Gia tăng ca mắc sởi, chuyên gia lo kịch bản năm 2014 lặp lại nếu không làm ngay điều này
- Thứ sáu - 12/10/2018 03:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày qua, 3 bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang phải gồng mình tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhi mắc tay chân miệng. Ngoài bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp, thì bệnh sởi cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP. HCM cho thấy, số ca bệnh sởi tăng nhanh từ tuần 36 - 38, mỗi tuần có khoảng 15 - 20 ca bệnh trên toàn thành phố. Đến tuần 39, số ca bệnh sởi đã lên tới 33 ca, tăng 10 ca so với tuần trước đó.
Đến tuần 40 có dấu hiệu giảm nhẹ so với tuần 39, nhưng lại cao hơn 4 tuần trước đó. Dù vậy, so với cùng đợt năm 2017 thì bệnh sởi đã tăng lên 143 ca. Ở TP.HCM, các quận có nhiều ca bệnh sởi nhất hiện nay là quận Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân, quận 7 và quận 9.
Bệnh sởi, cùng tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp.
Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1, trong năm 2017 bệnh viện không ghi nhận trường hợp mắc sởi nào nhập viện. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/10/2018 đã có 106 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện (48 ca chẩn đoán xác định sởi).
Còn tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay có khoảng 400 trường hợp mắc sởi được ghi nhận. Các ca mắc sởi xuất hiện rải rác trên địa phàn thành phố, chứ không tập trung thành một ổ dịch cá biệt nào.
Tại Bệnh Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc bệnh viện cho biết, những năm trước bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca sởi/năm. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2018, số ca mắc sởi nhập viện điều trị là khoảng 250 ca. Hiện có khoảng 20 trẻ mắc sởi đang điều trị tại bệnh viện, có những trường hợp nặng phải thở máy.
Trước tình hình bệnh sởi đang có dấu hiệu bùng phát, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện bệnh sởi chưa có biểu hiện bất thường, vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về chu kỳ của bệnh này là sau 4-5 năm có thể bùng phát do mỗi năm vẫn sót lại khoảng 10% trẻ chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, bày tỏ sự lo ngại về việc dịch sởi có thể lặp lại “kịch bản” như năm 2014 nếu các cơ quan chức năng, cơ sở y tế và người dân không quyết liệt trong công tác tiêm chủng, phòng ngừa.
“Nếu nước ta không quyết liệt dịch sẽ quay trở lại nặng nề như năm 2014. Dù số lượng tiêm vắc xin sởi đạt đến 90%, chỉ 10% còn sót không tiêm chủng, tích lũy trong 4-5 năm số trẻ không được tiêm đã gần bằng số trẻ sinh ra trong một năm và đây chính là yếu tố khiến sởi xảy ra”, PGS Phu giải thích.
Để phòng căn bệnh này ông Phu cho biết, tới đây ngành y tế sẽ phát động một số đợt tiêm vét để giảm nguy cơ dịch sởi bùng phát. Đồng thời, người đứng đầu ngành y tế dự phòng cũng khuyến cáo, phụ huynh nên chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám. Điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.