COVID-19 3/6: Hà Nội tìm người trên chuyến bay VN220 từ TP.HCM đến sân bay Nội Bài
- Thứ sáu - 04/06/2021 08:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Số ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng từ 27/04
*Tiếp tục cập nhật...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội vừa thông tin về 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại quận Hà Đông, là người đi về từ TP.HCM.
Bệnh nhân là nam, sinh năm 1982, địa chỉ tại Hemisco Xa La, Phúc La, Hà Đông.
Ngày 26/5, bệnh nhân bay từ Hà Nội vào TP.HCM và ở tại khách sạn Harmony địa chỉ 32-34 Bùi Thị Xuân, quận 1.
Trong thời gian ở thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân có đến làm việc tại Công ty Cổ phần Bất động sản Cent Group địa chỉ 326 Võ Văn Kiệt, phường Cổ Giang, quận 1 (hiện tại công ty đã xác minh được 3 F0, trong đó có 01 F0 liên quan đến chùm ca bệnh Hội thánh Truyền giáo Phục hưng).
Khoảng 20h ngày 30/5, bệnh nhân về Hà Nội trên chuyến bay VN220, số ghế 35G, hạ cánh tại sân bay Nội Bài khoảng 22h10. Sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bệnh nhân nghe được thông tin Công ty Cent Group có bệnh nhân nên gọi lái xe riêng đưa về nhà tại tòa Hemisco Xa La tự cách ly tại phòng riêng và khai báo với trạm y tế phường Phúc La, Hà Đông.
Ngày 2/6, bệnh nhân được TTYT Hà Đông lấy mẫu xét nghiệm, kết quả nghi ngờ (Bệnh viện đa khoa Hà Đông thực hiện). Mẫu bệnh phẩm đã được chuyển lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 .
Sơ bộ điều tra được 6 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân bao gồm 5 người trong gia đình và 1 lái xe. Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cùng với Trung tâm y tế quận Hà Đông đang tiếp tục điều tra xác minh các trường hợp người tiếp xúc gần để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cách ly.
Chiều 3/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn Hà Nội đã đi trên chuyến bay VN220 từ TP.HCM ra sân bay Nội bài.
Cụ thể, hành khách đi trên chuyến bay VN220 ngày 30/5/2021 từ TP.HCM đến Hà Nội hạ cánh tại sân bay Nội Bài khoảng 22h10 (đặc biệt hành khách ngồi trên hàng ghế từ 33 đến 37) cần tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/0949.396.115.
Trước đó, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đề nghị các quận huyện thị xã giám sát chặt chẽ những người đến từ TP.HCM từ 15 ngày trước (từ 16/5). Yêu cầu khai báo y tế đầy đủ và tự theo dõi sức khỏe nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế.
Được biết, tính đến sang nay, theo thông tin khai báo y tế điện tử có 1.583 người về từ TP.HCM, đã điều tra lấy mẫu xét nghiệm 1.288 người, kết quả đều âm tính.
(Theo Dân Việt)
TP HCM: Một ca F3 thành F0, Bệnh viện quận Gò Vấp phải tạm ngưng hoạt động
Ngày 3-6, Sở Y tế TP HCM cho biết Bệnh viện quận Gò Vấp vừa phải tạm ngưng hoạt động vì liên quan một bệnh nhân F3 thành F0.
Theo Sở Y tế TP HCM, bệnh nhân L.N.A.T (30 tuổi; ngụ phường 12, quận Gò Vấp) là nhân viên văn phòng một công ty tại quận 5. Ngoài ra, bệnh nhân này còn làm công việc giao hàng bán thời gian cho một ứng dụng. Người này đã được lấy mẫu xét nghiệm ngày 31-5 do tiếp xúc với một trường hợp F2.
Cụ thể, ngày 25-5, L.N.A.T tiếp xúc với một trường hợp F2. Ngày 29-5, trong thời gian từ 9 giờ đến 9 giờ 30 phút, bệnh nhân đi khám sức khỏe xin việc tại Bệnh viện quận Gò Vấp nhưng không khai báo dịch tễ đầy đủ, sau đó về nhà.
Sau khi ghi nhận trường hợp này, Bệnh viện quận Gò Vấp đã tạm ngừng nhận bệnh nhân để tiến hành khử khuẩn và sẽ hoạt động trở lại trong 1-2 ngày tới.
Bệnh viện quận Gò Vấp phải tạm ngưng hoạt động vì liên quan một ca F3 thành F0. (Ảnh: HẢI YẾN)
Sở Y tế TP HCM cho biết tính đến chiều 3-6, trên địa bàn TP có 2 bệnh viện bị phong tỏa và 4 bệnh viện phải tạm ngưng nhận khám bệnh ngoại trú do liên quan đến trường hợp nghi mắc Covid-19 .
Trong đó, Bệnh viện quận Tân Phú và Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn đang tạm thời phong tỏa toàn bệnh viện vì phát hiện có nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 . Hiện 2 bệnh viện này thực hiện công tác khử khuẩn, rà soát quy trình sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế và thân nhân, bệnh nhân nội trú do các ca nghi mắc Covid-19 đã đến khám bệnh.
4 bệnh viện đang tạm thời ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú do có người bệnh nghi mắc Covid-19 đến khám gồm: Bệnh viện quận Bình Thạnh, Bệnh viện Phụ sản Mê kông, Bệnh viện Tâm thần cơ sở Lê Minh Xuân và Bệnh viện quận Gò Vấp.
Ngoài ra, 2 phòng khám cũng đang phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từng đến khám là Phòng khám Đa khoa Trần Diệp Khanh và Phòng khám Đa khoa Xóm Mới (quận Gò Vấp).
Theo Sở Y tế TP HCM, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đang diễn biến phức tạp, đã có nhiều trường hợp người nghi mắc Covid-19 đến bệnh viện khám và điều trị nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Từ đó, dẫn đến việc một số bệnh viện và phòng khám phải tạm ngưng để rà soát, đánh giá lại toàn bộ công tác phòng chống dịch.
Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, Sở Y tế TP HCM đề nghị các đơn vị khi có người bệnh nhập viện điều trị trong ngày hoặc điều trị nội trú, bệnh viện phải lấy mẫu xét nghiệm Realtime - PCR cho cả người bệnh lẫn thân nhân để tầm soát SARS-CoV-2, phân luồng sàng lọc kỹ...
Các bệnh viện, trung tâm trước đó phải tạm ngưng, hiện hoạt động trở lại bình thường gồm: Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố , Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, Trung tâm Y khoa Medic, Bệnh viện quận 1
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội tuyển thẳng thí sinh là F0, F1 để đảm bảo an toàn
Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 sáng 3/6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định những ngày qua, các ổ dịch ở thành phố đã được kiểm soát tích cực.
6 ngày qua không có ca mắc mới ở ngoài cộng đồng. Tuy nhiên lại có nhiều ca F1 trở thành F0 ở các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó dịch bệnh ở các tỉnh lân cận và TP Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp.
“Thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ cao cần sự chung sức của mọi người dân để cùng dập dịch”, ông Dũng nói.
Ông Dũng nhắc lại và quán triệt chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND thành phố trong công điện số 12 trong ngày 2/6 với những phần việc rất cụ thể ở 5 nhóm vấn đề.
“Sự hưởng ứng, trách nhiệm của các công dân trong khu cách ly tập trung có vai trò rất quan trọng. Cần tuyên truyền vận động để công dân thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch bởi khi F1 trở thành F0 thì F2 cách ly ở gia đình phải chuyển vào khu cách ly tập trung. Trước hết là ảnh hưởng đến chính sức khỏe của trường hợp F1, sau đó kéo theo nhiều vấn đề xã hội”, ông Dũng nêu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Về việc thi tuyển sinh lớp 10, Sở GD&ĐT và Sở Y tế đã có hướng dẫn liên ngành cụ thể tới các địa phương, điểm thi; cha mẹ học sinh, thí sinh phải thực hiện những phần việc gì để chống dịch.
“Sở GD&ĐT cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn các hướng dẫn này để mọi người tham gia kỳ thi thực hiện tốt nhất các biện pháp, không để xảy ra các tình huống xấu. Các địa phương phải xây dựng kịch bản chi tiết, tổ chức diễn tập rút kinh nghiệm để các chỉ đạo sát nhất với thực tế. Từ nay đến trước lúc thi thành phố sẽ có cuộc họp trực tuyến để rà soát, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi này, đảm bảo an toàn nhất cho các thí sinh dự thi”, ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, theo đề xuất của Sở GD&ĐT thí sinh là F0, F1 thì tuyển thẳng. Theo rà soát, hiện chưa có thí sinh là F0, 11 F1 phân đều ở nhiều địa bàn.
"Việc tuyển thẳng không tính vào các chỉ tiêu được giao. Phương án này được đưa ra để đảm bảo an toàn cho các thí sinh, các lực lượng phục vụ kỳ thi. Trưởng Ban chỉ đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đề xuất tuyển thẳng các trường hợp F0, F1 và xét tuyển với F2 đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Phải thực hiện nghiêm chính sách một cách chặt chẽ, tránh việc trục lợi chính sách”, ông Dũng nói.
Với các trường hợp F2: khi F1 âm tính thì F2 trở lại là người bình thường. Nếu cần thiết, các điểm thi bố trí cho các trường hợp này ở riêng phòng để tạo tâm lý yên tâm cho các thí sinh khác.
Nêu việc đề thi có giảm thời gian làm bài so với trước đây khiến nhiều người dân băn khoăn, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói rõ: “Cấu trúc đề thi giữ nguyên, chỉ giảm độ dài từng phần đảm bảo vẫn phân loại được thí sinh”.
Ông Dũng nhấn mạnh, thành phố quyết định không tổ chức thi buổi chiều, từ 3 buổi rút thành 2 buổi thi để đảm bảo an toàn, giảm áp lực nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công tác tuyển sinh.
Với các nhiệm vụ khác, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế tổng kết, rà soát các quá trình tiêm vắc xin lần trước nhất là đối tượng, sức khỏe sau tiêm để chuẩn bị an toàn tuyệt đối cho đợt tiêm vắc xin COVID-19 sắp tới của thành phố
(Theo Tiền Phong)
Gần 300.000 người ở TP.HCM liên quan ổ dịch hội thánh truyền giáo
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 26/5 đến nay, thành phố ghi nhận 265 trường hợp nhiễm COVID-19 (trong đó có một số ca bệnh Bộ Y tế chưa công bố nên được xem là ca nghi nhiễm) có liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội truyền giáo Phục hưng.
Có 20/22 quận huyện ở TP.HCM và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu) ghi nhận các ca mắc liên quan đến ổ dịch này.
Thành phố đã điều tra, truy vết, khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến các trường hợp nhiễm, ca nghi nhiễm mới.
HCDC cho biết từ 26/5 đến hết ngày 2/6, thành phố đã lấy 299.157 mẫu xét nghiệm, trong đó 4.241 tiếp xúc gần, 294.916 tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm. Kết quả trong 4.241 mẫu tiếp xúc gần đã có 4.024 mẫu có kết quả âm tính, 217 đang chờ kết quả.
Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm đã có 108.226 mẫu có kết quả âm tính, 186.690 mẫu đang chờ kết quả.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, có 530 bệnh nhân được phát hiện tại thành phố, trong đó 267 ca điều trị khỏi, 262 ca đang điều trị, 1 ca tử vong là BN5463.
Ngành y tế đang chuẩn bị kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm đợt 3. Hiện, thành phố đã nhận 70.000 liều vắc xin phòng chống COVID-19 từ chương trình tiêm chủng mở rộng.
(Theo Dân Việt)
TP.HCM: Ra khỏi quận Gò Vấp đi làm phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Sáng 3/6, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước nhằm đảm bảo phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các sở, ban, ngành TP, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, UBND các phường xã, thị trấn cư trú trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện Chỉ thị 16 thì giao lãnh đạo các đơn vị phân công, giao việc và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được làm việc tại nhà.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện các công việc có tính chất quan trọng, đặc thù không thể làm việc tại nhà thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xem xét bố trí nơi lưu trú tạm thời phù hợp ngoài địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12.
UBND TP.HCM yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được rời địa bàn.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước có trụ sở trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 bố trí tối đa không quá 1/3 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị làm việc tại trụ sở để giải quyết các công việc theo chức năng, nhiệm vụ.
UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước bố trí không quá 1/2 công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ quan, đơn vị mà bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp.
Đối với các đơn vị đặc thù trực thuộc UBND TP, sở, ban, ngành Thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, giao lãnh đạo các đơn vị có báo cáo nhu cầu bố trí cán bộ, công chức, người lao động công tác tại đơn vị để UBND TP xem xét, quyết định. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại công sở.
Thành phố yêu cầu lãnh đạo các cơ quan quản lý cán bộ thông qua kết quả công việc, lưu ý không để công việc bị đình trệ, nhất là việc có thời hạn, thời hiệu. Kết quả hoàn thành tiến độ và chất lượng công việc được phân công tại nhà là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại hiệu quả công việc kể từ quý II/2021 đến khi có thông báo mới.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà mở điện thoại 24/24h, hoàn thành đúng tiến độ công việc được giao; không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.
Thành phố cũng yêu cầu tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết. Trong trường hợp cần thiết thanh tra, kiểm tra cần hạn chế số lượng người tham gia. Đồng thời, tạm dừng công tác tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
Việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính, UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ trên tinh thần phục vụ yêu cầu của cá nhân, tổ chức; đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.
Đối với những hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận trước ngày 3/6, các cơ quan, đơn vị chủ động trả qua dịch vụ bưu chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức đến trực tiếp trụ sở để nhận kết quả thì cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện trả kết quả.
Các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến.
(Theo Dân Việt)
2 F1 ở Bắc Giang lăng mạ lực lượng chức năng, chống đối không đi cách ly
Ngày 3-6, tin từ Công an Xã Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết lực lượng chức năng vừa khống chế và áp giải 2 đối tượng là F1 chống đối không đi cách ly tập trung.
Nguyễn Văn Siêu và Nguyễn Văn Lành bị cưỡng chế đi cách ly tập trung.
Theo đó, 2 thanh niên là Nguyễn Văn Siêu (SN 1994) và Nguyễn Văn Lành (SN 1997), cùng trú tại thôn Đồng Tiến, xã Quang Châu, huyện Việt Yên) được xác định trong diện F1 (tiếp xúc gần ca bệnh Covid-19) và buộc phải đi cách ly tập trung theo quy định. Tuy nhiên, khi lực lượng y tế xã Quang Châu đến yêu cầu đi cách ly thì 2 đối tượng này có hành vi chống đối, không chịu đi, thậm chí là có lời lẽ xúc phạm, đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ.
Ngay khi nhận được tin báo, Công an xã Quang Châu đã cử tổ công tác đến khống chế và áp giải 2 đối tượng đi cách ly tại Khu cách ly tập trung của xã Quang Châu theo quy định.
(Theo Người Lao Động)
Đà Nẵng cách ly tập trung 21 ngày với người về từ nơi giãn cách theo Chỉ thị 15
Sáng 3-6, UBND TP Đà Nẵng ban hành công văn bổ sung các biện pháp cách ly tập trung nhằm phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, bắt đầu từ 12 giờ 00 ngày 3-6, Đà Nẵng thực hiện cách ly y tế tập trung đối với người từng đến, về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Các trường hợp này thực hiện cách ly tập trung đủ 21 ngày kể từ ngày rời khỏi địa phương hoặc kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân COVID-19.
Những người này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đủ bốn lần: Lần một ngay khi bắt đầu cách ly, lần hai vào ngày thứ bảy, lần ba vào ngày thứ 14, lần bốn vào ngày thứ 20.
Các trường hợp về từ vùng dịch khác tiếp tục thực hiện theo Công văn 3244 ngày 27-5 của UBND TP Đà Nẵng. Các trường hợp đặc biệt khác phải có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.
Các trường hợp về từ vùng dịch thuộc diện cách ly tập trung tự chi trả các chi phí liên quan đến cách ly tập trung, kể cả chi phí xét nghiệm COVID-19.
Trường hợp về từ các địa phương có dịch thuộc diện cách ly tại nhà khi đến TP Đà Nẵng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ tính từ lúc lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh giao các ngành quản lý chặt chẽ danh sách, yêu cầu các trường hợp cách ly tại nhà ký cam kết không ra khỏi nhà trong thời gian cách ly và thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà, kịp thời xử lý các trường hợp không tuân thủ quy định.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
84 y bác sĩ Phú Thọ lên đường "chia lửa" cùng Bắc Giang chống dịch
Sáng 3/6, Sở Y tế Phú Thọ tổ chức gặp mặt đoàn cán bộ của tỉnh gồm 84 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang chống dịch COVID-19.
Tại buổi lễ, ông Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ghi nhận và biểu dương tinh thần xung kích tình nguyện của các cán bộ y tế. Đây là lần thứ 2 tỉnh Phú Thọ cử đoàn công tác tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch trong đợt dịch lần thứ 4 này. Trước đó, ngày 31/5, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cũng đã cử đoàn công tác gồm 6 bác sĩ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu tới Bắc Ninh hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ông Hồ Đại Dũng mong muốn lần "chia lửa" này, mỗi cán bộ sẽ là một chiến sỹ, phát huy chuyên môn, khắc phục khó khăn, phối hợp tốt với tỉnh bạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh và nhân dân giao phó.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế Phú Thọ phát động phong trào tình nguyện đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang. Chỉ sau 1 ngày phát động xung phong tình nguyện, với tinh thần tương thân, tương ái, với nghĩa cử cao đẹp của người cán bộ y tế trên quê hương Đất Tổ, đã có 142 cán bộ y tế đăng ký tham gia.
Sở Y tế đã chọn 84 cán bộ trong đó có 18 bác sĩ thuộc các chuyên ngành hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, đa khoa, ngoại, nhi, y học cổ truyền, 66 điều dưỡng dược sĩ, kỹ thuật viên. Đây đều là các cán bộ, y bác sĩ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét nghiệm, truy vết, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Huy Ngọc - Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ yêu cầu các y bác sĩ trong Đoàn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ cán bộ ngành Y, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khoẻ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ nhấn mạnh, đây vừa là trách nhiệm cũng vừa là cơ hội để các y, bác sĩ được trực tiếp rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt nhất, học hỏi và trau dồi kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành hồi sức của Trung ương cũng đến hỗ trợ tỉnh Bắc Giang.
Thay mặt đoàn công tác, ThS.Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - Trưởng đoàn cán bộ y tế tỉnh Phú Thọ tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch COVID-19 - bày tỏ sự xúc động khi tỉnh đã tin tưởng, giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ cao cả lần này và khẳng định đoàn sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, cùng các đồng nghiệp tại Bắc Giang chiến thắng dịch bệnh.
Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng và lãnh đạo Sở Y tế đã tặng hoa và quà động viên các y, bác sĩ lên đường thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Bắc Giang.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bắc Giang thêm 157 ca dương tính SARS-CoV-2, di chuyển 4.000 người khỏi vùng tâm dịch
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang cho biết đến 19 giờ ngày 2-6, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn 2 ổ dịch COVID-19 vẫn phát sinh thêm trường hợp F0. Tổng số trường hợp F0 (ca dương tính SARS-CoV-2) là 2.683 trường hợp (tăng 157 trường hợp); F1 là 18.112 trường hợp; F2 là 81.627 trường hợp.
Lực lượng y tế làm công tác phòng chống dịch ở Bắc Giang - Ảnh: CDC Bắc Giang
Các ca dương tính mới chủ yếu là công nhân, ngoài ra có một số trường hợp không phải là công nhân do là người nhà, người tiếp xúc gần, được phát hiện tại khu vực tập trung nhiều công nhân trên địa bàn huyện Việt Yên (thôn Núi Hiểu, Tam Tầng và Trung Đồng), đã ở trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế.
Dự báo trong những ngày tới, số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng song mức tăng có chiều hướng giảm và tăng chủ yếu trong nhóm công nhân ở các nhà trọ tại thôn Núi Hiểu, tại các khu cách ly có công nhân đã từng ở trọ tại thôn Núi Hiểu. Các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế, trong vùng phong tỏa. Sẽ tiếp tục có một số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, song các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu là người thân, người tiếp xúc gần với công nhân nhiễm bệnh, người dân trong các khu vực đã cách ly, phong tỏa.
Tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khu vực cách ly tập trung, đảm bảo đúng các quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Tiếp tục chỉ đạo quản lý nghiêm tại khu cách ly, không để lây chéo. Sau khi cách ly đủ 21 ngày, khi về địa phương vẫn phải giám sát quản lý chặt thêm 7 ngày nữa (phải tuyên truyền vẫn còn nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho mình và người thân).
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang hiện còn cách ly y tế 224 thôn, tổ dân phố; cách ly y tế 4 xã, phường, thị trấn; giãn cách xã hội 31 xã, phường, thị trấn, 18 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 6 huyện; giãn cách xã hội TP Bắc Giang, huyện Tân Yên. Bắc Giang chỉ đạo thực hiện nghiêm và nâng cao hơn một mức đối với các khu vực cách ly y tế, cách ly xã hội, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg, nhất là khu vực có nguy cơ cao như: Núi Hiểu, Tam Tầng, Trung Đồng (Việt Yên).
Đến nay, đã có 5.546 trường hợp đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung được đưa về nơi cư trú tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định; Tỉnh Bắc Giang dự kiến di chuyển toàn bộ 4.000 công nhân và người dân tại thôn Núi Hiểu, huyện Việt Yên để tiến hành khử khuẩn làm sạch môi trường tại khu vực này, tổ chức xét nghiệm đảm bảo điều kiện an toàn trước khi được đưa trở lại địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt những người vi phạm để đảm bảo mọi người chấp hành các quy định phòng chống dịch.
Đến nay, các lực lượng chức năng, địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch với số tiền trên 2,6 tỉ đồng.
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội lên phương án cách ly 40.000 người, huy động mọi nguồn lực để có vắc-xin Covid-19
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiểm tra khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ngày 31-5.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu siết chặt quản lý tại toàn bộ cơ sở cách ly tập trung của TP, giao Sở Y tế, Bộ Tư lệnh thủ đô, UBND các quận huyện, thị xã: Rà soát kỹ lưỡng toàn bộ quy trình, cách thức phòng, chống dịch ở mỗi cơ sở cách ly; căn cứ các quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12-3-2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19", nhất là điều kiện cơ sở vật chất, khu sinh hoạt, vệ sinh... và tình hình dịch bệnh "mới" (với các biến chủng virus có tốc độ, khả năng lây lan rất nhanh) tại từng cơ sở cách ly. Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng quy trình cụ thể, thay đổi linh hoạt đáp ứng điều kiện thực tiễn dịch bệnh hiện nay. Trong quá trình triển khai, nếu khó khăn vướng mắc, chủ động trao đổi, giải quyết, báo cáo UBND TP trong các tình huống phức tạp để kịp thời xử lý.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở đánh giá, đề xuất việc điều phối cách ly các đối tượng F1, chia thành từng nhóm nguy cơ, thông tin cơ sở y tế địa phương, cơ sở cách ly ngay khi tiếp nhận; tránh xếp các nhóm nguy cơ khác nhau vào cùng 1 phòng để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo. Rà soát xây dựng quy trình cụ thể, khép kín 1 chiều từng khu vực cách ly, từng khu phòng, có quy định riêng cụ thể trong từng khu vực; rà soát các quy định chuyên môn trong khu cách ly để yêu cầu lực lượng quản lý chặt chẽ, vận hành nghiêm túc, tránh tâm lý chủ quan gây ra lây nhiễm; thường xuyên khử khuẩn những nơi dùng chung; giảm mật độ, giãn cách hơn nữa trong các khu cách ly tập trung; điều chỉnh thời gian và số lần lấy mẫu phù hợp với mức độ, nguy cơ lây nhiễm.
Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc vận hành của các khu cách ly tập trung để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, chuyên môn chặt chẽ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt camera tại các khu cách ly tập trung, xong trước ngày 12-6-2021.
Sở Y tế chỉ đạo việc tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc, bổ sung tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 cho lực lượng (quản lý, cán bộ y tế, người lao động… tại các cơ sở cách ly tập trung), để chủ động sàng lọc, đánh giá nguy cơ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tại cơ sở cách ly tập trung. Rà soát, xây dựng phương án tổ chức đáp ứng khả năng cách ly lên 40.000 người tại các khu vực ra xa trung tâm TP; chỉ đạo Ban quản lý các Khu cách ly cần chăm lo đầy đủ vật chất, tinh thần cho người cách ly. Đặc biệt, mỗi điểm cách ly phải cố gắng trở thành một "trường học" kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe để mỗi người dân sau khi kết thúc cách ly sẽ trở thành những tuyên truyền viên phòng, chống dịch hiệu quả nhất cho gia đình, bạn bè và người thân.
Yêu cầu Công an TP phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các chốt trực lưu động để kiểm tra lượng phương tiện ra vào các cửa ngõ của Thành phố, quản lý toàn bộ lưu lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các địa phương có ca mắc mới như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM...
Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội và các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã xây dựng kịch bản phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, trình UBND TP ban hành trước ngày 8-6-2021.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm quy định về Bệnh viện an toàn và Phòng khám an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn tuyệt đối tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP. Tăng cường khả năng, công suất điều trị bệnh nhân Covid-19; các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Yêu cầu nhân viên y tế, nhân viên phục vụ tuyệt đối tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2….
Triển khai huy động các lực lượng trong tất cả các khâu, quy trình như lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, điều trị để bổ sung thêm cho lực lượng y tế hiện có tại các cấp; xây dựng phương án trực luân phiên, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các lực lượng để có thể duy trì triển khai trong thời gian dài.
Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ độ, Công an TP rà soát và xây dựng phương án đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế đặc biệt là trang thiết bị phòng hộ đảm bảo đầy đủ trong mọi tình huống, phù hợp với từng tình hình và kịch bản cụ thể; UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và xây dựng phương án đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế đặc biệt là trang thiết bị phòng hộ đảm bảo đầy đủ trong mọi tình huống, phù hợp với từng tình hình và kịch bản cụ thể theo phương châm 4 tại chỗ.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an TP, Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 các quận, huyện, thị xã nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, rà soát, hoàn thiện các phương án tổ chức kỳ thi, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo TP. Trong đó, lưu ý: Tăng cường chỉ đạo, thường xuyên chặt chẽ, sự phối hợp của cả hệ thống chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt các bậc phụ huynh, tạo sự đồng thuận xã hội đối với kỳ thi; rà soát kỹ lưỡng, xây dựng và hoàn thiện các phương án tổ chức kỳ thi, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; rà soát, sàng lọc đối tượng học sinh, tổ chức diễn tập, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh kịp thời các tình huống phát sinh.
Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP về việc huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 trên địa bàn TP.
(Theo Người Lao Động)
Hải Dương giãn cách xã hội thêm 11 huyện, thị, thành
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhận định, nguy cơ bùng phát COVID-19 rất cao do tình hình dịch bệnh trong cả nước và các tỉnh lân cận đang diễn biến rất phức tạp. Một số trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại TP Hải Dương chưa xác định được nguồn lây.
Do đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo, lãnh đạo triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống COVID-19. Theo đó, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đối với 11 huyện, thị, thành theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung cao độ công tác phòng, chống dịch tại các phân xưởng, nhà máy, các chợ dân sinh, siêu thị, bệnh viện. Tăng cường kiểm soát tại các chốt liên ngành cấp tỉnh nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch từ ngoại tỉnh.
Đối với người từ ngoài tỉnh trở về từ vùng dịch hiện đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị số 16 phải được cách ly y tế tập trung. Những người trở về từ vùng dịch hiện đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị số 15 yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày và phải lẫy mẫu xét nghiệm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu huyện Thanh Hà, TP Chí Linh bố trí lực lượng và tổ chức kiểm soát người ra vào để mua bán, vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ. Người từ vùng có dịch đến mua bán, vận chuyển phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong 5 ngày gần nhất.
Đối với TP Hải Dương, tập trung kiểm soát và dập dịch hoàn toàn. Tiếp tục thực hiện các biện pháp về giãn cách xã hội và hạn chế các dịch vụ không thiết yếu ở 10 phường như hiện nay.
Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để kiểm soát dịch bệnh; tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người trở về từ vùng dịch. Siết chặt quản lý và tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các chợ dân sinh trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch tại các chợ dân sinh.
Các sở ngành, huyện thị chủ động phòng, chống dịch tại các phân xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là trong các khu công nghiệp để thực hiện tốt "mục tiêu kép".
Giao tổ công tác đặc biệt tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ đạo của Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ dịch bệnh trong các phân xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
(Theo Tiền Phong)
TP. HCM mở rộng 2 khu cách ly tập trung với sức chứa hơn 6.000 người
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM vừa cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan rộng, ngày 28/5, TP.HCM đã tiến hành mở 2 khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh và khu A5, A6 thuộc ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM với sức chứa khoảng 6.600 người.
Hiện khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh và khu cách ly ký túc xá Đại học quốc gia TP. HCM đã được đưa vào sử dụng và đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tại đây, người được cách ly phải ký vào bản cam kết thực hiện nội quy cách ly, được phát khẩu trang và các vật dụng thiết yếu trước khi vào cách ly.
Khu cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh. Ảnh: HCDC
Ngoài ra, khu cách ly cũng có bố trí phòng riêng để xử lý khi có ca bệnh xảy ra. Trong quá trình cách ly, việc vệ sinh phòng do người cách ly tự giác thực hiện, riêng khu vực hành lang sẽ có đội phun khử khuẩn hàng ngày. Bên ngoài các phòng cách ly sẽ có nơi để đặt bình sát khuẩn và các phần thức ăn theo giờ quy định.
Thêm vào đó, các quy trình phòng chống dịch COVID-19 tại khu cách ly cũng đang được hoàn chỉnh nhằm đảm bảo khu cách ly hoạt động an toàn và hiệu quả. Sắp tới các khu cách ly sẽ được lắp camera giám sát để trích xuất khi cần.
Trong đợt dịch này, đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao nên việc cách ly sẽ thực hiện nghiêm ngặt hơn, mỗi phòng cách ly chỉ chứa từ 2-4 người, không được phép tiếp xúc giữa các giường khác trong cùng phòng và không giao lưu giữa các phòng với nhau.
Hiện tại, ngành y tế TP.HCM đang phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng gồm có 9 khu của quân đội và 1 khu của Ký túc xá Đại học Quốc gia với tổng công suất 19.520 giường. Khi đó TP.HCM có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.
Chiều ngày 2/6, TP.HCM phát hiện thêm 6 nhiễm mới trong cộng đồng. Như vậy tính riêng trong ngày 2/6, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 29 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Cũng trong ngày 2/6, ghi nhận thêm 2 bệnh nhân là 2 ca F1 của BN4781 liên quan đến quán bánh canh có kết quả âm tính trước đó và phát hiện nhiễm khi đang thực hiện cách ly. Tổng số ca nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng hiện nay là 248 bệnh nhân. Tổng số ca nhiễm liên quan đến bánh canh ở quận 3 là 7 bệnh nhân (chuỗi lây nhiễm này trước đó có 5 bệnh nhân).
(Theo Gia đình và Xã hội)
Long An: Truy vết người tiếp xúc ca F0 tại TPHCM
Hôm qua (2/6), sau khi bệnh nhân 7069 (SN 1994, ngụ TPHCM) được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Nam công nhân được cách ly tập trung, điều trị tại TPHCM.
Do BN 7069 đang làm việc tại Cty TNHH A.D (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Sở Y tế tỉnh Long An đến hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đối với người huyện Cần Giuộc, đại diện Cty CP Long Hậu, đại diện Cty TNHH A.D các biện pháp truy vết, khoanh vùng, triển khai các hoạt động dập dịch.
Đã truy vết được 102 F1 của BN 7069, gồm những người làm chung chuyền, các phòng liên quan, xe buýt, bảo vệ và nơi ăn tại công ty. 102 F1 này được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung; các F2, F3 đang tiếp tục được truy vết.
(Theo Tiền Phong)
.tabcorona{word-spacing:-5px;border-bottom:1px solid #e4e4e4}.tabcorona .tablinks{display:inline-block;padding:10px 15px;color:#666;font-size:14px;border:1px solid #e4e4e4;border-bottom:0;cursor:pointer;word-spacing:0}.tabcorona .tablinks.active{font-weight:700;color:#f45d40;border:1px solid}Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/covid-19-36-2-f1-o-bac-giang-lang-ma-luc-luong-chuc-n...