Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

Bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay
Theo thống kê trong thời gian từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021 rất nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ.

Nhiều tỉnh thành gia tăng số ca mắc tay chân miệng

Theo cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca bệnh tay chân miệng tăng ở mức báo động tại 21/24 quận, huyện; đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức. HCDC cho biết tháng 3 và 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ tết.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,5 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 1,2 nghìn ca so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tính riêng trong 3 tuần cuối tháng 3/2021, toàn tỉnh ghi nhận 396 ca, tăng 367 ca so với cùng kỳ năm ngoái, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Bệnh tay chân miệng đang gia tăng, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam.

Tại tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 250 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ, các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar. Đáng chú ý là xuất hiện nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng khiến bệnh nhi dễ bị các biến chứng về thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim và đã ghi nhận một trường hợp trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng.

Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng cần lưu ý 2 thời điểm dễ bùng phát

Trước tình trạng bệnh tay chân miệng gia tăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo tới cộng đồng để phòng căn bệnh này. Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Đây là căn bệnh xuất hiện quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-11.

Trẻ mắc tay chân miệng có biểu hiện nặng cần phải đưa đến bệnh viện ngay. (Ảnh minh họa)

Chú ý những dấu hiệu nặng cần đưa đi viện ngay

Bác sĩ chuyên khoa Nhi Trần Văn Đồng (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, trẻ bị tay chân miệng thường có triệu chứng như:

- Sốt, ăn uống kém hơn, đau họng, mệt mỏi, quấy khóc nhiều.

- Loét miệng thường bắt đầu như đốm đỏ phẳng, làm trẻ chảy dãi nhiều hoặc khó ăn uống. Vị trí quanh môi, lưỡi hoặc họng.

- Phát ban các đốm đỏ phẳng hoặc các phỏng nước nhỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi đầu gối, khuỷu tay, mông và/hoặc khu vực sinh dục.

- Những triệu chứng này thường xuất hiện trong các giai đoạn, không phải tất cả cùng một lúc. Không phải ai cũng sẽ có tất cả các triệu chứng này.

Tuy nhiên các phụ huynh cần đặc biệt chú ý dấu hiệu nặng, cần đưa trẻ đi khám hoặc đến bệnh viện ngay, đó là:

- Trẻ nguy cơ bệnh nặng, cần đi khám bác sĩ nếu sốt hơn 2 ngày, quấy khóc vô cớ không thể dỗ nín. Sốt từ 39 độ hơn, uống thuốc khó hạ. Buồn nôn và nôn.

- Trẻ bệnh đã nặng, cần nhập viện gấp nếu giật mình chới với, lúc thiu thiu ngủ, giật nảy tay chân người, choàng tỉnh rồi lại ngủ.

Không đi vững, tay chân yếu, đi lại loạng choạng, người run, rùng mình ngay cả lúc thức. Nôn tất cả mọi thứ hoặc nuốt nghẹn sặc, thay đổi giọng nói

- Trẻ bệnh rất nặng, cần đi cấp cứu ngay nếu khó thở hoặc thở bất thường, da lạnh nổi vân tím, mạch sờ không thấy hay quá nhanh.

Bệnh dễ lây nhiễm nên cần hết sức chú ý

Trẻ mắc tay chân miệng dễ lây nhất trong tuần đầu tiên, và kéo dài nhiều tuần khi đã hết triệu chứng, một số người đặc biệt là người lớn có thể lây nhiễm virus mà không có triệu chứng.

Virus có trong dịch tiết mũi họng, phân, phỏng nước trên da, bệnh có thể lây khi:

- Hít phải giọt bắn trong không khí có virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.

- Tiếp xúc với người bệnh: ôm, hôn, dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống.

- Tiếp xúc phân của trẻ bệnh khi thay tã hoặc đi vệ sinh sau đó chạm vào mắt mũi miệng.

- Chạm vào bề mặt có virus: tay nắm cửa, đồ chơi… sau đó chạm vào mắt mũi miệng.

Phân biệt thủy đậu và tay chân miệng

Cần lưu ý phân biệt giữa bệnh tay chân miệng và bệnh thủy đậu. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Trần Văn Đồng cho biết, trong quá trình theo dõi con, ở thời kỳ đầu, nhiều người dễ nhầm lẫn bệnh thủy đậu và tay chân miệng. Tuy nhiên hai loại ban này lại khác nhau và khi mắc cách điều trị cũng khác nhau nên các phụ huynh hết sức lưu ý để phân biệt.

* Với thủy đậu

- Phát ban dạng hồng ban bóng nước nhỏ khoảng 2 mm;

- Diễn tiến bóng nước: Hồng ban, bóng nước, hóa đục, lõm xuống vỡ và để lại vảy;

- Đa dạng về hình thái, nhiều lứa tuổi như trên ở trên một vùng da;

- Thường tập trung ở thân mình, trường hợp ít phỏng nước thì chỉ thấy trên đầu.

* Với tay chân miệng

- Phát ban dạng hồng ban bóng nước nhỏ;

- Đa số bóng nước không bị vỡ;

- Vết phát ban thường giống nhau trên một vùng da;

- Tổn thương đặc hiệu ở mông, gối, lòng bàn tay chân hoặc miệng. Có thể không có ở tất cả vị trí trên.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/benh-tay-chan-mieng-gia-tang-manh-bac-si-canh-bao-dau...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/benh-tay-chan-mieng-gia-tang-manh-bac-si-canh-bao-dau-hieu-can-dua-tre-den-benh-vien-ngay-d270684.html

Bé 3 tuổi bị tay chân miệng tưởng nhẹ, không ngờ biến chứng tổn thương não, liệt hầu họng
Dù biểu hiện ban đầu không có gì phức tạp nhưng sau đó bé trai 3 tuổi lại xuất hiện biến chứng rất nặng do bệnh tay chân miệng gây nên.
Bấm xem >>
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.giadinh.net.vn)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây