“Đỏng đảnh” như... vitamin C
- Thứ hai - 19/09/2016 02:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vitamin C cung cấp điện tử rất dễ dàng. Vì vậy, nó có tác dụng trung hòa điện tử của các gốc ôxy hóa rất hiệu quả. Tác dụng này được tăng cường nhờ vitamin C có độ hòa tan trong nước rất cao. Nhờ tác dụng bảo vệ sự vẹn nguyên cho tế bào, vitamin C có thể phòng ngừa lão hóa và các bệnh lý liên quan đến lão hóa hoặc sai lệch di truyền của tế bào như ung thư, bệnh tim mạch, đục thể thủy tinh.
Tuyến thượng thận là cơ quan chứa hàm lượng vitamin C cao nhất trong cơ thể. Khi cơ thể bị stress, tuyến thượng thận sẽ tiết ra vitamin C và các nội tiết tố đổ vào máu. Tác động chống stress của vitamin C vẫn chưa được hiểu rõ nhưng có một điều cần ghi nhận là nhu cầu về nó của cơ thể tăng lên rõ rệt trong và sau khi bị stress.
Có nhiều nghiên cứu về vai trò của vitamin C trong chống stress thể chất như ở các bệnh lý: bỏng, chấn thương nặng, tăng hoặc giảm thân nhiệt nghiêm trọng, ngộ độc kim loại nặng cadmium, chì hoặc với những người dùng thuốc aspirin, barbiturate lâu dài hay nghiện rượu, thuốc lá.
Nhiều nghiên cứu về tác dụng của vitamin C trong phòng và điều trị các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm siêu vi, cho thấy nhu cầu vitamin C tăng hơn sau những đợt nhiễm trùng của cơ thể.
Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt do sự xâm nhập của các vi sinh vật, tế bào miễn dịch sẽ tiêu thụ nhiều ôxy hơn, tạo ra nhiều gốc ôxy hóa hơn. Các gốc ôxy hóa ở giai đoạn này có vai trò tích cực trong việc tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh và bảo vệ cơ thể. Vitamin C có vai trò hỗ trợ hấp thu các chất khoáng vi lượng như sắt, kẽm và làm giảm cholesterol máu.
Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi như cam, chanh, quýt, bưởi và rau xanh, đặc biệt là súp lơ xanh, khoai tây, cải xoong, cà chua…
Nhóm người cần bổ sung vitamin C gồm: người nghiện thuốc lá, nghiện rượu, thích ăn thịt; người uống thuốc tránh thai, kháng sinh, aspirin.
Biểu hiện lâm sàng khi thiếu vitamin C là viêm nướu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, chậm lành vết thương, yếu cơ, xương loãng, rối loạn tâm thần… Ngược lại, khi thừa vitamin C, các dấu hiệu như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nổi ban đỏ trên da, nóng da sẽ xuất hiện
. Nếu vitamin C trong máu vượt 1,4 mg/100 ml thì lượng thừa sẽ được đào thải qua nước tiểu. Khả năng thải vitamin C của thận có giới hạn nhất định. Nồng độ tối đa không gây độc là 2.000 mg/ngày.
Cần lưu ý: Không nên uống vitamin C sau 18 giờ vì sẽ khó ngủ. Ngoài ra, dùng vitamin C liều cao và dài ngày có thể tạo sỏi thận oxalate, urat hoặc gây bệnh gút, tiêu chảy, viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.