Cảnh báo trẻ thừa cân béo phì sau Tết: Nguyên nhân từ món đồ ăn trên bàn mỗi gia đình
- Thứ sáu - 08/02/2019 23:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết đến nhiều gia đình có con nhỏ lại cuống cuồng vì lo con bị tăng cân, béo phì. Theo đó, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật và chế độ ăn “nghèo” rau xanh chính là thủ phạm gây tăng cân ở trẻ.
Chị Hoàng Thúy Minh (ở Vĩnh Phúc) cho biết, con trai chị năm nay 7 tuổi, năm nào về quê ăn Tết xong chị cũng đau đầu với “bài toán” giảm cân cho con. Theo chị, nguyên nhân khiến con trai tăng cân cũng là do thiếu sự quan tâm trong bữa ăn hàng ngày của bố mẹ.
“Con tôi ăn tốt hơn những bạn bình thường. Hàng ngày ở dưới Hà Nội cháu ăn được nhưng tôi vẫn thường xuyên cho hoạt động thể thao. Còn Tết về quê nghỉ dài ngày, nhà nhiều việc bố mẹ phải lo hết nên để con ăn thả phanh. Đó chính là nguyên nhân cháu tăng cân”, chị Minh cho biết.
Ăn nhiều đồ ngọt trong dịp Tết khiến trẻ tăng cân, béo phì.
Theo người mẹ 1 con này, ngoài những món ăn như thịt, bánh chưng... thì con chị ăn kẹo và uống nước ngọt không biết chán. “Chẳng nhẽ ngày Tết lại không có nước ngọt, bánh kẹo... mà khi bỏ ra đĩa cấm con ăn thì không được”, chị Minh nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện Medlatec cho biết, vấn đề của chị Minh cũng là vấn đề mà rất nhiều gia đình có trẻ nhỏ quan tâm. Theo vị chuyên gia này, trong bánh kẹo, mứt tết hoặc những loại quả khô chế biến sẵn thường có lượng đường hoặc đường tinh chế cao.
“Đây là loại đồ ăn rất thiên lệch chỉ có đường là chính, các thứ khác không cân đối. Ví dụ chất đạm ít, béo ít, vitamin, khoáng gần như không có. Do lượng đường cao, nên nếu lạm dụng sẽ làm tăng lượng đường trong máu, chưa kể dính tới những chất bảo quản đi kèm sẽ tăng lượng đường trong máu và rất dễ chuyển thành mỡ thừa”, PGS Ninh phân tích.
PGS Ninh khuyến cáo, nên cho trẻ ăn đúng bữa, đủ bữa và cân đối các chất dinh dưỡng.
Chính vì thế, những trẻ thừa cân béo phì rất dễ bị tăng lượng mỡ trong ngày Tết. Chưa kể lượng đường máu tăng làm trẻ chán ăn, không muốn ăn những loại đồ ăn khác, điều này không tốt cho trẻ, nhất là vấn đề dinh dưỡng.
Ngoài ra, lượng đường trong bánh kẹo, mứt tết nhiều khi ăn vào rất dễ bị lên men chua, gây đầy hơi chướng bụng, dễ gây ra các rối loạn về tiêu hóa như dạ dầy hoặc ợ hơi. Đó là chưa kể ăn nhiều bánh kẹo, không vệ sinh răng miệng cẩn thận sẽ làm sâu răng.
Để trẻ không gặp phải tình trạng trên, PGS Ninh khuyến cáo, các gia đình nên cho trẻ ăn đồ ngọt một cách hạn chế. Nên cho ăn chút ít, không cho ăn trước bữa cơm, vì như vậy trẻ sẽ bỏ không ăn cơm.
“Cơm, rau, thịt, trứng, sữa... là những đồ ăn không thể thiếu kể cả trong dịp lễ Tết. Bởi chế độ ăn của trẻ phải đảm bảo cân đối cả lượng protein, chất béo, vitamin, chất khoáng, chất xơ. Chất bột đường từ bánh kẹo hấp thu nhanh và gây ra những tác hại cho cả trẻ suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì”, PGS Ninh cho hay.