Ý kiến trái chiều việc đặt ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm
- Thứ ba - 13/09/2016 16:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng của ga ngầm khu vực hồ Gươm thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo đó, cửa ga không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh hồ Hoàn Kiếm).
Từng tham gia vào quá trình thẩm định đề án ga tàu điện với yêu cầu bảo vệ cảnh quan hồ Gươm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết cửa ga đặt gần các di tích như Đền Ngọc Sơn, trung tâm hồ Gươm nhằm tăng tiện ích cho người tham quan.
"Lý tưởng nhất là một trong hai cửa ga đặt trong khuôn viên của Tổng công ty Điện lực (cũng nằm cạnh hồ Gươm) thay vì phía sau đền Bà Kiệu, song do khó khăn về thu hồi đất của doanh nghiệp này nên đành chọn phương án trên", ông Quốc nói.
Điều ông Dương Trung Quốc lo ngại là tuyến tàu điện ngầm chạy dọc bờ đông hồ Hoàn Kiếm có thể ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của Hồ. "Liệu những khối bê tông lớn có ảnh hưởng đến lưu thông dòng chảy của hồ Gươm và sông Hồng hay không. Câu hỏi này rất cần các nhà chuyên môn giải quyết", ông Dương Trung Quốc nêu vấn đề.
Khu vực dự kiến đặt cửa ga tàu điện ngầm C9 tuyến tàu điện Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. |
Trước quan ngại cửa ga tàu điện ngầm nằm gần di tích có thể gây mất trật tự, lộn xộn giao thông, ông Dương Trung Quốc cho rằng, khu vực quanh Hồ Gươm là phố đi bộ chứ không phải đầu mối giao thông, vì vậy cơ quan chức năng sẽ có giải pháp phù hợp.
Ông Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia bày tỏ chưa đồng tình với phương án đặt cửa ga tàu điện phía sau đền Bà Kiệu, bởi theo ông, đặt ở vị trí Tổng công ty Điện lực là hợp lý nhất vì có không gian rộng, không bị che khuất như phía sau Đền.
"Tôi đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội di dời Tổng công ty Điện lực để lấy đất làm ga tàu điện ngầm, đây là đơn vị kinh doanh không phù hợp không gian văn hóa tại hồ Gươm, song có thể vì lợi ích kinh tế mà thành phố không di dời được", ông Đặng Văn Bài nói.
Trái với các quan điểm trên, PGS. TS Hà Đình Đức (ĐH Khoa học tự nhiên), cho rằng hồ Gươm là khu di tích quốc gia đặc biệt, không được xâm phạm, phải hạn chế xây dựng. Nếu đặt ga tàu điện tại đây sẽ phá vỡ cảnh quan yên bình của hồ Gươm. "Nên đặt ga tàu điện cách bờ Hồ vài tuyến phố để giữ nguyên vẹn di tích, người dân từ nơi xa đến có thể đi bộ vào tham quan hồ Gươm".
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, phương án vị trí ga tàu điện hồ Gươm hiện chưa phải quyết định cuối cùng của Hà Nội. Lãnh đạo thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, xin ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, sau đó mới có quyết định chính thức vì đây là di tích quốc gia đặc biệt.
"Việc xây dựng ga tàu điện có thể ảnh hưởng phần nào đến di tích song thành phố sẽ tính toán để ảnh hưởng ít nhất có thể", ông Tiến nói.
Đoàn Loan