Buồn là đi tiểu luôn, thói quen tưởng tốt nhưng có thể gây hại mà nhiều người không ngờ
- Thứ tư - 06/03/2019 13:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đi tiểu đến 30 lần/ngày vì thói quen nhiều người mắc phải
Việc buồn và đi tiểu ngay tưởng chừng là điều hết sức bình thường, nhưng các bác sĩ lại cho rằng đó là thói quen không tốt mà nhiều người mắc phải. Thậm chí, nếu lặp lại thói quen này quá lâu sẽ gây nên những tác hại với sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Anh H.T.Đ. (43 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều năm nay phải sống khổ, sống sở vì thói quen liên tục đi tiểu của mình. Theo chia sẻ của anh Đ., cứ 30 phút anh lại đi tiểu 1 lần, ban đêm cũng phải 6-7 lần dậy đi tiểu, điều đó khiến cuộc sống của ảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đã 3-4 năm nay anh không muốn đi đâu ra khỏi nhà.
Trước tình trạng trên, anh Đ. đã đến một bệnh viện trên địa bàn quận Tây Hồ để thăm khám. Qua các thăm dò chức năng gồm: xét nghiệm máu, nước tiểu, chức năng gan thận, siêu âm và chụp X-quang đường tiết niệu, đều cho kết quả bình thường.
BS Vin đang tư vấn cho người bệnh.
Sau khi loại trừ khả năng bệnh lý như tiểu đường và các bệnh đường tiết niệu khác, anh Đ. được chỉ định đo dung tích bàng quang khi căng tiểu và thể tích nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu. Kết quả sau khi kiểm tra, các bác sĩ kết luận anh Đ. đã mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt.
BS Bùi Cảnh Vin – Chuyên khoa Nam học, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân Đ. cho biết, đối với người bình thường, khi bàng quang chứa từ 300-500ml là ngưỡng để có kích thích dẫn đến buồn tiểu, nhưng trường hợp của anh Đ. thì chỉ chứa 47ml đã có kích thích buồn tiểu (ngưỡng chứa chỉ bằng 1/6 người bình thường). Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn so với người bình thường.
Xử lý bằng cách tập luyện hàng ngày
Triệu chứng hay gặp phải của hội chứng này là tiểu gấp, tiểu nhiều lần, có hoặc không có triệu chứng tiểu gấp không kiểm soát kèm theo. Chia sẻ về nguyên nhân, BS Vin cho rằng, nhiều người khi buồn tiểu mà đi tiểu ngay là thói quen xấu.
Nếu thói quen đó được lặp lại nhiều lần sẽ làm ngưỡng kích thích của bàng quang giảm dần và có thể là một trong các nguyên nhân dẫn đến bàng quang tăng hoạt. Dù hội chứng này không nguy hiểm đến sức khỏe bệnh nhân, nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Thói quen đi tiểu nhiều lần có thể xử lý bằng cách rèn luyện.
Với trường hợp như bệnh nhân Đ., BS Vin cho rằng bước đầu tiên là sử dụng các biện pháp can thiệp hành vi nhằm phục hồi chức năng cho bàng quang, nhằm tăng ngưỡng kích thích của bàng quang.
Ví dụ như hướng dẫn bệnh nhân ghi nhật ký đi tiểu theo mẫu. Tập nhịn tiểu tăng dần thời gian giữa hai lần đi tiểu bằng cách: Tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp: bình tĩnh, ngồi xuống chùng cơ bụng, hít thở sâu và thư giãn, làm sao nhãng cảm giác muốn đi tiểu đồng thời chủ động co cơ đáy chậu. Tập làm chắc cơ sàn chậu: bài tập Kegel. Ghi chép và theo dõi dựa vào nhật ký đi tiểu
Ngoài ra, cần kiêng cần các chất kích thích: cà phê, thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt … Điều chỉnh lượng nước uống cho phù hợp, hạn chế nước buổi tối. Điều chỉnh cân nặng, chống táo bón...
Đối với các trường hợp kém hoặc không đáp ứng, các bác sĩ sẽ cần dùng phối hợp thêm các thuốc dạng uống hiện tại đáp ứng rất tốt cùng với can thiệp hành vi theo hướng dẫn của bác sĩ.
Từ trường hợp trên BS Vin mong muốn, người dân có nhận thức đúng về thói quen buồn tiểu là phải đi tiểu ngay, từ đó sẽ có những thói quen tốt hơn nhằm có một cuộc sống chất lượng, tốt đẹp hơn.