Bị bệnh gút nên ăn gì?
- Thứ ba - 16/08/2016 06:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
- 1
Nguyên nhân và triệu chứng bệnh gút
Bệnh gout đã được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine ở người, làm tăng tổng hợp acid uric và/hoặc giảm thải acid uric ra ngoài, gây tăng acid uric trong máu.
Người bị bệnh gút có biểu hiện đầu tiên là thường đau ở ngón chân cái, xuất hiện các tophi (u cục) ở khớp, quanh khớp, ở vành tai. Khởi bệnh đột ngột bằng một cơn viêm khớp cấp với tính chất: sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, đột ngột ở một khớp làm người bệnh rất đau đớn, không thể đi lại được.
Bệnh diễn biến từng đợt, giữa các cơn viêm cấp có những giai đoạn các khớp hoàn toàn hết đau, người bệnh tưởng mình đã khỏi. Giai đoạn đầu tiên thường không có bất kỳ triệu chứng nào ngoại trừ nồng độ acid uric trong máu cao. Các triệu chứng đầu tiên thường gặp là ngón cái sưng đỏ và đau nhức. Thường thì cơn đau sẽ xảy đến sau một tác động vật lý nào đó tại chỗ bị đau, hoặc sau một sự kiện về dinh dưỡng (ăn nhậu, tiệc tùng). Đau thường xuất hiện ở các khớp bao gồm các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể. Các tinh thể muối urat gây viêm khớp, dẫn đến sưng, đỏ, nóng, đau, và cứng khớp. Ở giai đoạn muộn, biểu hiện viêm ở nhiều khớp cả tay và chân, có thể đối xứng, xuất hiện những u cục ở nhiều nơi, đặc biệt quanh các khớp, bệnh diễn biến liên miên không rõ từng đợt, giữa các đợt viêm cấp các khớp vẫn đau nhức, dần dần gây biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ...
Hầu hết các bệnh nhân có các cơn đau tái phát trong vòng vài năm, tùy theo thể trạng và lối sống, mà thường là từ 1 - 3 năm. Nếu không chữa trị, trong giai đoạn sau, các cơn đau khớp cấp sẽ gây tổn thương nhiều khớp, làm tổn thương khớp, mất vận động, đau mạn tính và hình thành cục tophi (do tinh thể urat lắng đọng trong mô mềm).
Acid uric trong máu cao gây sưng đỏ, đau nhức các khớp ngón tay, mắt cá chân, bàn chân...Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gút là acid uric, vậy nên những người ăn nhiều thức ăn giàu purine sẽ làm tăng tình trạng tăng acid uric máu sẵn có, thúc đẩy họ trở thành bệnh nhân gút, làm nhanh tái phát các cơn gút, khó kiểm soát bệnh và sớm trở thành gút mạn. Những bệnh nhân bị béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu dễ bị gút và ngược lại, bệnh nhân gút rất dễ mắc 4 bệnh trên. Theo nghiên cứu, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mắc bệnh gút là do chế độ ăn uống sai lầm: uống quá nhiều rượu bia góp phần làm tăng acid uric máu mà còn làm cho acid uric dễ dàng bị lắng đọng tại tổ chức, gây cơn gút cấp, gây sỏi thận. Ăn nhiều phủ tạng động vật, thực phẩm có chứa nhiều protid, các loại thịt có màu đỏ, các loại hải sản, nấm, giá, bạc hà (dọc mùng)... Những thực phẩm này sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể. Bệnh nhân gút có tầm vóc trung bình 50kg không nên ăn quá 100g thực phẩm giàu đạm mỗi ngày.
- 2
Cách phòng bệnh gút
Người bị bệnh gút cũng phải dùng thuốc điều trị vì chế độ ăn uống không thể thay thế được thuốc điều trị. Tuy nhiên, chế độ ăn uống lại trở nên quan trọng và cần thiết khi người bệnh bị dị ứng với thuốc điều trị. Một chế độ ăn hợp lý sẽ cải thiện rất nhiều trong quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh. Những thực phẩm người bệnh cần dùng là: các loại rau xanh giàu chất xơ như dưa chuột, rau cần, cải xanh, cải bắp, khoai tây, bí đỏ, lê, táo nho...; uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc lá sakê; các loại ngũ cốc. Ngoài ra, bệnh nhân gout cần có một chế độ sinh hoạt, rèn luyện thân thể một cách khoa học; tránh làm những việc nặng, gắng sức; tránh bị lạnh đột ngột; tránh bị stress.