Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tự ý dùng thuốc cảm cúm, nữ sinh du học vừa về nước suýt mất mạng

Tự ý dùng thuốc cảm cúm, nữ sinh du học vừa về nước suýt mất mạng
Khi có biểu hiện sốt, ho và hắt hơi, Q tự ý dùng thuốc trong một thời gian, hậu quả chị đã phải nhập viện vì lên cơn hen xuyễn, khó thở, phải nhập viện cấp cứu.

BS CKI. Nguyễn Viết Hậu – Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, khoa đã tiếp nhận và cấp cứu cho một nữ sinh Nguyễn Thị Q, 20 tuổi, sống tại TP.HCM.

Q hiện đang là một du học sinh vừa về nước ăn Tết cùng với gia đình. Khi nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng khó thở dữ dội, vã mồ hôi, tím tái,… Cô gái được chẩn đoán lên cơn hen phế quản nguy kịch.

Q cho biết, mình bị hen từ nhỏ, nhưng gần đây thấy khỏe nên cũng tự ngưng thuốc, không khám lại. Cách đây 1 tuần, Q có triệu chứng ho, hắt hơi liên tục, nghĩ cảm nhẹ nên tự điều trị bằng thuốc hạ sốt, thuốc ho tại nhà và cùng gia đình đi du lịch nhiều nơi từ Bắc vào Nam.

 

Bác sỹ Hậu đang thăm khám cho nữ bệnh nhân.

Hôm đấy chị Q. thấy ho nhiều nên uống tiếp một liều thuốc ho nữa, không ngờ đến tối bắt đầu xuất hiện cơn khó thở dữ dội, toàn thân tím tái, không nói chuyện được... Ngay sau đó, gia đình đã phải đưa chị vào bệnh viện cấp cứu.

BS Nguyễn Viết Hậu cho rằng, trường hợp bệnh nhân Q. do chưa được kiểm soát bệnh hen tốt, kèm với tình trạng chủ quan khi bệnh cảm kéo dài cả tuần mà không được dùng thuốc đúng cách, di chuyển nhiều trong lúc sức đề kháng suy giảm, dễ bị bội nhiễm vi trùng.

“Chị Q. còn dùng các thuốc ức chế ho không phù hợp làm ứ đọng đàm nhớt kích thích viêm, kích thích co thắt phế quản trầm trọng làm cơn hen bùng phát dữ dội, đe dọa tính mạng”, BS Hậu cho hay.

Từ trường hợp trên, BS Hậu khuyến cáo đối với người bệnh có bệnh lý mạn tính sẵn có, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp, nếu có bất kỳ triệu chứng của cảm hay cúm nào cũng nên khám và tư vấn bác sĩ thật kỹ nhằm tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra. Người có bệnh mạn tính có thể chủ động tiêm ngừa cúm hằng năm tại các cơ sở y tế.

“Cách tốt nhất để phòng ngừa cảm, cúm là nên vệ sinh tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn hay xà phòng. Trong đơn vị, cơ quan nếu có người bị cảm hay cúm nên cho nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan vì hai bệnh này lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết từ mũi họng,…

Bên cạnh đó, người dân nên vệ sinh ở các vị trí ít được chú ý nhưng có khả năng lây bệnh như nắm tay cửa ra vào, cửa toilet, điện thoại bàn, bàn phím,…vì dịch tiết dính vào các vật dụng này cũng chứa virus”, BS Hậu khuyên.

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây