Tỉnh Nghệ An có 3 địa phương đang phải dạy học trực tuyến là Thanh Chương, Nghĩa Đàn và Tx.Cửa Lò. Hiện, các huyện này đang tầm soát toàn bộ học sinh để sàng lọc F0.
Nguồn: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 - Cập nhật lúc 00:00 09/02/2022
Số mũi đã tiêm toàn quốc
183.729.446
Số mũi tiêm hôm qua
532.615
5 diễn biến
Nghệ An: Giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng, tầm soát sàng lọc F0
Sáng 9/2, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, do dịch diễn biến phức tạp nên toàn tỉnh có 3 địa phương đang tổ chức dạy học trực tuyến là Thanh Chương, Nghĩa Đàn và Tx.Cửa Lò. Ngoài ra, 10 địa phương có trường vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến.
Dịch diễn biến phức tạp khiến nhiều học sinh bị nhiễm.
Ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tx.Cửa Lò cho biết, do số bệnh nhân F0 gia tăng nên phòng đang đồng thời triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Trước mắt, phòng đang tổ chức cho học sinh học trực tuyến, bởi địa bàn Tx.Cửa Lò nhỏ, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn cao.
Dự kiến, từ ngày 7 – 12/2, Tx.Cửa Lò sẽ tầm soát toàn bộ dân cư và học sinh trên địa bàn để sàng lọc F0. Trong thời gian này, thị xã tạm thời tổ chức dạy học trực tuyến và chỉ tổ chức dạy học trực tiếp trở lại khi đã khống chế được số ca F0 trên địa bàn.
“Hy vọng, sau khi tầm soát, lượng F0 trên địa bàn sẽ giảm và học sinh Cửa Lò sẽ đi học trực tiếp từ đầu tuần tới. Quan điểm của thị xã cũng là tổ chức dạy học trực tiếp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”, ông Phùng Đức Nhân nói.
Huyện Thanh Chương là địa phương có số F0 trên địa bàn tăng nhanh, có ngày trên 200 ca và xuất hiện những ổ dịch bùng phát nhanh trong cộng đồng.
Từ thực tế này, huyện Thanh Chương đang cho học sinh mầm non nghỉ học đến ngày 11/2 và các bậc học còn lại chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Theo ông Trần Xuân Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Chương, qua rà soát, toàn huyện có 69 học sinh và hơn 10 giáo viên thuộc diện F0.
“Trước đó, huyện Thanh Chương đã tận dụng được thời gian vàng để dạy học trực tiếp nên huyện không chịu áp lực về chương trình, nhiều trường tiểu học đã dạy đến tuần 25 và bậc THCS và THPT dạy đến tuần 21, 22. Vì vậy, chủ trương của huyện là tổ chức dạy học trực tuyến đến khi dịch cơ bản được khống chế và đảm bảo an toàn”, ông Trần Xuân Hà nói.
Huyện Nghĩa Đàn cũng đang tổ chức dạy học trực tuyến để ổn định tình hình sau khi trên địa bàn xuất hiện nhiều ca bệnh F0. Dự kiến từ ngày mai, những lớp và trường học không có học sinh F0 sẽ tổ chức để học sinh trở lại học trực tiếp bình thường.
Ông Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận con số kỷ lục. Tuy nhiên, phần lớn những ca bệnh này đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
“Nghệ An là một trong những tỉnh có số lao động ở xa về quê đón Tết rất lớn, vì thế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp Tết rất cao. Việc số ca nhiễm tăng như thế này cũng đã được cơ quan y tế lường trước”, ông Trang nói.
Điều đáng nói, hơn 50% số ca nhiễm ghi nhận trên địa bàn không có triệu chứng. Vì vậy, các nhà máy, doanh nghiệp, trường học phải tổ chức xét nghiệm cho công nhân, người lao động, học sinh trước khi trở lại làm việc dịp đầu năm mới.
Hơn 60% phụ huynh được khảo sát đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết Bộ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm chủng vaccine cho lứa tuổi từ 5-11 tuổi.
Theo đó để chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành khảo sát trực tuyến đối với các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Qua khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia đã cho kết quả như sau: 60,6% đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý;
Bộ Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, đầy đủ về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Mới đây ngày 5/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.
Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế cho biết thêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer đã được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược Châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng.
Đến nay đã có 44 quốc gia tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó có đến 75% dùng vaccine Pfizer. Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục mua sắm, ký hợp đồng với Pfizer.
Cũng liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn để tổ chức triển khai tiêm một cách chi tiết, đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn tiêm chủng.
Tiếp theo đó các cháu sẽ được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ em vừa qua.
Tức là những trẻ đi học thì các cháu được tiêm tại trường, những trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế; đối với những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính thì sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
"Chúng tôi cũng sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến rất chi tiết, cụ thể về các phản ứng sau tiêm, cũng như theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm; đồng thời chúng tôi cũng sẽ truyền tải các thông tin này đến cộng đồng, đến các bậc cha mẹ để các phụ huynh cùng tham gia với ngành y tế, cán bộ y tế trong theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng"- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Học sinh trở lại trường học, tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị F0
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có công điện yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp tại cơ sở giáo dục, cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp.
Với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần: phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Học sinh trở lại trường học sau thời gian dài học trực tuyến vì ảnh hưởng dịch COVID-19.
Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Các đơn vị giáo dục tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phòng chống dịch cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn. Không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi học hàng ngày. Theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Đà Nẵng: Hỏi ý kiến phụ huynh trước khi cho trẻ mầm non đến lớp
Ngày 8/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch, triển khai kế hoạch cho học sinh toàn thành phố trở lại trường học trực tiếp.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đề xuất cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung tâm tin học… học trực tiếp trở lại vào ngày 14/2, trong điều kiện ở cấp độ dịch cấp 1, 2, 3, nếu có ca mắc thì tổ chức dạy trực tuyến.
Học sinh toàn Đà Nẵng trở lại trường học trực tiếp từ 14/2.
Riêng cấp tiểu học bố trí học 1 buổi, tổ chức giãn cách. Đối với trường mầm non, tùy vào tinh thần tự nguyện của phụ huynh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh thống nhất cho trẻ mầm non và học sinh lớp 6 đi học lại vào ngày 14/2.
Riêng với trẻ mầm non, ông Chinh yêu cầu phải đánh giá, khảo sát thêm nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, tham khảo ý kiến phụ huynh trước khi mở cửa, không bắt buộc học sinh đến trường.
Đối với học sinh tiểu học, xem xét cho đi học vào ngày 21/2, trên tinh thần không ở bán trú, chỉ học 1 buổi.
“Nếu phụ huynh đồng ý thì mở cửa, chưa đồng ý thì không nên cứng nhắc, phải tính toán phương án phù hợp trên cơ sở lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của người dân", ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, nếu trường, lớp nào ghi nhận F0 thì cơ sở giáo dục đó phải chủ động tính toán phương án phù hợp với thực tế trên cơ sở ưu tiên và bảo đảm kế hoạch dạy học trực tiếp
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh thống nhất đề xuất của các sở, ngành, địa phương cho phép mở cửa một số hoạt động như spa, massage, karaoke nhưng phải tuân thủ và bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Riêng hoạt động vũ trường, lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu cần nghiên cứu kỹ hơn và mở cửa chậm hơn.
TPHCM: Hỏa tốc ngăn chặn dịch COVID-19 gia tăng sau Tết
Sau nhiều ngày liên tiếp giảm sâu, khi người dân từ các địa phương trở lại TPHCM ca mới mắc COVID-19 đã tăng lên 3 con số với 116 trường hợp được ghi nhận trong ngày 8/2. Dự báo, trong một vài tuần tới, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp bởi sự giao lưu, đi lại của người dân trong và sau dịp Tết làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.Sở Y tế TPHCM đang chủ động các giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết
Trước tình hình trên, chiều 8/2 Sở Y tế đã có văn bản khẩn gửi đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức các bệnh viện công lập, ngoài công lập và những đơn vị liên quan đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh sau Tết. Các phương án sẽ tập trung đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm COVID-19 và xử trí theo quy định.
Sở Y tế TPHCM đang chủ động các giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19 sau kỳ nghỉ Tết.
Địa phương phải soát và lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Căn cứ trên danh sách địa phương cần tăng cường vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng COVID-19.
Bên cạnh việc truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19, các địa phương phải tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tập trung triển khai, kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Sở Y tế đề nghị các địa phương không bỏ sót đối tượng chưa được tiêm và đối tượng chưa tiêm đầy đủ vắc xin theo quy định.
Các đội đặc nhiệm phòng chống COVID-19 sẽ phải giám sát, hỗ trợ quận, huyện và có cảnh báo sớm cho ban chỉ đạo phòng chống dịch của các địa phương khi phát hiện nguy cơ hoặc dấu hiệu cảnh báo bùng phát dịch bệnh trên địa bàn để chủ động giải pháp can thiệp, khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, phòng xét nghiệm có xét nghiệm COVID-19 tăng cường rà soát, sàng lọc người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 đến khám tại bệnh viện, thực hiện xét nghiệm và cách ly kịp thời, đảm bảo phòng, chống dịch.
Khi phát hiện ca có dấu hiệu nghi ngờ biến chủng Omicron (qua xét nghiệm RT-PCR), các cơ sở khám, chữa bệnh phải báo cáo ngay đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để thực hiện điều tra, xác minh và gửi mẫu thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen theo quy định.