Canh mướp đắng nhồi thịt: Món ăn ngon dịp Tết nhưng những người này “cấm kỵ” ăn
- Thứ tư - 17/02/2021 14:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Món ăn truyền thống nhưng vẫn có người nên ăn hạn chế
Mướp đắng nhồi thịt hay còn gọi là khổ qua nhồi thịt là món ăn truyền thống của người miền Nam, nhất là thời điểm vào dịp Tết. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, món ăn này đã có từ lâu đời và có nhiều giá trị dinh dưỡng với sức khỏe.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân - chuyên gia dinh dưỡng tại phòng khám - Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM cho biết, theo truyền thống nguyên liệu chính để làm món mướp đắng nhồi thịt gồm có mướp đắng, thịt, các loại gia vị tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nguyên liệu chính để làm món ăn này vẫn là thịt heo và mướp đắng.
BS Vân cho biết, nghiên cứu của y học hiện đại đã chỉ ra rằng, mướp đắng có chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là lượng vitamin C dồi dào (đứng đầu trong các loại rau, dưa, bí, gấp 5-20 lần dưa chuột), vì thế mướp đắng có nhiều công dụng cho sức khỏe.
Mướp đắng nhồi thịt là món ăn quen thuộc mỗi dịp tết của người miền Nam.
Ngoài ra, việc kết hợp mướp đắng và thịt để làm nên món canh khiến người ăn không có cảm giác ngán, vào mùa hè lại rất mát.
Tuy nhiên, bác sĩ Vân cũng khuyến cáo với những người có bệnh lý cao huyết áp, thừa cân béo phì, khi chế biến món ăn này cần lưu ý việc lựa chọn thực phẩm. Theo đó, không nên dùng thịt ba chỉ (ba rọi) mà nên dùng thịt nạc hoặc cá thác lác xay nhuyễn để nhồi mướp đắng.
Ngoài ra, những phụ nữ đang mang thai cũng nên hạn chế món ăn này vì mướp đắng có chứa một loại protein ảnh hưởng xấu đến hệ sinh sản. Đặc biệt, một số nghiên cứu cũng cho rằng hạt mướp đắng không tốt cho phụ nữ mang thai. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu tiên tốt nhất là không nên dùng mướp đắng.
Muốn nấu được bát canh mướp đắng ngon việc lựa chọn thực phẩm cũng cần hết sức chú ý.
Để có món canh mướp đắng nhồi thịt ngon, BS Lê Thị Ngọc Vân lưu ý các bà nội trợ cần chọn thịt sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Mướp đắng chọn quả tươi, sơ chế sạch sẽ trước khi sử dụng.
Khi ăn nên nấu với lượng vừa đủ, không nên nấu quá nhiều sau đó bảo quản ăn dần, như vậy vừa bị mất vị ngon của món ăn, vừa mất đi giá trị dinh dưỡng.
“Việc hâm đi hâm lại món ăn là không nên. Việc này làm cho nước canh sẽ mặn hơn, chứa nhiều muối, không tốt cho người già và người có bệnh lý cao huyết áp”, BS Vân chia sẻ.
Mướp đắng là vị thuốc cực tốt trong đông y
Lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, ngoài làm món canh nhồi thịt, mướp đắng còn làm được ra nhiều món ăn khác, đặc biệt là một vị thuốc trong đông y.
Trong đông y, mướp đắng vị đắng, lạnh, tác dụng thanh giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ), bệnh đái tháo đường. Ngày dùng 1- 4 quả dưới dạng nấu, xào, ép nước, pha hãm đều được.
Không chỉ là món ăn ngon, mướp đắng nhồi thịt còn là bài thuốc có tác dụng tốt cho cơ thể.
Một số bài thuốc tham khảo từ mướp đắng:
- Mướp đắng xào cà rốt: Mướp đắng 60g, cà rốt 60g, thêm hành tiêu gia vị xào trên lửa to. Ăn ngày 2 lần. Thích hợp cho người bị tiêu chảy. Trẻ nhỏ dùng liều bằng nửa người lớn.
- Thịt nạc hầm mướp đắng củ cải: Mướp đắng 300g, thịt lợn nạc 150g, củ cải 150g. Mướp đắng rửa sạch thái lát, thịt lợn nạc thái miếng, củ cải thái miếng. Tất cả hầm chín, thêm gia vị. Ăn ngày 1 lần, liên tục 20 ngày. Dùng tốt cho người viêm họng mạn tính, đau rát họng, ho khan, viêm nề hoặc viêm teo niêm mạc họng.
- Nước tắm cho trẻ em nhiều rôm sảy: Mướp đắng 2 - 3 quả rửa sạch, bổ đôi, nấu lấy nước tắm cho trẻ. Ngày làm 1 lần.
- Chữa ho: Mướp đắng 1 - 2 quả rửa sạch, bổ đôi, nấu nước uống trong ngày.
- Chữa thấp khớp: Lá mướp đắng 8g, dây đau xương sao 8g, cây xấu hổ 8g, rễ nhàu 8g, có xước 8g, cây vòi voi sao 8g, cối xay 8g, rễ ngũ trảo 5g, dây thần thông 5g, quế chi 4g, gừng tươi 3g. Sắc ngày uống 1 thang.
- Chữa đái tháo đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát: Mướp đắng 1-2 quả, tách bỏ ruột, thái lát, sắc nước uống.
- Chữa chứng nhiệt lỵ: Mướp đắng tươi 1-2 quả rửa sạch, nghiền nát nhuyễn, thêm 100g đường trắng, trộn đều, để sau 2 giờ, thêm nước đun sôi vào, khuấy và lọc lấy nước, uống 1 lần.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/canh-muop-dang-nhoi-thit-mon-an-ngon-dip-tet-nhung-nh...