Hà Nội:10 ca mắc tay chân miệng do nhiễm chủng EV71, các mẹ chú ý khi cho con ăn uống
- Thứ năm - 04/10/2018 12:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện nay, đã có ít nhất 6 trẻ tử vong do mắc bệnh tay chân miệng, ngoài ra có trên 52.000 trẻ khác được ghi nhân đã mắc căn bệnh này kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, một số tỉnh có số lượng trẻ mắc tay chân miệng tăng đột biến như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Còn tại Hà Nội, so với các năm trước số trẻ mắc tay chân miệng cũng đang có xu hướng gia tăng. PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính từ đầu năm đến này đã có trên 200 trường hợp mắc tay chân miệng. Đặc biệt, trong số các trẻ mắc căn bệnh này có hơn 10 trẻ bị nhiễm chủng vi khuẩn EV71.
Theo phân tích của PGS Điển, tay chân miệng có hai tác nhân chính gây bệnh đó là chủng vi rút CVA16 và EV71, trong đó tỷ lệ mắc tay chân miệng gây ra bởi EV71 thường thấp hơn nhưng dễ gây ra biến chứng nặng hơn.
Một bệnh nhi đang được các bác sĩ thăm khám tại khoa Truyền nhiễm - BV Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Phương.
“EV71 là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Ngoài ra, EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn”, PGS Điển cho hay.
Do bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế tất cả trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh. Để phòng căn bệnh này, các phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tới nơi có nguy cơ mang mầm bệnh như cho đông người, nơi có trẻ nghi mắc bệnh.
Với trẻ đã mắc bệnh cần xử lý cô lập phân, mũi dãi, chất nôn… của trẻ để đảm bảo không bị lây nhiễm sang các trẻ khác. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cha mẹ cần cho trẻ ở phòng thoáng khí, sạch, các bề mặt trẻ tiếp xúc như sàn nhà, nhà vệ sinh, giường ngủ,… phải vệ sinh sạch sẽ.
Riêng về mặt chăm sóc dinh dưỡng (ăn uống), khi mắc tay chân miệng đa số trẻ có nhưng tổn thương vùng miệng nên việc ăn uống sẽ gặp khó khăn. Bởi vậy, phụ huynh cần cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, mềm vì những đồ ăn cứng sẽ làm trẻ đau rát miệng.
Nhằm nâng cao sức đề kháng và đáp ứng đủ dinh dưỡng cho trẻ khi mắc bệnh, tốt nhất không nên ép trẻ ăn mà cần chia ra làm nhiều bữa nhỏ. Sau khi trẻ ăn xong cần vệ sinh miệng sạch sẽ, cho trẻ nghỉ ngơi nơi thoáng mát. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
Với trẻ còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Khi trẻ hồi phục và hết các vết loét gây đau trong miệng, cần động viên trẻ ăn uống bình thường trở lại.
Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 6 biện pháp dưới đây. 1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. 3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. 4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. |