3 bệnh nguy hiểm không kém tay chân miệng có nguy cơ bùng phát: Phải làm sao để phòng tránh?
- Thứ tư - 10/10/2018 09:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhằm chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh khi thời tiết giao mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.
Ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngoài bệnh tay chân miệng , hiện nay tình hình bệnh sởi và sốt xuất huyết cũng đang có những diễn biến phức tạp, vì thế người dân không nên chủ quan.
Các chuyên gia Bộ Y tế chia sẻ các kiến thức phòng bệnh cho người dân thông qua các phương tiện truyền thông.
1. Bệnh sởi
Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần.
Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1-4 tuổi chiếm 37,8%. Trường hợp đã được tiêm chủng (chiếm 13,6%), còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (chiếm 44,5%) và không rõ tiền sử tiêm chủng (chiếm 41,9%).
Để phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám. Điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Người dân cần phải nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết.
2. Bệnh sốt xuất huyết
Tích luỹ 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Theo nhận định của Bộ Y tế, số mắc trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2017, số mắc tích lũy cả nước năm 2018 giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.
Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
3. Bệnh cúm mùa
Bệnh cúm mùa thường gia tăng mỗi khi thời tiết thay đổi, bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng gặp nhiều nhất vào mùa đông xuân. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.