Bé trai bị hôn mê vì căn bệnh nguy hiểm mà cứ ngỡ sốt đau đầu thông thường
- Thứ tư - 24/04/2019 22:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh L.V.A (ngụ Đức Hòa, Long An) cho biết trước khi nhập viện, bé L.Q.H (13 tuổi, con anh A) bị sốt, đau đầu 3 ngày nhưng bé vẫn đi học đều, đến ngày thứ 4 thì sốt cao, đau đầu nhiều, ói nhiều và gồng cứng tay chân. “Khi bé được gia đình đưa đến bệnh viện ở địa phương thì đã lơ mơ, không tiếp xúc. Hoảng quá, gia đình chúng tôi chuyển bé đến Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố. Nghe các bác sĩ tại đây nói con đã vào hôn mê do phù não nặng, được đặt ống giúp thở, tôi đứng còn không vững”, anh A nói.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các BS tại đây đã tiến hành chụp CT khẩn và siêu âm chẩn đoán. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bé H có tụ mủ dưới màng cứng lượng nhiều, chèn ép não và đè xẹp não thất bên phải. Các bác sĩ hội chẩn ê kip Ngoại Thần Kinh quyết định mổ khẩn tháo rửa và dẫn lưu mủ cho em, đồng thời mở sọ giải áp.
Bé trai rơi vào hôn mê vì những triệu chứng cứ ngỡ đau đầu thông thường.
“Mở hộp sọ là chỉ định nhằm giải áp vì phần não phù sẽ ép lên phần não lành khiến máu không thể lên nuôi não sẽ gây tổn thương não nhiều, nặng hơn. Các trường hợp chấn thương sọ não hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nhiều và phù não, mất sọ hoặc hư sọ, chấn thương máu tụ cần bỏ một phần sọ ra ngoài để não bớt phù. Não phù giống như hiện tượng cơm sôi, buộc phải bỏ nắp ra để cơm cạn thì hộp sọ cũng hệt như vậy”, các BS cho biết.
Sau phẫu thuật ổn định, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực của BV tiếp tục tiến hành kiểm tra dịch màng não tủy, kết quả dịch não tủy của trẻ đã như nước dừa non, protein tăng cao 4-5 lần ở trẻ bình thường, bạch cầu lấp đầy dịch não tủy... Bé đã được sử dụng kháng sinh đặc biệt có thể thấm vào màng não với liều cao hơn so với bình thường, truyền tĩnh mạch dài ngày, theo dõi hậu phẫu thần kinh phức tạp sát sao, chụp phim CT kiểm tra sau mổ đầy đủ.Sau gần hai tuần điều trị, được dẫn lưu mủ, vết mổ của bé hoàn toàn ổn định. Em tỉnh táo, nhận biết được cha mẹ, tay chân yếu liệt dần hoạt động lại được và đang tập vật lý trị liệu khả quan. Tuy nhiên vẫn phải chuyển Khoa Nhiễm điều trị và theo dõi.
Nhận định của các BS cho biết đây là một ca bệnh cực kì nguy cấp bởi triệu chứng thần kinh khởi phát sớm và rầm rộ, nguy kịch tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.
Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.
Theo các chuyên gia, viêm màng não mủ (VMNM) là tình trạng nhiễm khuẩn màng não do các tác nhân gây bệnh có khả năng sinh mủ (chủ yếu là một số loại vi khuẩn) xâm nhập vào màng não gây nên. Là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em, nhiều nhất là ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Ba loại vi khuẩn gêy bệnh viêm màng não mủ hay gặp nhất là: phế cầu (Streptococcus pneumonia); H. influenza (Haemophilus influenza); não mô cầu (Neisseria meningitidis). Riêng ở giai đoạn sơ sinh vi khuẩn gây bệnh thường gặp là: Escherichia coli, Listeria monocytogenes, B.streptococcus. Ngoài ra nhiều loại vi khuẩn và nấm khác cũng có thể là căn nguyên gây VMNM nhưng ít gặp hơn và thường xảy ra trên những người bệnh có tình trạng suy giảm miễn dịch, khuẩn huyết .v.v.
Biểu hiện của bệnh viêm màng não:
Hiện chưa có bất kỳ văn bản chuẩn nào về chứng bệnh này. Giai đoạn cửa sổ thường từ 2 ngày đến 3 tuần, phụ thuộc vào loại viêm màng não.
Triệu chứng có thể biểu hiện rõ rệt hay không gì cả. Thường thì nó giống với cúm, gồm chảy nước mũi, sốt cao hay hâm hấp, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn vọt, sợ ánh sáng và cứng cổ.
Không phải biểu hiện nào ở trên cũng đúng. Có những trẻ chỉ có biểu hiện duy nhất là ngủ lơ mơ trong khi trẻ khác lại có thể trở nên ngớ ngẩn trong chốc lát; có những trẻ bỏ ăn hay bú kém và cáu kỉnh cả ngày.
Có các đốm vàng xám ở trên da, thóp phồng lên và lưng uốn cong có thể là những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh. Một đứa trẻ thường sẽ trấn tĩnh lại khi được mẹ ôm vào lòng, vỗ về nhưng với những trẻ bị viêm màng não thì sự đung đưa càng làm trẻ khó chịu, khóc nhiều hơn - và đây cũng là một biểu hiện của viêm màng não.
Mủ lấp đầy khoang dưới màng cứng
Phòng tránh bệnh viêm màng não mủ
Để tránh mắc bệnh viêm màng não mủ, cần vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh họng, miệng hàng ngày. Cần cách ly bệnh nhân và tránh tiếp xúc với người bị bệnh vì vi khuẩn có thể lây qua các giọt nước bọt, chất nhầy họng do bệnh nhân ho, nói bắn ra không khí xung quanh người lành trực tiếp hít phải. Hiện nay đã có vắcxin đặc hiệu, trẻ em dưới 36 tháng cần được tiêm loại vắcxin này để gây miễn dịch chủ động.
Khi nhiễm não mô cầu cần phân lập vi khuẩn và tiến hành thử test nhạy cảm với kháng sinh, dựa vào kết quả kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp điều trị là tốt nhất. Ở cơ sở nào chưa có điều kiện phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ thì dựa vào phác đồ để điều trị.
Hiện nay đang trong thời gian nắng nóng bệnh rất dễ lây lan vì vậy các bà mẹ nên tìm hiểu về bệnh để phóng tránh cho con mình.