà Nẵng chi viện đến tâm dịch Bắc Giang để chống COVID-19. Trong quá trình làm việc ở đây, mọi khó khăn, nỗ lực chị đều khắc phục được, duy chỉ nỗi nhớ con là luôn da diết trong tâm trí người mẹ này.
Năm nay 37 tuổi, chị Thương đã là mẹ đơn thân hơn 10 năm nay khi chồng chị không may gặp tai nạn mất sớm. Từ khi chồng mất, hai mẹ con chị Thương nương tựa vào nhau để sống, chị vừa làm mẹ vừa phải gánh trọng trách là cha. Thế nhưng từ khi có dịch COVID-19 bùng phát, người mẹ đơn thân này lại luôn là người xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Chị chia sẻ rằng, sở dĩ chị làm được điều đó là vì phía sau chị luôn có nguồn động lực lớn lao đó là con gái.
Ngày chị Thương lên đường đi chống dịch, con gái thủ thỉ với mẹ hãy yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Ngọc Mai/Bộ Y tế.
Có lẽ do hoàn cảnh một mẹ, một con nên con gái chị Thương sống tự lập từ bé. Ngày chị chia sẻ với con rằng sẽ đến Bắc Giang chống dịch, con gái chị thủ thỉ với mẹ rằng: “Mẹ cứ yên tâm đi và hoàn thành nhiệm vụ, con ở nhà có thể tự chăm lo được. Con lớn rồi chứ có còn bé nữa đâu”.
Trước ngày lên đường đi vào tâm dịch, chị Thương đã đưa con gái về nhà bà ngoại ở Quảng Nam để gửi gắm, bởi chị đi chống dịch chưa biết bao giờ sẽ trở về.
Tại Bắc Giang, mỗi khi xong nhiệm vụ chị lại gọi điện về cho con vì ở nơi xa xôi đó chị nhớ con vô cùng. Nghe giọng con, nhất là nhận được lời động viên của con, chị Thương muốn bật khóc nhưng cố kìm nén lại vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con. “Khi ấy tôi phải cố tỏ ra là người mạnh mẽ trước mắt con, vì nếu tôi khóc, con sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý”, chị nói.
Khi làm nhiệm vụ trong phòng bệnh, mặc đồ bảo hộ kín, thời tiết nóng bức người mất sức nhiều, rất mệt, nhưng chị Thương và các đồng nghiệp chỉ nghỉ ngơi 1-2 tiếng là lấy lại sức và tiếp tục công việc.
Tại Bắc Giang, sau khi Trung tâm Hồi sức tích cực 100 giường hoàn thiện, chị Thương được phân công hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc ca bệnh nặng tại Bệnh viện Phổi. Dù đã trải qua thời gian chống dịch ở Đà Nẵng nhưng lần này đến Bắc Giang, cảm nhận của chị rất khác so với lần dịch ở Đà Nẵng. “Khi làm việc ở Bắc Giang, điều khác nhất chắc phải kể đến khí hậu nắng nóng và khó chịu hơn Đà Nẵng. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trẻ, chuyển biến nặng rất nhanh nên thực sự nguy hiểm và áp lực cho đội ngũ y bác sĩ.
Chị Thương trong bộ quần áo bảo hộ chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, có thể đâu đó có người còn mang sự quan ngại, nhưng khi vào đến phòng bệnh nặng, nhìn thấy các bệnh nhân, mọi nỗi lo sợ không còn nữa. Lúc đó mình chỉ muốn làm sao thật tốt để họ thật khỏe chứ không nghĩ ngợi gì", điều dưỡng Thương tâm sự.
Dù điều trị ở nơi có nhiều bệnh nhân nặng nhưng chị Thương cũng có những kỷ niệm rất đáng nhớ. Trong ca trực tối ngày 4/6, có bệnh nhân nam phải lọc máu nhưng lúc đó vẫn tỉnh táo. Anh ngoắc ngoắc tay ra hiệu cho chị nhờ đưa đi tiểu tiện. Nhìn quanh phòng không thấy bô tiểu nam giới nên chị Thương đành lấy một chai dịch đã hết, cắt một lỗ rồi đưa để bệnh nhân đi vệ sinh.
Nói ra có thể mọi người thấy lạ, nhưng thực sự những điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân nặng thì chuyện như thế rất bình thường - nhất là khi họ là bệnh nhân COVID-19 nặng”, chị Thương chia sẻ.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-don-than-xung-phong-vao-tam-dich-covid-19-toi-co-m...