COVID-19 19/2: Số ca nhiễm tăng nhanh, địa phương họp khẩn, tạm dừng dạy học trực tiếp
- Thứ bảy - 19/02/2022 09:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
8 diễn biến
Số ca nhiễm tăng nhanh, TP.Lào Cai dừng dạy học trực tiếp
Ngày 18/2, sở Y tế tỉnh Lào Cai đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị y tế cơ sở để bàn giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại địa phương. Số ca nhiễm ghi nhận tại tỉnh này tăng nhanh, chưa có dấu hiệu giảm.
Cụ thể, ngày 17/2, tỉnh Lào Cai ghi nhận 933 ca nhiễm Covid-19; ngày 18/2, số ca nhiễm Covid-19 mới lên tới 1.197 ca và có thêm 1 người tử vong. Trong 3 ngày từ 16/2 đến 18/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.899 ca mắc mới, trong đó, TP.Lào Cai ghi nhận 1.315 ca. Tính từ đầu dịch Covid-19 đến ngày 18/2, Lào Cai có 11 người tử vong do nhiễm Covid-19, đa số những trường hợp tử vong đều có nhiều bệnh nền, chưa tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đủ số mũi vắc xin cần thiết để có kháng thể trước SARS-CoV-2.
Để đảm bảo và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, sớm giảm nhanh các ca mắc, UBND tỉnh quyết định tạm dừng việc học trực tiếp chuyển sang hình thức học trực tuyến đối với học sinh tất cả các cấp trên địa bàn TP.Lào Cai.
Hiện nay, thành phố Lào Cai có 15 xã, phường thuộc cấp độ dịch 4; 2 xã cấp độ 3.
Nguồn: (Tổng hợp)
Từ đầu năm 2022, Sơn La vượt ngưỡng 10.000 ca mắc COVID-19
Tính từ 7h ngày 18/2 đến 7h ngày 19/2, trên địa bàn tỉnh Sơn La ghi nhận 1040 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước đến nay.
Trước đó một ngày, địa phương này cũng ghi nhận 889 F0. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, đa số các ca mắc đều được phát hiện tại cộng đồng và đã tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm cao.
Luỹ kế từ ngày 1/1/2022-19/2/2022, Sơn La phát hiện 10.153 ca mắc COVID-19; trong đó có 4.211 ca khỏi bệnh. Hiện toàn tỉnh có 15.349 người đang theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cộng đồng.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhanh sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch; tăng cường các biện pháp giám sát, xét nghiệm xác định ca bệnh bảo đảm linh hoạt, hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19; triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân năm 2022...
Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền việc thực hiện "5K + vaccine + thuốc điều trị + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác", "Cách ly - xét nghiệm - điều trị". Đồng thời, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, nhất là thông điệp "5K" của Bộ Y tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp tục thực hiện tốt việc phân tầng điều trị bệnh nhân F0 và cách ly F1 tại nhà... Bảo đảm đáp ứng linh hoạt công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tu-dau-nam-2022-son-la-vuot-nguong-10000-ca-mac-covid-19-1692...
Bộ Y tế đề nghị sớm xem xét đưa kit test xét nghiệm COVID-19 vào diện bình ổn giá
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bổ sung biên chế cán bộ làm công tác quản lý trang thiết bị y tế
Bộ Y tế cho biết thời gian vừa qua Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó ghi nhận một số tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố nghiên cứu, phối hợp triển khai những nội dung, cụ thể:
Bộ Y tế đề nghị sớm xem xét đưa kit test xét nghiệm COVID-19 vào diện bình ổn giá
Về phía Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm công tác thanh tra y tế từ trung ương đến địa phương; Đặc biệt là đối với Cơ quan Thanh tra Bộ Y tế do hiện nay lực lượng cán bộ quá ít trong khi phải thực thi nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong thời gian gần đây như công tác phòng, chống dịch COVID-19 hoặc công tác giám định tư pháp/định giá tài sản theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Bộ Công an.
Bổ sung biên chế cán bộ làm công tác quản lý trang thiết bị y tế từ trung ương đến địa phương để triển khai công tác hậu kiểm về hoạt 2 động đăng ký lưu hành, đủ điều kiện sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế nói chung và các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với Bộ Tài chính, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch COVID-19; Ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Với Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo đặc biệt qua hệ thống mạng đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế trong đó có các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường hậu kiểm về đăng ký lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm
Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ trì, phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn về hoạt động cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế trong đó có quy định tiêu chuẩn chuyên gia đánh giá phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực trang thiết bị y tế;
Xây dựng quy trình cụ thể cho hoạt động đánh giá trực tiếp tại nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế, tiêu chí để đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của cơ sở được đánh giá chứng nhận ISO 13485:2016...;
Chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng rà soát, chấn chỉnh hoạt động tiến hành đánh giá, việc cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 13485:2016 của các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn ISO đủ điều kiện kinh doanh đánh giá sự phù hợp.
Bộ Y tế yêu cầu Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn (Công an, Quản lý thị trường....) tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các phòng, ban và các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-de-nghi-som-xem-xet-dua-kit-test-xet-nghiem-covid-19-...
Khánh Hòa vượt mốc 66.000 ca nhiễm Covid-19
Ngày 18/2, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết từ 17h ngày 17/2 đến 17h ngày 18/2, toàn tỉnh ghi nhận thêm 525 ca nhiễm Covid-19 mới.
Các ca bệnh được ghi nhận tại Tp.Nha Trang 202 ca, thị xã Ninh Hòa 50 ca, huyện Vạn Ninh 32 ca, huyện Diên Khánh 51 ca, Tp.Cam Ranh 71 ca, huyện Khánh Vĩnh 12 ca, huyện Khánh Sơn 3 ca, huyện Cam Lâm 104 ca. Trong đó có 138 ca ghi nhận trong cộng đồng, 363 ca cách ly tại nhà, 10 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung, 14 ca ghi nhận trong khu cách ly y tế tại dân cư.
Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh tăng 41 ca so với ngày 17/2. Số ca nhiễm mới tại thị xã Ninh Hòa giảm 25 ca, huyện Diên Khánh giảm 5 ca, huyện Khánh Sơn giảm 4 ca, Tp.Nha Trang tăng 1 ca, Tp.Cam Ranh tăng 20 ca, huyện Cam Lâm tăng 42 ca, huyện Vạn Ninh tăng 5 ca, huyện Khánh Vĩnh tăng 7 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 66.402 ca nhiễm, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Riêng đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 66.069 ca. Ba huyện, thị xã, thành phố ghi nhận số mắc cao là Tp.Nha Trang với 35.486 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 9.678 ca, huyện Diên Khánh 7.096 ca.
Trong ngày 18/2, có 155 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi, ra viện là 63.711 ca. Số ca tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 303 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị là 2.388 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà là 2.162 người.
Trong 24 giờ qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 3.804 lượt người, xét nghiệm RT- PCR cho 30 lượt người.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Tỉnh này đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.450.446 lượt người, xét nghiệm RT- PCR cho 1.665.129 lượt người.
Tính đến 23h ngày 17/2 có 7.085 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 2.705.575 liều. Trong đó, mũi 1 là 1.090.055 người, mũi 2 là 1.080.752 người, mũi 3 là 741.232 người.
Trong số này, người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 975.225 người (tỉ lệ 102,34%); tiêm mũi 2 là 971.052 người (tỉ lệ 101,90%); tiêm mũi 3 là 741.232 người (tỉ lệ 77,78%). Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 114.830 người (tỉ lệ 100,49%); tiêm mũi 2 là 109.700 người (tỉ lệ 96%).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”, tính đến chiều ngày 18/2, trong toàn tỉnh có 649 thôn, tổ dân phố bình thường mới - “vùng xanh”; 113 thôn, tổ dân phố nguy cơ - “vùng vàng”; 87 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao - “vùng cam” và 119 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”.
Tính đến 17h ngày 18/2, Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận hơn 73,239 tỷ đồng từ 850 tổ chức, cá nhân ủng hộ. Trong đó có hơn 41,390 tỷ đồng ủng hộ mua vắc-xin; hơn 28,849 tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch và 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ cứu trợ tỉnh. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã tiếp nhận gạo và nhu yếu phẩm trị giá 10,58 tỷ đồng; thiết bị y tế gồm 2 xe cứu thương, 55 máy trợ thở, 10.000 liều thuốc đặc trị Covid-19, 3.350 bộ kit test nhanh, 2.500 bộ đồ bảo hộ, 15.500 khẩu trang y tế…
Trung tâm đã chuyển 40 tỷ đồng tiền mua vắc-xin, trích hơn 21,079 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và mua lương thực, thực phẩm cứu trợ; phân bổ tất cả số gạo, nhu yếu phẩm, rau củ quả, thiết bị y tế. Kinh phí còn lại hơn 12,160 tỷ đồng.
Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tổ tự quản an toàn trong phòng, chống dịch, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ ở trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do, cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn...
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-vuot-moc-66000-ca-nhiem-covid-19-a543460.html
Ca mắc Covid-19 tăng trở lại, Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 292 F0
Tối 18/2, tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt BCĐ) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 24 giờ qua trên địa bàn ghi nhận 292 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 80 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Theo đó, Tp.Vũng Tàu ghi nhận 40 ca, gồm 3 ca cách ly tập trung và 37 ca đang cách ly tại nhà.
Tp.Bà Rịa ghi nhận 36 ca, trong đó 27 ca cách ly tập trung, đang cách ly tại nhà và 9 ca ngoài cộng đồng, nhiều nhất ở phường Phước Hưng, phường Kim Dinh.
Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 85 ca, trong đó 77 ca cách ly tập trung, đang cách ly tại nhà và 8 ca ngoài cộng đồng.
Huyện Châu Đức ghi nhận 22 ca, gồm 15 ca cách ly tập trung, đang cách ly tại nhà và 7 ca ngoài cộng đồng.
Huyện Đất Đỏ ghi nhận 34 ca, trong đó 24 ca cách ly tập trung, đang cách ly tại nhà và 10 ca ngoài cộng đồng.
Huyện Long Điền ghi nhận 28 ca, trong đó 20 ca cách ly tập trung và 8 ca ngoài cộng đồng, chủ yếu phát hiện tại xã An Nhứt.
Huyện Xuyên Mộc ghi nhận 30 ca, trong đó 9 ca cách ly tập trung và 21 ca ngoài cộng đồng.
Huyện Côn Đảo ghi nhận 17 ca ngoài cộng đồng, nhiều trường hợp về từ ngoài tỉnh.
Trong ngày, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 34 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi (tỉ lệ F0 khỏi bệnh là 94,5%).
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại, BCĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Tiếp tục ủng hộ công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của địa phương theo tinh thần “Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”.
Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế đảm nhiệm công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, có thể chuẩn bị một số loại thuốc, thiết bị y tế theo hướng Bộ Y tế khi cách ly, điều trị tại nhà.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ca-mac-covid-19-tang-tro-lai-ba-ria-vung-tau-ghi-nhan-292-f0...
Nghệ An: Thêm 2.545 F0, huyện Quỳnh Lưu tạm dừng hoạt động đông người
Ngày 18/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận 2.545 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 624 ca cộng đồng, 2 ca tử vong.
Cụ thể, từ 18h00 ngày 17/2 đến 6h00 ngày 18/2, Nghệ An ghi nhận thêm 1.151 ca dương tính với Covid-19.
Trong đó có 296 ca cộng đồng; 855 ca đã được cách ly từ trước (852 ca là F1, 3 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12h qua: Diễn Châu, Tp.Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu.
Từ 06h00 đến 18h00 ngày 18/2, Nghệ An ghi nhận thêm 1.394 ca dương tính với Covid-19. Trong đó có 328 ca cộng đồng; 1.066 ca đã được cách ly từ trước (1.063 ca là F1, 03 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 44.253 ca mắc Covid-19.
Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 20.577 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong là 67 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị là 23.609 bệnh nhân.
Ngày 18/2, thông tin từ UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, huyện này vừa có văn bản về việc tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện khi áp dụng thực hiện cấp độ 4. Đây là địa phương cấp huyện duy nhất ở Nghệ An áp dụng cấp độ 4.
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu diễn biến phức tạp, nhiều ca nhiễm trong cộng đồng không xác định được nguồn lây, dịch Covid-19 đã bùng phát trên diện rộng. Hiện nay, mỗi ngày trung bình Quỳnh Lưu ghi nhận từ 150 đến 250 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm vượt 5.000 ca. Đây là vùng dịch lớn thứ 2 ở Nghệ An, sau Tp.Vinh.
Hiện tại, toàn huyện Quỳnh Lưu đang thực hiện cấp độ 4, vì vậy, từ 00h ngày 18/2 toàn huyện thực hiện nghiêm các nội dung theo quy định tại Quyết định số 3896/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh.
Theo đó, các hoạt động trong nhà (đại hội, hội họp, tập huấn, hội thảo...), không tập trung quá 10 người. Nếu tập trung quá 10 người (nhưng không vượt quá 50 người) thì phải đảm bảo một trong các điều kiện sau: 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ. Đám cưới, đám tang... ngoài thực hiện các quy định trên, gia đình phải báo và ký cam kết với UBND xã, thị trấn để kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt quy định 5K.
Các hoạt động ngoài trời không tập trung quá 15 người. Nếu tập trung quá 15 người (nhưng không vượt quá 70 người) khi đảm bảo một trong các điều kiện sau: 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ. Đám cưới, đám tang... ngoài thực hiện các quy định trên, gia đình phải báo và ký cam kết với UBND xã, thị trấn để kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt quy định 5K.
Về hoạt động vận tải hành khách, lưu thông vận chuyển hàng hóa, người điều khiển phương tiện phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định (72 giờ).
Trung tâm thương mại, chợ, cảng cá phải giảm 50% số lượng người mua, người bán.
Hoạt động nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán nước không phục vụ khách tại chỗ, chỉ bán mang về (trừ nhà hàng thuộc cơ sở lưu trú nhưng chỉ phục vụ khách đang lưu trú). Ngừng dịch vụ ăn uống trên vỉa hè, nơi công cộng. Cơ sở làm tóc (bao gồm cắt tóc), thẩm mỹ, massage, karaoke, quán bar, các cơ sở cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet phải ngừng hoạt động.
Về hoạt động giáo dục, đào tạo, yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến. Ngừng mọi hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các điểm tham quan du lịch, hoạt động thư viện, văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao (trừ địa điểm tập luyện).
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-2545-f0-huyen-quynh-luu-tam-dung-hoat-dong-dong...
Đắk Lắk tiếp tục ghi nhận thêm 605 trường hợp mắc Covid-19
Chiều 18/2, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 605 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có 441 trường hợp trong cộng đồng gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 260 ca, huyện Ea Kar 33 ca, huyện Krông Pắk 31 ca, huyện Cư Kuin 20 ca, huyện Ea H’leo 17 ca, huyện Krông Bông 14 ca, huyện Lắk 13 ca, thị xã Buôn Hồ 12 ca, huyện Cư Mgar 10 ca, huyện Krông Năng 10 ca, huyện Buôn Đôn 7 ca, huyện Krông Ana 6 ca, huyện M’Đrắk 5 ca, huyện Krông Búk 2 ca, huyện Ea Súp 1 ca.
Bên cạnh đó, có 152 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 26 ca, huyện Lắk 20 ca, thị xã Buôn Hồ 18 ca, huyện Krông Búk 15 ca, huyện Krông Bông 13 ca, huyện M’Đrắk 13 ca, huyện Cư Mgar 11 ca, huyện Krông Ana 9 ca, huyện Cư Kuin 8 ca, huyện Ea H’leo 7 ca, huyện Ea Súp 4 ca, huyện Krông Pắk 3 ca, huyện Ea Kar 3 ca, huyện Krông Năng 2 ca.
Ngoài ra, có 8 trường hợp ghi nhận qua sàng lọc (Tp.Buôn Ma Thuột 4 ca, huyện Krông Búk 2 ca, huyện H’leo 1 ca, huyện Krông Ana 1 ca), 2 trường hợp trong khu cách ly tập trung tại huyện Ea H’leo và 2 trường hợp trong khu phong tỏa tại huyện Ea Kar.
Tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 20.750 trường hợp mắc Covid-19.
Như vậy, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 20.750 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 3.987 trường hợp, 16.665 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và 98 trường hợp tử vong.
Toàn tỉnh có 1.688 trường hợp F0 điều trị tại nhà (đang điều trị 876 trường hợp, 796 trường hợp khỏi bệnh và chuyển tuyến 16 trường hợp).
Hiện, trên toàn tỉnh có 76 trường hợp cách ly tập trung và 4.446 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 nói trên, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức điều tra, truy vết, triển khai cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan có yếu tố tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Đồng thời, Sở Y tế đã hướng dẫn trung tâm y tế các huyện thực hiện phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại khu vực nhà bệnh nhân và những nơi bệnh nhân có ghé đến. Đồng thời, phản hồi thông tin cho các đơn vị liên quan để giám sát, truy vết các trường hợp tiếp xúc trong quá trình đi lại của bệnh nhân.
Ngành y tế cũng tiến hành theo dõi diễn biến điều trị bệnh nhân Covid-19 thường xuyên, đặc biệt công tác chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân chuyển mức độ bệnh nhằm giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong bệnh nhân Covid-19.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị người dân tiếp tục thực hiện thông điệp 5K: Khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-tiep-tuc-ghi-nhan-them-605-truong-hop-mac-covid-19-a...
Sở Y tế Tp.HCM ra văn bản khẩn yêu cầu tổng hợp năng lực chăm sóc F0 tại nhà
Ngày 18/2, Sở Y tế Tp.HCM có văn bản khẩn gửi đến các quận, huyện, Tp.Thủ Đức và các trung tâm y tế về việc nâng cao năng lực thu dung, điều trị Covid-19.
Sở Y tế Tp.HCM cũng đề nghị các quận, huyện và Tp.Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, gửi kế hoạch và tổng hợp năng lực chăm sóc F0 tại nhà của các phường, xã, thị trấn về Sở Y tế trước ngày 20/2.
Theo Sở Y tế, số ca mắc mới có chiều hướng tăng nhẹ sau Tết Nguyên đán và sau khi học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đảm bảo công tác thu dung, điều trị, chăm sóc F0 cách ly tại nhà và cộng đồng tại các địa phương phù hợp trong tình hình mới, Sở Y tế đã đề nghị các quận, huyện, Tp.Thủ Đức và các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ và tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị này căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, sắp xếp lại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, bao gồm cơ sở cách ly tập trung F0 và bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 do cấp huyện quản lý.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án bảo đảm công tác thu dung, điều trị F0 theo từng cấp độ dịch; phương án cần thể hiện rõ danh sách, địa điểm, quy mô giường cách ly điều trị của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; dự kiến nguồn nhân lực tổ chức vận hành và chăm sóc người bệnh; phân công trách nhiệm của từng đơn vị chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng thu dung, điều trị Covid-19 khi được kích hoạt trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Đối với cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà, Sở Y tế Tp.HCM đề nghị UBND cấp xã xây dựng kế hoạch tổ chức các cơ sở quản lý F0 tại nhà để chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà trên địa bàn; xây dựng quy chế phối hợp giữa Trạm y tế cấp xã và các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà; theo dõi sát số ca mắc mới, số F0 cách ly tại nhà để kịp thời kích hoạt mạng lưới chăm sóc F0 tại nhà.
Căn cứ nhân sự dự kiến của các cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, UBND cấp xã xác định số lượng hộ gia đình có khả năng chăm sóc, quản lý khi có ca F0 để đánh giá tỉ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với trạm y tế lưu động có một bác sĩ, từ một đến hai điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50-100 hộ có F0.
Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, có một bác sĩ, từ một đến hai điều dưỡng thì có khả năng chăm sóc, quản lý 50-100 hộ có F0.
Đối với tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng chỉ có nhân viên y tế, không có bác sĩ thì hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động chăm sóc, quản lý từ 10-20 hộ có F0.
Sở Y tế đề nghị cơ sở chăm sóc, quản lý F0 tại nhà khi tiếp nhận thông tin của người dân khai báo có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính phải đánh giá tình trạng lâm sàng và khai thác yếu tố dịch tễ.
Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0 theo quy định của Bộ Y tế tại Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021, cơ sở chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà thực hiện lại xét nghiệm cho người bệnh bằng xét nghiệm nhanh do Bộ Y tế cấp phép.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-y-te-tp-hcm-ra-van-ban-khan-yeu-cau-tong-hop-nang-luc-cha...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-192-so-ca-nhiem-tang-nhanh-dia-phuong-hop...
Tin tức 24h