COVID-19 14/3: Ca dương tính tăng cao đột biến dẫn đến quá tải cục bộ, địa phương ứng phó khẩn
- Thứ hai - 14/03/2022 09:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
6 diễn biến
Ca mắc COVID-19 ở Sơn La tăng cao đột biến dẫn đến quá tải cục bộ
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay trên địa bàn ghi nhận 79.875 ca mắc COVID-19. Đặc biệt trong tuần qua, mỗi ngày có thêm gần 5.000 F0 dẫn đến quá tải cục bộ tại một số cơ sở y tế.
Được biết ngoài hơn 41.000 người đang cách ly, điều trị tại nhà, Sơn La có 969 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh và Khu điều trị F0.
Sơn La có gần 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Ảnh: CDC Sơn La
Về trang thiết bị xét nghiệm, toàn tỉnh Sơn La hiện có 7 hệ thống xét nghiệm PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các bệnh viện: Đa khoa tỉnh; đa khoa Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu; đa khoa huyện Phù Yên; đa khoa Cuộc Sống; đa khoa Mộc Châu; đa khoa huyện Sông Mã. Trong đó, 3 đơn vị được phép xét nghiệm khẳng định là Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên.
Tuy nhiên, trang thiết bị điều trị của các cơ sở y tế hiện nay cơ bản chỉ đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường. Để điều trị bệnh nhân COVID-19 phải thành lập các cơ sở thu dung, điều trị riêng, với trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế. Do vậy, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhu cầu về trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tăng cao đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại một số địa bàn trong tỉnh, số lượng trang thiết bị y tế hiện có chưa đáp ứng được công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Về giải pháp khắc phục, theo ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La, các đơn vị trực thuộc đã rà soát nhu cầu trang thiết bị theo định mức quy định của Bộ Y tế, chủ động mua sắm, đáp ứng nhu cầu tại chỗ bằng nguồn thu sự nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị để đảm bảo kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Thực hiện điều chuyển trang thiết bị giữa các đơn vị, giải quyết nhu cầu cấp bách, cục bộ tại các địa phương bùng phát dịch. Đồng thời, đề xuất với UBND các huyện, thành phố hỗ trợ; kêu gọi vận động sự ủng hộ của nhân dân, các tổ chức xã hội.
Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sơn La đã nhận hỗ trợ từ Bộ Y tế 62 chiếc máy thở; 1 hệ thống xét nghiệm PCR; 1 xe tiêm chủng; 76.000 test nhanh; 2.820 chiếc khẩu trang N95; 500.000 chiếc khẩu trang y tế; 1.229 bộ quần áo phòng chống dịch và cơ số thuốc điều trị COVID-19. Hiện, Sở đang tiếp tục đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ một số thiết bị như máy thở, máy theo dõi bệnh nhân..
Về việc người dân khi mua thuốc tự điều trị COVID-19 và bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, Sở Y tế tỉnh Sơn La khuyến cáo, để sử dụng thuốc điều trị COVID-19 an toàn, hiệu quả, người dân cần mua và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do các tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra.
Bên cạnh đó, người dân chỉ mua và sử dụng các loại test nhanh xét nghiệm COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, Giấy phép nhập khẩu, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các nhà cung ứng hợp pháp tại các cơ sở công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế. Không mua và sử dụng các loại test nhanh xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng được rao bán trên mạng xã hội, gây tốn kém, lãng phí.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ca-mac-covid-19-o-son-la-tang-cao-dot-bien-dan-den-qua-tai-cu...
Nguy cơ tái nhiễm biến thể phụ của Omicron
Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện nhiễm biến thể Omicron. Đáng chú ý, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%. Tại TPHCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen. Ngoài ra biến thể BA.2 có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
Người cao tuổi, mắc bệnh nền cần được bảo vệ trước biến thể phụ của Omicron. Ảnh: Thái Hà
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết Omicron là chủng có 36 đột biến trong protein gai, giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh. Biến thể này gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng nếu không kiểm soát được sẽ dẫn tới ca nhiễm tăng dễ dẫn tới quá tải cho các bệnh viện, hệ thống y tế, từ đó tăng ca tử vong. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt 5K vì 5K giúp cản trở lây nhiễm. “Hiện virus chưa có biến đổi về đường lây, vẫn lây qua giọt bắn. Tại các địa phương dịch vốn đã rất căng thẳng, nếu phân tầng điều trị không thích hợp sẽ làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong”, TS Phu nói đồng thời khuyến cáo các địa phương cần đẩy nhanh việc tiêm phòng vắc xin COVID-19.
Đến nay việc biến thể Omicron có vô hiệu hóa hay làm giảm hiệu quả vắc xin COVID-19 hay không vẫn chưa rõ ràng, nhưng TS Phu cho hay một số nghiên cứu của quốc tế chỉ ra, tiêm vắc xin mũi 3 sẽ có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.
Có 8 triệu chứng nhiễm biến thể Omicron gồm: ho, chảy nước mũi, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, đau cơ, sốt, hắt hơi. Trong số này, ho, chảy nước mũi và mệt mỏi là các triệu chứng phổ biến nhất, sốt và hắt hơi ít nhất. Sau đó, các chuyên gia y tế công cộng bổ sung thêm triệu chứng buồn nôn vào danh sách các triệu chứng ở những người đã tiêm phòng mà vẫn nhiễm biến thể Omicron.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Thành viên Nhóm bác sĩ online hỗ trợ điều trị F0 tại nhà cho biết nếu người bệnh đã nhiễm chủng Delta, vẫn có thể nhiễm chủng Omicron trong vòng 1-2 tháng. “Muốn phân biệt nhiễm Delta hay Omicron, nhiễm biến thể phụ BA.1 hay BA.2 chỉ có cách giải trình tự gene để xác định”, bác sĩ Hoàng nói. Tuy nhiên bác sĩ Hoàng khuyến cáo, trong bối cảnh hiện nay, dù nhiễm Omicron hay Delta, người dân không nên chủ quan và sợ hãi. “Người dân cần bình tĩnh, không uống thuốc vô tội vạ, nên theo các hướng dẫn chính thống từ Bộ Y tế, Sở Y tế”, bác sĩ Hoàng nói.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, Omicron có thể là một biến thể kết thúc của cơn “đại hồng thủy” COVID-19. Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, có thể Omicron không gây tăng nặng như nhiều nghiên cứu dịch tễ đã chỉ ra nhưng với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay Omicron sẽ làm quá tải hệ thống y tế nếu không có cách tổ chức bài bản khoa học.
Bảo vệ nhóm nguy cơ trước biến thể mới
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM phân tích, một biến chủng virus có nhiều nhánh, nhiều dòng khác nhau không phải chuyện lạ, không phải chỉ có ở SARS-CoV-2. “Lúc trước, biến chủng Ấn Độ cũng có mấy nhánh nhưng rồi biến chủng Delta cũng lấn át. BA.2 lây nhanh thì sẽ nhanh chóng lấn át BA.1. Nhiễm Omicron loại nào thì bệnh lí cũng giống nhau, người nào tiêm vắc xin rồi thì nhẹ”, bác sĩ Khanh nói.
Về chuyện tái nhiễm, mắc BA.1 Omicron rồi có thể mắc lại biến chủng BA.2 hay không, theo bác sĩ Khanh “là có thể nhưng cực hiếm và cũng ở người có cơ địa đặc biệt. Theo một nghiên cứu của Đan Mạch thì tỉ lệ chỉ là một vài phần triệu”. Ông cho rằng nhiễm Delta rồi có thể tái nhiễm Omicron, tỉ lệ chừng 5%-10% nhưng bệnh cảnh cũng nhẹ. “Tái nhiễm nhẹ là vì lần mắc bệnh trước cũng đã cung cấp cho cơ thể một lượng kháng thể nhất định rồi, mà bản chất Omicron là nhẹ. Còn nhiễm Omicron thì không sợ tái nhiễm Delta nữa, mà Delta có thể đã biến mất trong một số cộng đồng. Bởi lẽ, virus nào lây nhanh hơn thì loại đó sẽ lấn át. Theo tôi, lây nhanh mà bệnh nhẹ, không quá tải khối hồi sức, lây trên một cộng đồng đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin thì không quá lo lắng. Điều cần làm trong lúc này là bảo vệ đối tượng nguy cơ, hạn chế sự lây lan cho nhóm này; bảo đảm cho họ tiếp cận được sớm, tốt nhất thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng...”.
Chung quan điểm này, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Chúng ta phải lưu ý bảo vệ các đối tượng dễ có nguy cơ bị nặng khi mắc COVID-19 như người có bệnh nền. Việc hạn chế các ca bệnh nặng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là đơn vị cấp cứu - hồi sức, từ đó giảm tỉ lệ tử vong”.
Nguồn: https://tienphong.vn/nguy-co-tai-nhiem-bien-the-phu-cua-omicron-post1422836.tpo
TP.HCM cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến: Mong hệ thống đăng ký không chập chờn
Anh Trần Thanh Tùng ngụ quận Tân Phú, chia sẻ hiện tại nên bỏ giấy xác nhận F0. Nếu cần xác nhận đã từng nhiễm COVID-19 thì đã có hệ thống quản lý bệnh nhân COVID-19, ứng dụng PC-COVID hay Sổ sức khỏe điện tử. Việc cấp giấy xác nhận F0 bằng giấy lãng phí bao nhiêu tiền của, công sức nhân viên y tế, hàng triệu người dân phải tốn thời gian xếp hàng chờ đợi lấy giấy, có khi nghỉ việc 2-3 ngày chỉ để đi lấy giấy.
“Mỗi người mất một ngày công thì tính ra lãng phí bao nhiêu tiền? Chưa kể tập trung đông người dịch lây lan nhanh hơn rồi tạo nhiều bức xúc trong xã hội” – anh Tùng bày tỏ.
Cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến sẽ giảm tải cho nhân viên y tế cơ sở. Ảnh: NGỌC LÀI
Cũng như anh Tùng, anh Nguyễn Văn Cường, ngụ phường 3, quận 8, cho biết giấy xác nhận F0 cần được cập nhật vào ứng dụng PC-COVID, Sức khỏe điện tử cho tiện dụng. Cả người dân và Nhà nước đều dễ quản lý thông tin. Việc cập nhật này phải thực hiện một cách bài bản và khoa học ngay từ đầu.
Ngoài ý kiến trên, một số bạn đọc cũng lo lắng trang web hệ thống quản lý bệnh nhân COVID-19 sẽ chập chờn khi có quá nhiều người thao tác cùng lúc.
Anh Trần Phú Quốc ngụ quận 4, băn khoăn: “Mấy ngày nay, tôi có vào thử đường link cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến https://khaibaof0.tphcm.gov.vn. Tuy nhiên, các lần nhấp vào link đều không thể cập nhật được thông tin”.
Không chỉ anh Quốc, nhiều người khác cũng phản ánh tình trạng không đăng nhập được đường link như hướng dẫn.
“Đối với người lao động trong các doanh nghiệp, giấy xác nhận F0 rất quan trọng và cần thiết. Nếu việc cấp giấy trực tuyến được trơn tru thì tốt biết mấy, chứ chập chờn như hiện nay chúng tôi sốt ruột lắm” – anh Quốc chia sẻ.
Chị Phạm Hằng Nga ngụ quận Gò Vấp, cho hay chị nhập thông tin F0 theo hướng dẫn được ba ngày nhưng không thấy ai liên hệ. Chị gọi điện thắc mắc với Trạm y tế phường 5, quận Gò Vấp. Nhân viên của trạm giải thích trạm chưa liên kết với hệ thống nên chưa nhận được thông tin. Vì vậy, hiện tại, trạm vẫn yêu cầu người dân ra tận nơi để khai báo F0.
Đại diện Trung tâm y tế quận 3 cho biết hiện tại, các trạm y tế vẫn đang tập huấn và chờ liên kết hệ thống quản lý bệnh nhân COVID-19, cho nên chưa thể cập nhật thông tin, cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến.
“Khi hệ thống vận hành nhịp nhàng, nhân viên y tế cơ sở sẽ giảm bớt áp lực, công việc cũng không còn ở mức quá tải. Chúng tôi cũng như người dân đang rất trông đợi hệ thống hoàn thiện” – đại diện Trung tâm y tế quận 3 chia sẻ.
Trước đó, ngày 11-3, Sở Y tế TP.HCM cho biết chuẩn bị đưa vào sử dụng công nghệ chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà theo hướng cung ứng dịch vụ công cấp độ 4.
Theo đó, người dân khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19, sau khi xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu dương tính thì đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh để khai báo và được xác nhận là F0. Khi đủ thời gian cách ly, F0 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà. Nếu có kết quả âm tính, gửi hình ảnh xét nghiệm vào “Nền tảng số quản lý COVID-19” để nhận giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà được gửi qua email.
Theo Sở Y tế TP.HCM, quy trình chuyển đổi số công tác quản lý F0 tại nhà được sở này cũng Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp triển khai. Hiện tại, các bước hiệu chỉnh kỹ thuật sau cùng của quy trình chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà theo hướng cung ứng dịch vụ công cấp độ 4 đang được khẩn trương hoàn thành.
Song song đó, Sở Y tế TP.HCM cũng tổ chức tập huấn và triển khai việc khai báo để xác nhận là F0 và cấp giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà cho tất cả bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức cùng 310 trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.
Nguồn: https://plo.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/tphcm-cap-giay-xac-nhan-f0-truc-tuyen-mong-he-tho...
Đồng Nai: Hầu hết ca nhiễm Omicron đều dưới 18 tuổi
Ngày 14/3, tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai vừa ghi nhận thêm 3.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, số ca nhiễm bệnh trên địa bàn toàn tỉnh đang có dấu hiệu giảm.
Đa số các F0 hiện nay đều là học sinh. Ảnh: Tuệ Mẫn
Để đáp ứng nhu cầu cách ly của người dân không có điều kiện cách ly tại nhà, Đồng Nai vẫn duy trì 18 khu cách ly tập trung với số giường trên 3.000.
Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, số ca dương tính với SARS-CoV-2 vẫn ở mức cao nhưng số ca chuyển nặng, nguy kịch, tử vong mỗi ngày không tăng, đó là một tín hiệu tốt.
“Đa số các ca nhiễm Omicron chủ yếu là người dưới 18 tuổi, đã được tiêm vaccine, sức đề kháng cao nên tỷ lệ bệnh chuyển nặng, tử vong thấp hơn so với trước”, ông Vũ nói.
Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương xem lại kịch bản ứng phó với biến chủng Omicron.
Ông Hùng cũng yêu cầu ngành y tế tập trung phòng chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trở nặng, tránh nguy cơ quá tải cho ngành y tế.
“Hiện nay đa số F0, F1 là học sinh và giáo viên nên chúng tôi có đề nghị Sở GDĐT Đồng Nai triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Nhanh chóng tuyên truyền, lấy ý kiến phụ huynh để sớm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Bên cạnh đó lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu ngành y tế và các địa phương tăng tốc tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho người trên 12 tuổi để đảm bảo an toàn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Còn Phó giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai, ông Võ Ngọc Thạch cho hay, hiện nay ngành giáo dục và các địa phương đang phối hợp chặt chẽ khi ra quyết định nên học trực tiếp hay chuyển sang học trực tuyến ở những thời điểm khác nhau của dịch bệnh.
Khi phải chuyển sang học trực tuyến thì trò thiệt thòi, thầy cô thêm vất vả. Do đó, không còn cách nào khác là phải tiếp tục nỗ lực để vừa duy trì học tốt trực tiếp lẫn cả trực tuyến nếu có học sinh bị cách ly hay cả trường phải tạm chuyển sang học trực tuyến vì địa bàn đóng chân trở thành vùng cam.
Việc quyết định cho học sinh chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến tùy vào cấp độ dịch của mỗi phường, xã và do chủ tịch UBND phường, xã quy định.
"Theo đó, những phường có dịch ở cấp độ 3 (màu cam), trường học ở địa bàn đó sẽ chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại vào thời điểm nào cũng do các địa phương quyết định căn cứ vào tình hình dịch bệnh”, ông Thạch nói thêm.
Nguồn: https://danviet.vn/dong-nai-hau-het-ca-nhiem-omicron-deu-duoi-18-tuoi-20220314111607647...
WHO bàn chuyện tuyên bố kết thúc đại dịch COVID-19
Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết các chuyên gia tại WHO đang bàn về những điều kiện báo hiệu đại dịch được tuyên bố từ ngày 30/1/2020 đã qua. Tuyên bố kết thúc đại dịch không chỉ là bước đi mang ý nghĩa biểu tượng mà còn dẫn đến việc đảo ngược những chính sách y tế cộng đồng trong thời kỳ đại dịch.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, hạn chế yêu cầu đeo khẩu trang và cách ly, mở cửa biên giới với du khách. Trong khi đó, nhiều nước châu Á vẫn đang báo cáo tỷ lệ lây nhiễm cao kỷ lục.
Số ca mắc ở Đức gần đây lại quay về mốc gần kỷ lục. Tỷ lệ tử vong lại tăng mạnh ở Hong Kong (Trung Quốc), còn tại Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày, lần đầu tiên sau gần 2 năm qua.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng dù số ca COVID-19 giảm xuống mức thấp hơn ở nhiều nơi, căn bệnh này vẫn gây ra hàng ngàn ca tử vong mỗi năm chứ không giống những bệnh lưu hành dai dẳng như sốt rét và lao. Và vẫn có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Theo ông David Heymann, cựu chuyên gia dịch tễ của WHO, nhiều quốc gia giờ không dựa vào hướng dẫn của WHO nữa mà chủ yếu dựa vào các nhóm cố vấn khoa học cấp quốc gia và khu vực.
Ông Heymann cho biết, chỉ số quan trọng để các quốc gia cân nhắc chấm dứt giai đoạn khẩn cấp là mức độ miễn dịch của cộng đồng, nghĩa là tỷ lệ dân có kháng thể với virus sau khi đã được tiêm phòng hoặc khỏi bệnh. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng khoảng 98% dân số Anh đã có miễn dịch với virus corona để ngăn nguy cơ bệnh nặng.
Theo chuyên gia này, miễn dịch cộng đồng là điều khó đạt được vì những vắc xin hiện nay không ngăn được tình trạng nhiễm bệnh và người mắc rồi vẫn có thể mắc lại.
Tại Mỹ, khoảng 98% người dân giờ không còn phải đeo khẩu trang trong không gian công cộng trong nhà. Tuy nhiên, giới chuyên gia ngày càng lo ngại về biến chủng BA.2, một phiên bản của Omicron đang lưu hành rộng rãi ở một số nước châu Âu.
Nguồn: https://tienphong.vn/who-ban-chuyen-tuyen-bo-ket-thuc-dai-dich-covid-19-post1422634.tpo
Nóng: Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn mới về quản lý F0 tại nhà
Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 604 kèm hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID- 19.
Tài liệu này thay thế Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế: số 261 ngày 31/01/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà và số 528 ngày 03/03/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19.
Theo hướng dẫn mới vừa ban hành ngày 14/3, tiêu chí lâm sàng của người mắc COVID-19 điều trị tại nhà được bổ sung "Là người bệnh COVID-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi COVID-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc".
Ngoài ra, Hướng dẫn kèm quyết định 604 bổ sung mục "Khai báo y tế" với F0 điều trị tại nhà.
Trong đó, F0 hoặc người chăm sóc thông báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 tại nhà... theo hướng dẫn của địa phương về: thông tin cá nhân, thời điểm được xác định mắc COVID-19, đối tượng được quản lý tại nhà, thời điểm hết cách ly, điều trị tại nhà.
Trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà thu thập thông tin và lập danh sách người mắc COVID-19 quản lý tại nhà theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01.
Các vật dụng cần thiết với F0 điều trị tại nhà
- Nhiệt kế;
- Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có);
- Khẩu trang y tế;
- Phương tiện vệ sinh tay;
- Vật dụng cá nhân cần thiết;
- Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
- Phương tiện liên lạc: Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...).
Thuốc điều trị tại nhà gia đình cần chuẩn bị khi có F0
- Thuốc hạ sốt: paracetamol cho người lớn: viên 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Paracetamol cho trẻ em (tùy theo cân nặng và độ tuổi): gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, 325mg, 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày.
- Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng): Thuốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin...., số lượng đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày. Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trong khi sử dụng thuốc.
- Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.
- Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng trong 01- 02 tuần).
Các hướng dẫn về "Theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19" hầu như không thay đổi so với các văn bản được ban hành trước đó (số 261 và số 528). Tuy nhiên, Bộ Y tế bổ sung yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.
Theo đó, F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:
- F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.
- Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.
- Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.
- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn
- Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nong-bo-y-te-ban-hanh-huong-dan-moi-ve-quan-ly-f0-tai-nha-169...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-143-ca-duong-tinh-tang-cao-dot-bien-dan-d...
Tin tức 24h