Giao lưu trực tuyến: Không phải lòng, đây là hai bộ phận của lợn nhiễm sán nhiều nhất
- Thứ bảy - 23/03/2019 08:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hai khách mời đang trả lời các câu hỏi giao lưu trực tuyến
Những ngày vừa qua, nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng trước thông tin hàng trăm học sinh mầm non ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có kết luận dương tính với sán lợn .
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉ lệ trẻ nhiễm sán lợn tại địa phương không có gì đột biến, bất thường vẫn ở trong ngưỡng trung bình của cả nước. Cùng với đó, nhiều chuyên gia trong ngành Y tế đã nói rõ người dân không nên quá hoang mang, chỉ cần đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ là phòng ngừa được sán lợn. Tuy nhiên, đông đảo người dân vẫn e ngại sử dụng thịt lợn vì tâm lý “cẩn tắc vô áy náy”.
Để giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về tình trạng nhiễm sán lợn ở trẻ, đồng thời giúp các chị em nội trợ giải quyết bài toán lựa chọn, chế biến thực phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn, phòng tránh nhiễm sán lợn, Tạp chí Khám phá điện tử phối hợp cùng trang tin điện tử Eva.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nhiễm sán lợn: Khi nào nguy hiểm?".
Buổi giao lưu có sự tham gia của 2 khách mời:
Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Hai khách mời đã có mặt để chuẩn bị cho buổi giao lưu.
Mời độc giả nhấn F5 để cập nhật thông tin...
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu
MC: Xin GS Đề cho biết, sán lợn lây qua những con đường nào? Có ý kiến cho rằng, nhiễm sán lợn từ các loại rau, từ nguồn nước mới nguy hiểm, còn nhiễm sán từ chính những miếng thịt lại không nguy hiểm. Chuyên gia đánh giá như thế nào về ý kiến này?
GS Đề: Chúng ta cần phải hiểu một cách đầy đủ về sán dây lợn và ấu trùng sán lợn. Ở Việt Nam có 3 loại sán dây, đó là sán dây bò, sán dây lợn và sán dây châu Á. Trong đó, sán dây bò và sán dây châu Á chiếm tỷ lệ cao hơn khoảng 80%, còn sán dây lợn là 20%.
Trong sán dây lợn người có thể nhiễm con sán trưởng thành, con sán này dài khoảng 7 mét ký sinh trong ruột. Vậy thì, con người nhiễm ấu trùng sán lợn theo những con đường nào? Đường thứ nhất mà phổ biến ở cộng đồng là qua rau, nước, ruồi nhặng là vật trung gian tha nguồn bệnh qua thức ăn. Có nghĩa là con người ăn phải trứng sán lợn thì bị sán trưởng thành.
Tương tự con lợn ăn phải trứng sán dây lợn do con người đào thải ra ngoài môi trường thì trứng đó vào ruột nở ra ấu trùng và nó đi đến cơ, đến não và nó ký sinh ở trong đó và gọi là ấu trùng sán lợn. Xảy ra trên lợn thì người ta gọi là lợn gạo. Còn nếu ký sinh trên cơ thể người thì gọi là bệnh ấu trùng sán lợn hay nôm na là người gạo.
Con đường thứ 2 nhiễm ấu trùng sán lợn, mà hiện nay Bắc Ninh đang quan tâm đó là ăn thịt lợn gạo. Nếu con người ăn thịt lợn có ấu trùng sán lợn thì con ấu trùng này vào dạ dày nó giải phóng ra đầu sán (đoạn cổ). Chính đoạn cổ này có tính chất sinh sản và nó dài dần ra (7 mét). Đoạn cuối cùng của con sán này là đoạn già nhất và nó rụng ra ngoài theo phân.
Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Văn Đề.
Ở 1 số bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa thì những đốt sán già này nó phản ứng ngược đi lên dạ dày và dưới tác dụng của dịch vị dạ dày, đốt sán này vỡ ra và giải phóng ra hàng nghìn trứng sán. Chính trứng này này nó nở ra ấu trùng sau đó ấu trùng theo đường bạch huyết đi đến não, đến cơ…những trường hợp này gọi là tự nhiễm. Đây là những trường hợp rất nặng, thực tế chúng tôi đã gặp bệnh nhân ở Việt Nam có 300 nang trong não và 300 nang dưới da.
Quay trở lại vấn đề ở Bắc Ninh, trước đây năm 2000 chúng tôi đã tiến hành điều tra ở Lương Tài và tỷ lệ nhiễm sán lợn trưởng thành là 12%, còn ấu trùng là 5,7%. Trong tỉnh Bắc Ninh các huyện khác đều có bệnh này.
Như vậy so với tỷ lệ trong sự việc vừa rồi chúng tôi thấy tương đối cao. Tất nhiên, không hơn nhiều so với mức trung bình nhưng đối với trẻ em như thế này là cao.
MC: Cũng liên quan đến vấn đề này, xin PGS Thịnh cho biết, việc nấu chín thức ăn (thịt, rau) ở nhiệt độ bao nhiêu thì có thể khiến sán trưởng thành bị tiêu diệt hoàn toàn và ấu trùng sán lợn được loại trừ khi nấu ở nhiệt độ cao không?
PGS Thịnh: Sán lợn hay sán bò (thường gọi chung là ký sinh trùng) đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Vì vậy chúng ta cứ nấu chín thức ăn ở mức nhiệt trên 70 độ là an toàn.
Tuy nhiên trong quá trình thực hành nấu chín thức ăn sẽ xảy ra những hiện tượng nhiễm chéo có thể phát sinh sán lợn như đụng tới dao thớt bẩn, đi vệ sinh không rửa tay,… Do đó người nội trợ cần phải rửa tay và dụng cụ đồ bếp sạch sẽ.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh.
MC: Trong những ngày gần đây, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một ý kiến cho rằng việc xét nghiệm ELISA để phát hiện sán lợn ở trẻ là không cần thiết. Còn ý kiến khác lại cho rằng, cần thiết phải có xét nghiệm này, vì từ xét nghiệm đó phụ huynh sẽ theo dõi trẻ, nếu có triệu chứng thì cần đưa đi điều trị.
Là một chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng, GS Đề nhận định như thế nào về ý hai luông ý kiến trên? Nhiễm ký sinh trùng nói chung và sán lợn nói riêng khi nào thì nguy hiểm và cần đến viện điều trị?
GS Đề: Những bệnh nhân khi đến với chúng tôi thường là những bệnh nhân đã có triệu chứng rồi ví dụ như động kinh, co giật. Thực tế mới đây chúng tôi đã tiếp nhận vài bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang đều là những bệnh nhân đã có triệu chứng trên.
Còn ở trong cộng đồng muốn quan tâm đến bệnh này thì xét nghiệm phân nếu là ấu trùng sán lợn thì sẽ không thấy được. Xét nghiệm phân chỉ giải quyết được vấn đề các ký sinh trùng nằm trong ruột, gan đẻ trứng theo phân ra ngoài.
Còn ấu trùng sán lợn cách tốt nhất là sàng lọc bằng xét nghiệm ELISA, nhưng các sàng lọc đó cũng chỉ là để sáng lọc thôi. Còn muốn biết có vào não hay không thì phải chụp cộng hưởng từ hoặc MRI thì mới biết được tổn thương não như thế nào.
Đương nhiên không phải 100% chụp là thấy, nhưng từ xét nghiệm ELISA và các triệu chứng lâm sàng sẽ hỗ trợ cho việc chẩn đoán. Còn khi xét nghiệm ELISA dương tính rồi, có triệu chứng lâm sàng rõ rồi thì cho thì mới khám và cho điều trị theo phác đồ và thực tế hiệu quả điều trị rất tốt.
Tóm lại ELISA chỉ là xét nghiệm sàng lọc, để quyết định điều trị thì phải theo dõi lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
MC: Cũng liên quan đến vấn đề xét nghiệm, xin GS Đề cho biết kể từ khi sán lợn (ấu trùng sán, sán trường thành) vào cơ thể con người đến khi xét nghiệm phải mất bao lâu để mới cho được kết quả? Xét nghiệm sán lợn trưởng thành và ấu trùng sán lợn có phải làm 2 loại khác nhau không?
GS Đề: Sán lợn trưởng thành và ấu trùng sán lợn đều cùng kháng nguyên, nên khi cơ thể đáp ứng miễn dịch để chống lại con sán này thì kháng thể như nhau. Vậy thì khi xét nghiệm ELISA thì con sán trưởng thành và ấu trùng sán lợn đều dương tính.
Vấn đề khi xử lý là khi gặp con sán trưởng thành sẽ dễ hơn, với sán trưởng thành chỉ 1 liều duy nhất là sẽ tiêu diệt được. Nhưng con ấu trùng phải điều trị lâu hơn, vì nằm trong mô trong tổ chức. Nói chung điều trị đều đã có phác đồ.
Tôi nói lại rằng xét nghiệm ELISA chỉ là xét nghiệm sàng lọc ban đầu. Không rõ những cơ sở khác làm ra sao, nhưng tôi làm chỉ 1 tiếng xong 1 xét nghiệm. Tất nhiều bệnh nhân thì mất thời gian xét nghiệm lâu hơn. Ví dụ hằng trăm, hàng nghìn sẽ lâu hơn là làm 10 bệnh nhân và kết quả đôi khi cũng không cho độ chính xác tối đa.
MC: Quay trở lại vấn đề chế biến và lựa chọn thực phẩm, thưa PGS Nguyễn Duy Thịnh sán lợn không chỉ bắt nguồn từ thịt lợn, mà cả rau ăn, nước uống hàng ngày cũng được cho là nhiễm sán lợn. Vậy chuyên gia có thể chỉ ra những loại rau nào có nguy cơ nhiễm sán lợn nhiều nhất? Vì sao rau, nước uống lại có thể nhiễm ấu trùng sán lợn này?
PGS Thịnh: Rau củ quả chính là nguyên nhân dẫn đến sán lợn.
Rau, nước uống có thể nhiễm ấu trúng sán lợn chính là do con người và các tác động của con người. Cụ thể con người bảo quản phân tươi không tốt, để nó tràn ra nguồn nước và ngấm vào đất. Họ lại lấy nước đó tưới cây tưới rau, chính rau đó sẽ nhiễm ký sinh trùng. Thậm chí có những nơi họ lấy chính nguồn nước đó làm nước ăn hoặc chỉ xử lý sơ sài.
MC: Đã thành thói quen và truyền thống lâu đời ở Việt Nam, có rất nhiều món ăn nếu không có rau sống thì sẽ không còn giá trị của món ăn như bún chả, nem…. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, ăn rau sống có giá trị về mặt dinh dưỡng, giữ được nhiều các chất trong rau hơn là rau nấu chín.
Vậy xin PGS Thịnh tư vấn, nếu ăn rau sống thì phải ăn những loại rau được trồng ở điều kiện nào và trước khi ăn phải sơ chế ra sao để loại trừ ấu trùng sán?
Có ý kiến nói rằng, ngâm rau bằng nước muối, thuốc tím có thể tiêu diệt được trứng sán, điều đó có đúng không thưa chuyên gia?
PGS Thịnh: So với các nước châu Âu, Việt Nam chỉ ăn một số loại rau sống như xà lách, rau thơm,… Ăn rau sống đương nhiên tốt hơn rau chín, thậm chí ngon miệng hơn nhiều. Dù vậy chúng ta vẫn nên ăn chín uống sôi vì môi trường của chúng ta vốn có nhiều chất bẩn. Ví dụ như chị em mách nhau rửa rau sạch bằng cách rửa nước nhiều lần nhưng nguồn nước lại bẩn thì rau đó vẫn bẩn.
Muối hay thuốc tím là một chất sát trùng, ức chế 1 phần vi khuẩn nhưng không thể tiêu diệt được trứng giun, trứng sán vì chúng có một vỏ bọc rất cứng. Kể cả nước ôzôn cũng chỉ là giải pháp khử trùng.
Tóm lại, chúng ta chỉ cần đảm bảo môi trường đất và nước là cách tốt nhất để phòng ngừa ấu trùng sán.
MC: Một vấn đề khiến các phụ huynh khi có con bị nghi hoặc đã có kết quả dương tính với sán lợn ở Bắc Ninh lo lắng, đó là việc họ cho rằng sán lợn không thể điều trị hết. Nếu có uống thuốc chỉ giảm chứ không thể loại bỏ hoàn toàn.
Giáo sư Đề có ý kiến như thế nào về những lo lắng của người dân và việc nhiễm sán lợn có điều trị khỏi hoàn toàn được không ạ?
GS Đề: Những người nhiễm sán lợn từ lợn gạo, tức nhiễm sán trưởng thành và người là vật chủ duy nhất nhiễm sán trưởng thành, hoặc trong trường hợp các cháu nhiễm sán lợn mà xác định chắc chắn là do ăn thịt lợn gạo thì chỉ cần uống 1 viên thuốc praziquantel rất đơn giản. Liều theo phác đồ của Bộ Y tế là 15 đến 20mg/1kg cân nặng, hàm lượng của thuốc này 1 viên là 600mg. Vậy thì thường trẻ sẽ uống từ nửa viên đến 1 viên, còn người lớn từ 1 đến 2 viên tùy theo cân nặng. Chỉ uống 1 liều duy nhất là khỏi luôn, chúng tôi đã nghiên cứu rồi, uống 1 liều ra cả đầu luôn.
Tất nhiên khi xét nghiệm ELISA mà dương tính, nghi mắc ấu trùng sán lợn thì cần phải theo dõi thêm, không phải tự nhiên mà điều trị luôn. Nếu có triệu chứng mới điều trị, kể cả trong trường hợp ấu trùng sán lợn nằm dưới da thì hầu như không ảnh hưởng, không cần điều trị gì, có thể chung sống suốt đời không sao cả.
Còn nếu vào não thì nguy hiểm hơn, đặc biệt là có triệu chứng thì cần phải đến chuyên gia về ký sinh trùng để họ tư vấn và có hướng xử lý đầy đủ. Tóm lại chúng ta không nên quá hoang mang, lo lắng.
MC: Thưa PGS Nguyễn Duy Thịnh, mới đây trên một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin cho rằng, ăn nem chua, nem phùng, nem nắm…nếu được làm từ thịt lợn sạch, lợn không bị ốm thì không thể mắc bệnh hay nhiễm sán lợn. Phó giáo sư có ý kiến gì về quan điểm này và có tư vấn gì cho người dân trước khi có ý định sử dụng những món ăn này.
PGS Thịnh: Tôi chỉ muốn hỏi: “Lợn mà có sán đem làm nem chua, nem phùng rồi con người ăn vào có bị hay không?”. Xin thưa tất nhiên là có.
Trách nhiệm sẽ thuộc về những người sản xuất những món ăn đó. Họ cần kiểm soát thực phẩm đúng theo quy trình của Bộ Y tế thì sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kể cả loại rau mọc ở ao hồ, sông suối như rau cần, rau muống bè,… khi ăn với lẩu cũng có nguy cơ nhiễm sán rất nhiều.
MC: Hiện nay nhiều người rất hoang mang khi hàng loạt dịch bệnh, vấn đề liên quan đến thịt lợn. Vậy PGS Thịnh có bí quyết hoặc hướng dẫn cách lựa chọn như thế nào để chọn được miếng thịt lợn an toàn cho bữa ăn hàng ngày?
PGS Thịnh: Chọn thực phẩm là một bài dạy “mẹ truyền con nối” bởi kinh nghiệm của người phụ nữ Việt rất phong phú và đa dạng. Vì thế mẹ dạy con là điều tốt nhất và hơn cả là đừng đi chợ chiều, đừng chọn những miếng thịt ôi thiu,... thay vào đó là những miếng thịt lợn tươi ngon.
MC: Thưa GS Đề, trước sự việc hàng trăm trẻ dương tính với sán lợn xảy ra ở Thuận Thành, Bắc Ninh, cuối năm 2018 tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cũng phát hiện 108 người nhiễm sán lợn trong 1 thôn (thôn Bù Gia Phúc I). Tuy nhiên, ngày đó sự việc không quá rùm beng và đẩy lên cao trào như ở Thuận Thành hiện nay. Theo các chuyên gia, nguyên nhân ở đây là gì và tới đây cần phải có hướng xử lý sự việc như thế nào?
GS Đề: Vấn đề này chúng tôi đã làm trên 20 năm nay, bản đồ dịch tễ của ấu trùng sán lợn hiện trên 50 tỉnh thành có bệnh, kể cả miền Nam cũng có rất nhiều, phủ trên toàn quốc. Bất kể chỗ nào điều tra dịch tễ đều có bệnh.
Trong miền Nam khi điều tra thì phát hiện sự việc như vậy, nhưng không có gì ngạc nhiên cả. Bệnh ký sinh trình nó âm thầm, lặng lẽ, nó tồn tại với bệnh nhân suốt đời nếu không có triệu chứng gì đặc biệt. Không chỉ sán lợn mà các bệnh ký sinh trùng khác cũng rất nhiều, có những nơi tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trong cộng đồng nhiễm 70-80%, cá biệt là 90%. Thậm chí có bệnh nhân còn nhiễm 6-7 loại ký sinh trùng.
MC: Về vấn đề này PGS Thịnh có ý kiến gì thêm không ạ?
PGS Thịnh: Ý kiến của tôi cũng giống như GS Đề. Hơn nữa theo tôi nếu như Bộ Y tế đã lên tiếng nó có nguy hiểm mang tính xã hội thì chúng ta cần có một chiến lược đánh giá theo tính bảo vệ sức khỏe. Nếu Bộ Y tế nói yên tâm thì chúng ta cũng không nên làm quá.
MC: Rất nhiều đấng mày râu cho rằng, việc ăn tiết canh lợn uống kèm theo rượu là sẽ tiêu diệt được sán, kể cả liên cầu lợn. Quan điểm này có đúng không thưa PGS Thịnh?
PGS Thịnh: Nếu như họ muốn tự tử thì cứ ăn như vậy thôi (cười)! Còn họ muốn có một cuộc sống lành mạnh thì tuyệt đối không nên ăn tiết canh. Tiết canh chính là món ăn mang nhiều mầm bệnh nhất.
Các chuyên gia trực tiếp giải đáp các thắc mắc của quý độc giả
Câu hỏi 1: Bác sỹ cho em hỏi, gia đình em thường ăn không hết thì mình để sáng hôm sau ăn lại có sợ sán lợn hay đun chín rồi nên không sợ nữa?
Độc giả Phúc Đỗ (Phú Thọ)
Chúng ta hãy ăn chín uống sôi. Nếu thức ăn vẫn còn thì cần phải bảo quản trong tủ lạnh như thế nào thật tốt, chứ không sẽ bi ôi thiu mà khi đó không phải ký sinh trùng, mà là vi khuẩn. Nó sẽ gây bệnh về đường tiêu hóa. Còn ấu trùng sán lợn cho dù để ở đâu (ngăn mát hay ngăn đá) thì nó cũng không chết.
Thường thường chúng ta hay để thức ăn ở ngăn đá, khi đưa ra nấu chín thì mặt ngoài đảm bảo nhiệt độ cho ký sinh trùng chết. Tuy vậy ở trong còn lạnh vẫn chưa đủ nhiệt độ nên đôi khi chúng ta tưởng rằng nấu chín rồi mà hóa ra vẫn chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Câu hỏi 2: Tôi cực kỳ thích sashimi – các món ăn tái kiểu Nhật – liệu ăn sashimi sống có nguy cơ nhiễm sán không?
Độc giả Minh Châu (TP.HCM)
Người Nhật là một trong những dân tộc thích ăn sống, đặc biệt là cá. Đối với con cá, người ta phải lựa chọn cực kỳ kỹ lưỡng đến mức độ giá của nó cực kỳ đắt, vì thế sẽ đảm mọi an toàn.
Ở Việt Nam, mọi người cũng sẽ ăn cá sống nhiều và nếu như cá được nuôi trong môi trường sạch, được giết mổ đúng cách thì lượng sán trong đó rất ít.
Câu hỏi 3: Tôi ở trong vùng có phát hiện bị sán lợn nhưng tôi không biết và vẫn ăn thịt lợn mỗi ngày và vẫn khỏe mạnh bình thường. Vậy tôi có nên đi xét nghiệm hay chờ những biểu hiện rõ ràng?
Độc giả Minh Nguyệt (Hà Nội)
Nếu như bạn quan tâm đến sức khỏe và muốn kiểm tra sinh hóa huyết học, hằng năm bạn cứ đi kiểm tra. Không chỉ phát hiện sán lợn, bạn còn phát hiện ra ký sinh trùng khác.
Câu hỏi 4: Thịt có nhiễm sán nhưng chế biến chín thì khi ăn có còn nguy hại đến sức khỏe con người không thưa chuyên gia?
Độc giả Thùy Dương (Hải Dương)
Bạn nấu chín thì cứ yên tâm đi, không có vấn đề gì. Tuy nhiên nấu chín là một giải pháp để diệt sinh vật sống có khả năng gây bệnh nhưng nó không có khả năng tiêu diệt độc tố mà do chính cái đó sinh ra nằm trong đó.
Câu hỏi 5: Sán lợn hay tập trung ở những bộ phận nào của lợn nhất để tránh mua phải ạ?
Độc giả Bảo Phương (Hà Nội)
Trong con lợn, ấu trùng sán lợn tập trung nhiều nhất ở hai khu vực, đó là vân cơ trong thịt nạc và não.