Tự học, cô gái 9X lọp tốp 1% điểm SAT cao nhất thế giới
- Thứ bảy - 17/08/2019 15:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một năm theo đuổi ước mơ
Linh kể: “Mẹ mình có mở một quán bán bánh cuốn nóng. Mỗi lần thấy mẹ lúng túng dùng “ngôn ngữ tay” với khách nước ngoài, mình ước có thể hiểu và trao đổi được với họ. Mình cũng mơ ước du học nên quyết tâm tự học và chinh phục kỳ thi SAT”.
Sau khi tốt nghiệp THPT, cô gái sinh năm 1997 đã trúng tuyển vào một trường đại học ở Việt Nam. Nhưng cảm thấy không phù hợp nên Linh quyết định tạm dừng việc học để theo đuổi ước mơ du học.
Việc tự học để thi SAT có rất nhiều khó khăn. Linh phải chủ động trong mọi thứ như, tự tìm hiểu về nội dung và “format” bài thi, tự tìm câu trả lời cho các thắc mắc của mình, tự làm bài “test” để đặt mức điểm cho từng phần thi, tự lên lộ trình học...
Có lúc, cô cũng bối rối không biết nên dùng sách nào để tự học và thậm chí thấy nản vì đọc đề toán mà không hiểu, không nắm được văn phạm, hay không biết nên làm thế nào để hoàn thành phần đọc...
“Mình hiểu ba mẹ sẽ khó lòng chấp nhận nếu mình nói dừng học đại học. Thay vào đó, mình xin ba mẹ cho bảo lưu kết quả học tập một năm. Nếu hết thời gian bảo lưu mà đạt SAT 1400 điểm thì mình được toàn quyền đưa ra quyết định cho bản thân.
Trong một năm đó, mình phải cố gắng thực hiện được kết quả đã cam kết với ba mẹ. Nếu không, mình phải từ bỏ giấc mơ du học để tiếp tục học đại học Việt Nam”, Linh chia sẻ.
“Chiếc phao” tư liệu
Hiện tại, Thùy Linh và một số bạn thành lập dự án “Hit The Target Vietnam – The quest to realize your full potenial” có gần 2.000 thành viên, với hy vọng hỗ trợ cho các bạn học sinh không chỉ riêng về SAT mà còn về các kỳ thi ACT, AP, TOEFL, IELTS, bài luận.
Linh bày tỏ: “Mình cũng vất vả khi tự tìm tài liệu, tìm kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi SAT nên hiểu cảm giác “bơi” giữa muôn vàn thông tin về các kỳ thi sẽ khiến nhiều bạn hoang mang. Vậy tại sao, mình không làm một “chiếc phao” giúp các bạn tìm đúng thông tin, tài liệu muốn”.
Trong quá trình tự học, Linh hiểu, mỗi phần thi trong bài thi SAT đều có tính chất và yêu cầu riêng. Trong ba phần thi, thi viết là phần dễ có điểm nhất. Chủ yếu cần nắm chắc các nguyên tắc văn phạm được kiểm tra, các dạng câu hỏi và nguyên tắc trả lời cho từng dạng câu hỏi.
Cô nói về cấu trúc bài thi SAT mới gồm 3 phần thi chính, gồm: “Writing” (400 điểm), “Math” (800 điểm), “Reading” (400 điểm). Với Linh, “Reading” là phần thi khó tăng điểm nhất khi thi SAT.
“Để đạt được điểm cao ở phần này, mình đã phải làm quen với từ vựng và cách viết của bốn dạng văn bản thường xuất hiện trong bài thi là: Khoa học, khoa học xã hội, lịch sử, văn học.
Bên cạnh đó, để tăng điểm phần “Reading”, mình phải có chiến lược làm bài phù hợp để vượt qua giới hạn thời gian”, Linh nói thêm.
Cô còn chia sẻ, để vượt qua phần “Reading”, cần hiểu bài đọc, nắm chủ đề chính và cấu trúc của bài đọc. Riêng phần “Math” yêu cầu phải nắm chắc kiến thức, kỹ năng toán được kiểm tra, luyện tập nhiều các câu hỏi và dịch nhuần nhuyễn các từ thành các ký hiệu toán học đối với các câu hỏi toán đố.
Tự tạo áp lực để cố gắng hơn
Khi mới bắt đầu luyện thi, các bạn cũng như Linh đều tìm tới các đầu sách từ vựng của SAT cũ để học. Một điều các bạn cần lưu ý là đặt trường hợp còn rất nhiều thời gian để luyện thì có thể tham khảo các đầu sách trên để mở rộng vốn từ vựng.
Nhưng nếu chỉ còn vài tháng đến một năm thì việc đạt được chỉ tiêu điểm cao, “ngốn” 3.500 – 5.000 từ là không khả thi. Hơn nữa, bài thi SAT mới vẫn kiểm tra từ vựng bằng cách lồng các từ vựng khó vào bài đọc và kiểm tra từ vựng qua các câu hỏi “word in context”.
Thay vì học thuộc nghĩa của càng nhiều từ, các bạn nên đọc nhiều văn bản ở các chủ đề khác nhau để quen với cách hành văn và cách dùng từ của tác giả.
Linh kể: “Lúc học thi, mình áp lực nhất về thời gian. Áp lực cũng đến từ những người khác như họ hàng, hàng xóm về việc mình nghỉ học đại học.
Mình còn có một áp lực vô hình do chính mình tự đặt ra để cố gắng hơn. Khoảng thời gian đó, mình cũng khá stress nhưng ba mẹ luôn ủng hộ quyết định của mình”.
Thùy Linh có cách thư giãn và giải tỏa áp lực trước kỳ thi khá thú vị: “Trước ngày thi SAT, mình căng thẳng do lượng kiến thức quá nhiều. Nhưng thay vì cố gắng “nhồi nhét” thêm kiến thức vào những ngày trước khi thi, mình để tập sách qua một bên và cố gắng quên đi những áp lực đó bằng cách ra phụ mẹ bán bánh cuốn.
Nhìn lượng khách ra vào quán và được trò chuyện với khách hàng, mình cảm thấy thư giãn, thoải mái. Đôi lúc, mình còn được các cô chú hỏi han, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho mình”.
Thùy Linh nói thêm về các dạng bài đọc trong SAT thường gặp để các bạn lưu ý. Các bài đọc trong SAT thường có 3 dạng. “Expository prose” được dùng để cung cấp thông tin thường xuất hiện trong các bài đọc khoa học. “Rhetorical prose” được dùng để thuyết phục người đọc về một vấn đề nào đó thường xuất hiện trong các bài đọc khoa học, lịch sử. “Narrative prose” được dùng để kể chuyện thường xuất hiện trong các bài đọc văn học.
Theo Bình Nguyễn - Thuận Tùng
Sinh viên Việt Nam