COVID-19 14/12: Nhiều học sinh dương tính với SARS-CoV-2, trường tiểu học khẩn cấp thành khu điều trị
- Thứ ba - 14/12/2021 11:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Số ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng từ 27/04
Tình hình tiêm chủng vaccine ở Việt Nam
Xem thêm số liệu vaccine COVID-19 >Số mũi đã tiêm toàn quốc
133.724.506
Số mũi tiêm hôm qua
757.345
6 diễn biến
Nghệ An: Nhiều học sinh nhiễm COVID-19, trường học thành khu điều trị
Ổ dịch lớn xã miền núi
Sáng 14/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An công bố, trong 12 giờ qua (từ 18h ngày 13/12 đến 6h ngày 14/12), huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An ghi nhận 5 ca dương tính mới với COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu mùa dịch của địa phương này lên 205 người.
Đặc biệt, cả 5 ca nhiễm mới này đều tại xã Lạng Khê, gồm: Bệnh nhân T.T.T.V. (SN 2016, bản Khe Thơi, xã Lạng Khê); bệnh nhân N.A.V. (SN 2016, bản Boong, xã Lạng Khê); bệnh nhân L.V.T. (SN 1982, bản Piềng Khử, xã Lạng Khê); bệnh nhân L.V.A. (SN 1982, bản Khe Thơi, xã Lạng Khê); bệnh nhân L.T.N. (SN 1987, xã Lạng Khê).
Xét nghiệm học sinh THCS và tiểu học Lạng Khê.
Đây là ổ dịch lớn nhất của huyện Con Cuông, đến nay đã có 39 ca ngoài cộng đồng. Đặc biệt, dịch còn xâm lấn trường học khiến 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải cách ly.
Bà Lô Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, huyện Con Cuông cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã đã có tới 44 người dương tính với SARS-CoV-2. Tại trường Tiểu học Lạng Khê đang điều trị cho 19 bệnh nhân thì có tới 10 em học sinh”.
Có nhiều học sinh nhiễm COVIDDĐ-19 tại ổ dịch này.
Hiện, xã Lạng Khê đang thực hiện cấp độ 4 y tế. Lực lượng chức năng đang khẩn trương xét nghiệm để bóc tách F0; điều tra dịch tễ và lịch sử tiếp xúc, tiếp tục điều tra những trường hợp tiếp xúc gần; tiến hành khử khuẩn tại các khu vực liên quan.
Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết thêm: “Dịch tại xã Lạng Khê đang diễn biến phức tạp, có nhiều học sinh nhiễm COVID-19 và đang có xu hướng tăng dần nên toàn bộ các em đều phải tạm nghỉ học cả trực tiếp và trực tuyến. Với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, thời gian tới dịch giảm, chúng tôi sẽ triển khai cho các em học trực tuyến để theo kịp chương trình”.
Xây dựng cơ sở điều trị tại trường học
Ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện uỷ Con Cuông cho biết, ngay khi phát hiện các ca bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Con Cuông đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện test nhanh toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân bản Chôm Lôm và bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê.
“Để phòng chống dịch, huyện Con Cuông áp dụng cấp độ dịch 2, riêng xã Lạng Khê nâng lên cấp độ 4. Người dân tại khu vực này được yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để chống dịch”, ông Hùng nói.
Trong ngày 13/12, Trung tâm Y tế huyện Con Cuông tiếp tục huy động lực lượng tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm PCR cho các trường hợp liên quan đến F0, lấy mẫu test nhanh sàng lọc cộng đồng cho người dân trong vùng phong tỏa tại bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê. Trong ngày đã lấy được gần 400 mẫu xét nghiệm PCR và test sàng lọc cho hơn 700 người.
Đồng thời, huyện Con Cuông cũng quyết định thành lập cơ sở thu dung, quản lý điều trị COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng tại Trường Tiểu xã Lạng Khê với quy mô gần 100 giường bệnh.
Theo đó, cơ sở này chịu trách nhiệm thu dung, khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 nhẹ, không triệu chứng, phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh COVID-19 tiến triển ở mức độ nặng; kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.
Trung tâm Y tế huyện Con Cuông, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An có trách nhiệm phối hợp các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện việc bố trí cơ sở vật chất, hạ tầng; trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế thiết yếu; nhân lực; hồ sơ bệnh án, sổ sách, quy trình chuyên môn; quản lý chất thải đúng theo hướng dẫn.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-nhieu-hoc-sinh-nhiem-covid-19-truong-hoc-thanh-khu-d...
Từ hôm nay, TP Hải Dương cho phép nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ
UBND TP Hải Dương vừa điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, từ 0h ngày 14/12, UBND TP cho phép các các hàng, quán, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán hàng tại chỗ và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch và đóng cửa trước 21h hằng ngày.
Đối với Trung tâm tiệc cưới chỉ được phục vụ số lượng khách không quá 50% chỗ ngồi và không quá 30 khách trong cùng một phòng hoặc khu vực riêng.
Ngoài xã Gia Xuyên và xã Liên Hồng, TP Hải Dương cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ (ảnh minh họa).
Quán ăn sáng, quán cà phê không phục vụ quá 30 khách trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng. Riêng địa bàn các xã Gia Xuyên, Liên Hồng chỉ được phép bán hàng ăn, uống mang về đến 21h hằng ngày.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà; dịch vụ spa, chăm sóc sắc đẹp, cắt tóc, gội đầu, làm móng, tập gym, yoga… tiếp tục được hoạt động với điều kiện không quá 50% công suất và không quá 30 người trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng và phải tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Đối với việc tổ chức tang lễ không tập trung quá 30 người trong cùng thời điểm, không quá 5 người/đoàn viếng, thực hiện nghiêm thông điệp "5K".
TP Hải Dương vẫn tiếp tục tạm dừng các hoạt động của các quán: game, internet, bi-a; phòng trà có tổ chức hát giao lưu văn nghệ và các quán karaoke, quán bar, vũ trường, mát - xa, rạp chiếu phim.
UBND TP Hải Dương yêu cầu thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với người ho sốt, người từ tỉnh ngoài, vùng có dịch về thành phố (kể cả người Hải Dương trở về) trong vòng 1 giờ. Các cá nhân, tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành quy định phòng chống dịch.
Tính từ ngày 12/10 đến 16h ngày 13/12, toàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 1.320 ca bệnh, trong đó có 137 ca bệnh có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch về và 809 trường hợp là F1 và cùng nhà, 38 ca ho sốt cộng đồng… Hiện Hải Dương có 24.919 trường hợp đang thực hiện cách ly.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tu-hom-nay-tp-hai-duong-cho-phep-nha-hang-quan-an-duoc-phuc...
Thừa Thiên-Huế: Đi từng ngõ, gõ từng nhà để "tiêm vét" vắc-xin phòng COVID-19
Ngày 14/12, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, lãnh đạo Tỉnh này đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đề nghị Ban Chỉ đạo các địa phương phải có cảnh báo, giải pháp từ sớm, từ xa để tránh bị động, bất ngờ. Phải đặt ra mục tiêu về hạn chế phát sinh ca bệnh và điểm dịch mới; tập trung mọi nỗ lực để phủ tối đa vắc-xin mũi 1 cho người dân, đẩy nhanh tiêm mũi 2.
"Huy động cấp ủy, các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác, mất bình tĩnh trước dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng", Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp sót người dân chưa được tiêm vắc-xin.
Trong khi đó, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cho rằng, công tác phòng, chống dịch cần phải tập trung và triển khai nhiều giải pháp hơn nữa, rà soát lại các điều kiện tổ chức thực hiện và đẩy mạnh kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Rà soát từng trường hợp 1, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để "tiêm vét" vắc-xin, không để xảy ra tình trạng sót người dân chưa được tiêm vắc-xin do thiếu tiếp nhận thông tin, ở vùng sâu vùng xa.
Ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ thêm, phải đánh giá điều kiện cơ sở vật chất khi triển khai cách ly F0 ở nhà, cần triển khai thí điểm để đánh giá trước khi triển khai rộng rãi mô hình này. Tinh thần của Nghị Quyết 128 là thích ứng và an toàn, nên việc đảm bảo an toàn cho người dân là điều quan trọng nhất, cần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Ban Chỉ đạo và các địa phương tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Các địa phương, đơn vị cần phải phối hợp tốt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, duy trì việc tầm soát thường xuyên, liên tục để phát hiện dịch bệnh, hạn chế việc phát sinh ổ dịch mới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cần huy động lực lượng công an địa phương để duy trì và hoạt động hiệu quả các chốt kiểm soát y tế. Chính quyền địa phương phải cố gắng khắc phục khó khăn để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, các cơ quan đơn vị, cán bộ công chức viên chức phải gương mẫu trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, hạn chế tối đa việc tổ chức các hội nghị, hội họp không cần thiết.
"Ngành giáo dục phải đánh giá được mức độ an toàn khi học sinh đi học trở lại. Ngành y tế huy động lực lượng, triển khai thêm các tổ tiêm lưu động để tiêm vắc-xin cho người dân, tuyên truyền, động viên các trường hợp chưa chịu tiêm vắc-xin, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp sót người dân chưa được tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, rà soát lại năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giường bệnh, thuốc nhằm đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất, giải phóng bệnh nhân sớm nhất khi đảm bảo các điều kiện an toàn", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nói.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thua-thien-hue-di-tung-ngo-go-tung-nha-de-tiem-vet-vac-xin-a...
Bí thư Đà Nẵng: Xét nghiệm diện rộng thời điểm này không mang lại hiệu quả cao
Bí thư Thành ủy yêu cầu ngành y tế phải thay đổi quan điểm xét nghiệm bởi việc xét nghiệm diện rộng thời điểm này khác trước, không mang lại hiệu quả cao.
“Trước đây chúng ta phong tỏa toàn thành phố, xét nghiệm diện rộng có thể bóc được F0 ra khỏi cộng đồng. Còn bây giờ chúng ta xét nghiệm diện rộng, mà với mức độ di chuyển của người dân như vậy thì không mang lại kết quả mục tiêu. Vì vậy cần có chiến lược xét nghiệm mới để hiệu quả hơn, tránh lãng phí”, ông Quảng phân tích.
Bí thư Thành ủy đề nghị ngành y tế phải có chiến lược xét nghiệm mới để hiệu quả hơn.
Ông lưu ý thêm, Hà Nội đã được Bộ Y tế đồng ý dùng kết quả test nhanh để khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Đây cũng là cách để huy động nguồn lực và tính chủ động từ người dân. Vì vậy ngành y tế cần phải xem xét để áp dụng.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung dập các ổ dịch, điểm nóng. Phải khẩn trương khoanh vùng, truy vết. Tuy nhiên đừng máy móc phong tỏa 14 ngày làm ảnh hưởng đời sống của người dân. Ngoài ra, phải tăng cường xử lý vi phạm phòng chống dịch. Riêng Công ty Matrix (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), lực lượng chức năng phải rà soát những vi phạm của công ty để xử phạt, đình chỉ hoạt động. Phải xử lý nghiêm vì công ty trở thành ổ dịch gây ra hàng loạt ca nhiễm.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh thống nhất thành lập bệnh viện dã chiến trên đường Hà Văn Tính (quận Liên Chiểu). Ngoài ra, các xã, phường lập Trạm y tế lưu động; các KCN thành lập các tổ y tế trên tinh thần có người của các KCN, doanh nghiệp, nhân viên y tế…để xử lý khi xảy ra lây nhiễm bên trong KCN.
Nguồn: https://tienphong.vn/bi-thu-da-nang-xet-nghiem-dien-rong-thoi-diem-nay-khong-mang-lai-h...
Bình Thuận: Khẩn tìm người đến vựa thanh long vì liên quan ca nghi nhiễm COVID-19
Sáng 14/12, UBND Tp.Phan Thiết vừa có Thông báo khẩn số 1178/TB-UBND liên quan đến địa điểm có ca nghi nhiễm COVID-19. Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận một ca nghi nhiễm là H.T.N.H, SN 1972, nữ, ở khu phố 5, phường Lạc Đạo.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu những người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo vì có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19 cụ thể:
Vựa thanh long Sơn Thủy, thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận từ 7h-20h ngày 29/11-8/12.
UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.
Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Tp.Phan Thiết.
Theo số liệu thống kê của UBND Tp.Phan Thiết, ngày 13/12, Thành phố này có 37 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 9 ca tại khu cách ly, 28 ca cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tính từ ngày 27/4 đến 18h ngày 13/12, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 21.986 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 7.409 trường hợp; thị xã La Gi 2.504 trường hợp; các huyện Tuy Phong 3.551 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 2.020 trường hợp, Bắc Bình 1.603 trường hợp, Đức Linh 1.613 trường hợp, Hàm Thuận Nam 1.212 trường hợp, Tánh Linh 959 trường hợp, Hàm Tân 625 trường hợp, Phú Quý 490 trường hợp.
Về công tác xét nghiệm, số mẫu đã lấy là 7.912 mẫu, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm 7.905 mẫu.
Riêng số mẫu đã lấy đối với các người dân tại khu vực cách ly y tế, "vùng đỏ", "vùng cam" theo Công văn 4048/UBND-KGVXNV ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh là 3.872 mẫu, trong đó xét nghiệm mẫu test nhanh có 2.993 mẫu và xét nghiệm mẫu PCR là 879 mẫu.
Số trường hợp cách ly là 55.091 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế có 21.342 trường hợp, cách ly tập trung của địa phương có 34.432 trường hợp, cách ly tập trung có thu phí có 317 trường hợp.
Số người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh từ 14h ngày 12/12 đến 14h ngày 13/12 là 2.891 người.
Tích lũy số người tiêm mũi 1 có 891.372, đạt tỉ lệ 98,8% (dân số ≥18 tuổi), số người tiêm mũi 2 có 690.053, đạt tỉ lệ 76,5% (dân số ≥18 tuổi). Tích lũy số trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm mũi 1 có 56.526, đạt tỉ lệ 41,6%.
Về công tác điều trị, số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 344 trường hợp.
Trong đó, các huyện Tuy Phong 92 trường hợp, Bắc Bình 57 trường hợp, Tp.Phan Thiết 46 trường hợp, Hàm Thuận Nam 32 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 31 trường hợp, Đức Linh 30 trường hợp, Phú Quý 25 trường hợp, Tánh Linh 20 trường hợp, Hàm Tân 8 trường hợp, thị xã La Gi 3 trường hợp.
Số trường hợp tử vong là 7 ca. Trong đó, huyện Tuy Phong 5 trường hợp gồm: Một bệnh nhân nữ, 68 tuổi, Hải Tân 1, thị trấn Phan Rí Cửa; 1 bệnh nhân nữ, 69 tuổi, Hải Tân 3, thị trấn Phan Rí Cửa; 1 bệnh nhân nữ, 63 tuổi, thị trấn Phan Rí Cửa; 1 bệnh nhân nam, 66 tuổi, Sông Thanh 3, thị trấn Phan Rí Cửa; 1 bệnh nhân nam, 56 tuổi, thị trấn Phan Rí Cửa; huyện Tánh Linh 1 trường hợp bệnh nhân nữ, 49 tuổi, xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh; Tp.Phan Thiết 1 trường hợp bệnh nhân nữ, tuổi 67, phường Mũi Né.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-tim-nguoi-den-vua-thanh-long-lien-quan-ca-nghi-nh...
Bao nhiêu người ở TPHCM đã tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19?
Sáng 14/12, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, đến ngày 13/12 toàn thành phố đã tiêm hơn 14,8 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Trong đó, liều bổ sung được tiêm cho 4.448 người thuộc nhóm suy giảm miễn dịch và 7.370 mũi vắc xin tăng cường cho tuyến đầu chống dịch.
Thành phố đang đẩy nhanh chiến dịch bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ. Tuy nhiên theo ông Tâm, nhiều địa phương đến nay vẫn chưa hoàn thành việc lập danh sách người trên 65 tuổi. Hiện nay, ngành y tế thành phố đang chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát, tiêm vắc xin với mục tiêu bao phủ đến người.
Liên quan đến hoạt động rà soát, chích ngừa vắc xin COVID-19 ở địa phương, ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, cho biết: "Theo phân tích số liệu tử vong, hơn 60% ca tử vong tại địa bàn Thủ Đức đều chưa tiêm vắc xin, kể cả người có bệnh nền hoặc không có bệnh nền. Đây là vấn đề đáng lưu tâm bởi tiêm vắc xin là giải pháp bảo vệ chính mình trước đại dịch. Tuy nhiên, nhiều gia đình có cha mẹ, ông bà lớn tuổi, kèm bệnh nền nghiêm trọng có tâm lý sợ tiêm vắc xin sẽ gây biến chứng nguy hiểm”.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, kết quả phân tích các trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua cho thấy phần lớn tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm chủng hoặc chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó. Sở Y tế khuyến cáo người dân ngoài tuân thủ các quy định phòng chống dịch cần chủ động chích ngừa vắc xin khi đến lượt để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguồn: https://tienphong.vn/bao-nhieu-nguoi-o-tphcm-da-tiem-mui-3-vac-xin-ngua-covid-19-post14...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-1412-nhieu-hoc-sinh-duong-tinh-voi-sars-c...
Tin tức TP.HCM