Hà Nội bắt đầu điều chỉnh giá gần 2.000 dịch vụ y tế: Người dân băn khoăn!
- Thứ sáu - 03/05/2019 18:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh
Mới đây, nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5.
Cụ thể, giá các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT chi trả, gồm: 10 dịch vụ khám, chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện sẽ được điều chỉnh.
Với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT đang được áp dụng giá dịch vụ chỉ tính mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Từ ngày 1/5, giá dịch vụ y tế áp dụng đối với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT được điều chỉnh tăng mức lương cơ sở vào giá, từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng.
Gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá áp dụng với người bệnh không có thẻ BHYT (Ảnh minh hoạ).
Trong số gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này ở Hà Nội, có một số dịch vụ điều chỉnh giảm, phần lớn được điều chỉnh tăng như: Giá giường điều trị/ngày hồi sức tích cực của Bệnh viện hạng I (như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang...), theo giá cũ là 632.000 đồng, thì theo giá mới từ 1/5/2019, con số này là 678.000; Tương tự, ngày giường hồi sức cấp cứu giá cũ là 336.000, giá mới là 411.000 đồng.
Dịch vụ chụp PET/CT mô phỏng xạ trị chưa bao gồm thuốc cản quang, người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần theo quy định (tối đa 80%), còn lại tự thanh toán gần 20,5 triệu đồng. Nếu chụp CT Scanner toàn thân từ 256 dãy không thuốc cản quang, người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế phải trả 6,6 triệu đồng.
Trước việc thay đổi này, lãnh đạo sở Y tế Hà Nội cho biết việc tăng giá các dịch vụ y tế là do mức lương cơ sở hiện đã điều chỉnh lên 1.390.000 đồng. Bên cạnh đó, bộ Y tế cũng vừa ban hành Thông tư 37 kèm theo mức tối đa của khoảng 1.937 dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Và việc tăng giá dịch vụ y tế lần này phù hợp với quy định chung, nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế.
Mức giá mới áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn.
Người dân băn khoăn
Liên quan đến thông tin này, chiều ngày 2/5, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã đến khoa khám bệnh của một số bệnh viện như Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức… lắng nghe tâm tư, chia sẻ của những người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Theo đó, ông T. (Hà Nam) đưa người nhà đến bệnh viện khám dịch vụ tại bệnh viện Bạch Mai: “Chúng tôi ở tỉnh lẻ lên Hà Nội thăm khám, cũng chưa kịp biết thông tin tăng giá dịch vụ y tế. Tôi không rõ mình có bị ảnh hưởng hay không, nhưng những người dân thường như chúng tôi thì cũng chỉ biết bác sĩ yêu cầu nộp bao nhiêu thì nộp thôi. Giá cả tăng có lo lắng đôi chút, nhưng nếu tăng chung thì chúng tôi chẳng biết kêu ai”.
Nhiều người dân bày tỏ ý kiến của mình về quy định nêu trên.
Gương mặt tỏ rõ sự mệt mỏi khi vừa đến viện khám bệnh, khi PV hỏi về phí dịch vụ y tế tăng, đặc biệt điều chỉnh lần này tác động đến người không sử dụng thẻ BHYT, ông Thành (Hà Nội) nói: “Tôi cũng không biết đến quy định này, nhưng có bệnh thì vái tứ phương, đắt mấy thì cũng vẫn phải chữa. Còn việc quy định áp dụng cho người không có thẻ BHYT tôi cho rằng như vậy là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh, vì như chúng tôi không có thẻ BHYT thì không thuộc đối tượng BHYT thanh toán, chịu thiệt thòi. Thế nhưng, việc tăng này, chất lượng dịch vụ có tăng hay không thì còn là một dấu hỏi”.
Cũng chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị H. (Hà Nội) thở dài: “Nếu giải thích như phía sở Y tế là nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế, vậy cho tôi hỏi người dân được lợi gì, nhà nước được hưởng lợi gì từ quy định này, hay đây lại là một cách áp đặt bắt những người không tham gia BHYT buộc phải tham gia. Trong khi đó, việc mua BHYT là tự nguyện vậy ra quy định này là ý gì?”.
Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với phóng viên, một cán bộ y tế ở một phường trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Hiện tại chúng tôi vẫn bán thẻ BHYT cho mọi người bình thường, nhiều người vẫn chưa biết đến quy định mới này. Còn những người không mua BHYT có nhiều lý do, như trên địa bàn phường tôi thì những người trong độ tuổi lao động vẫn còn đang khoẻ mạnh, ít khi khám bệnh nên không mua thẻ BHYT, hoặc về kinh tế của người tham gia BHYT khó khăn thì họ sẽ không mua (BHYT hiện tại là 751.000 đồng/người/năm).
Hoặc, trở ngại để người dân không tham gia bảo hiểm y tế đó là khi bạn có nhu cầu khám bệnh ở bệnh viện tuyến cao hơn, nhưng ở cơ sở bạn mua BHYT lại không có bệnh viện bạn muốn khám, nên có người sẽ không mua nữa, rơi vào khoảng 10-20%. Vì thế, sở Y tế Hà Nội đưa ra quy định này thì người không có thẻ BHYT sẽ bất lợi. Nhưng, như năm trước cũng có đợt tăng giá dịch vụ y tế và người không tham gia BHYT khi đi khám bệnh chi phí lên tới vài triệu đồng, khiến người bệnh sợ, xót tiền và lập tức phải mua ngay BHYT”.